ClockThứ Ba, 06/09/2016 14:13

"Ế vốn" cho bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh!

Nguồn vốn chi cho bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh từ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước (NSNN) đang giải ngân rất ít, thậm chí không nói là nhỏ giọt cho dù Chính phủ, nhiều Bộ, ngành đã bố trí lượng kinh phí lớn và nhiều cơ quan được lập ra để chuyên trách lĩnh vực nói trên.

Chia sẻ tại Hội thảo "Kinh tế xanh cho Phát triển bền vững 2016" được tổ chức sáng nay (6/9) tại Hà Nội, TS Đặng Kim Khôi, GĐ Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn khẳng định: "Dù Việt Nam sử dụng các công cụ thuế, phí bảo vệ môi trường trong nhiều loại thuế gián thu song vốn quay vòng vào các dự án bảo vệ môi trường, giảm thải tác động sản xuất công nghiệp và chống biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp chưa được nhiều".

Vốn cho bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh đang khó giải ngân, khái niệm kinh tế xanh vẫn mơ hồ trong nhận thức người Việt. Trong khi đó Việt Nam đã và đang chứng kiến những thảm họa thiên nhiên do hiện tượng nóng lên của Trái đất và nước biển dâng.

Theo ông Khôi, ngoài ngân sách cho phát triển xanh lớn thì từ năm 1993 đến nay, Chính phủ đã chi khoảng 2 tỷ USD vốn (Viện trợ Phát triển Chính thức) ODA cho các dự án và chương trình phát triển liên quan đến tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, các tổ chức và các quỹ quốc tế đã cung cấp hỗ trợ tài chính hoặc kỹ thuật như chương trình đang phát triển và giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng, Quỹ bảo vệ Môi trường Việt Nam (VEPF) và Cơ chế phát triển sạch (CDM)...

Chính phủ cũng đã giao cho Bộ KH&ĐT và các Bộ phân bổ ngân sách cho bảo vệ môi trường từ Ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí khác khoảng 1% của GDP của tỉnh.

Tuy nhiên, các quỹ VEPF ở cấp trung ương và cấp địa phương mới chủ yếu tập trung vào các hỗ trợ vốn vay cho các dự án bảo vệ môi trường, điện gió, dự án CDM. Vào cuối năm 2014, VEPF đạt tổng số cấp tín dụng 60 triệu USD, trong đó vốn vay dự án xử lí chất thải đạt 20 triệu USD. Nói chung, quỹ này chủ yếu tập trung vào các dự án môi trường lớn và chưa tạo ra tác động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo báo cáo mới của Bộ Tài chính về nguồn lực cho bảo vệ môi trường, thu từ thuế Bảo vệ môi trường đã tăng hơn 3 lần trong vòng 5 năm qua, lên khoảng 38.000 tỷ đồng trong năm 2016. Trong khi đó, số chi tăng không đáng kể, từ 9.000 tỷ đồng lên 12.290 tỷ đồng và tương đương khoảng 1% tổng chi ngân sách.

Như vậy, trong năm 2016, số thu cho mục đích bảo vệ môi trường (chỉ tính từ nguồn thu thuế, chưa tính các khoản phí khác) so với chi tương ứng đã cao gấp 3 lần. Tỷ số này có xu hướng tăng trong những năm qua.

Trong khi đó, ông Khôi nhấn mạnh, đối với kinh tế xanh, nội hàm của nó bao gồm cả bảo vệ môi trường. Chính vì vậy phải xem xét và hỗ trợ khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân bởi khu vực này đang phải gánh chịu tổn thất rất lớn do tác động công nghiệp hóa, biến đổi khí hậu.

"Suy thoái đất đang diễn ra một cách nghiêm trọng ở Việt Nam. Hiện cả nước có 2 triệu ha đất được coi là suy thoái nghiêm trọng và 9,3 triệu ha đất đang bị suy thoái, chiếm hơn 20% diện tích đất canh tác của cả nước. Hai đồng bằng lớn là Đồng bằng Sông Cửu long (ĐBSCL) và Đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH) sử dụng phân bón hóa chất nhiều hơn so với tất cả các nước ASEAN...", TS Khôi cho hay.

Chia sẻ về vấn đề này, tại báo cáo Chính sách phát triển kinh tế xanh và bảo vệ môi trường ở Việt Nam, PGS, TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ: Chưa có bất kỳ chính sách nào về kinh tế xanh mà chỉ có tăng trưởng xanh, giảm thiểu tác động đến môi trường, tuy nhiên hiện nay còn nhiều tranh cãi.

Theo PGS Chinh, phạm trù kinh tế xanh mới xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2010, nhưng đến nay chỉ có các luật và chính sách về tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, nền kinh tế cacbon thấp, công nghệ xanh, việc làm xanh... chứ chưa có chính sách chung nào bao trùm và đồng bộ. Do đó, thiếu bài bản và quy mô để phát triển dù Việt Nam là một trong 5 nước chịu tác động biến đổi khí hậu và nước biển dâng nặng nề nhất thế giới.

"Thế giới đang có xu hương phát triển mới, Việt Nam không thể duy trì kiểu phát triển kinh tế cũ dạng "kinh tế nâu" - chỉ chú trọng tới tăng trưởng kinh tế mà giảm nhẹ bảo vệ môi trường: "Về nhận thức, hiểu thế nào là một nền "kinh tế xanh" đầy đủ hiện nay ở Việt Nam vẫn còn đang có những tranh cãi. Nếu nhận thức không đầy đủ, tính đồng thuận trong xã hội sẽ không đạt được", báo cáo của ông Chinh nêu rõ.

Theo Dân trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng trưởng xanh, đi nhanh để chiếm ưu thế

Với xu thế phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) hiện nay, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đều đặt ra mục tiêu phải sản xuất xanh, tuần hoàn để tăng trưởng xanh.

Tăng trưởng xanh, đi nhanh để chiếm ưu thế
Thu hút đầu tư “xanh”

Tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững là câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất sau Hội nghị COP26 khi Việt Nam cam kết với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Từ đây, câu chuyện thu hút đầu tư theo hướng “xanh hóa” cũng được chú trọng hơn.

Thu hút đầu tư “xanh”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top