ClockChủ Nhật, 28/05/2017 13:31

Em ổn không?

TTH - - Anh nhắn cho chị lúc nửa đêm khi vừa giặt xong chậu quần áo to vật vã. Cái áo đỏ vừa mới mua hồi chiều ngoài siêu thị loang màu ra khắp chậu. Thật tai hại khi mấy chiếc áo trắng giờ đều chuyển thành màu hồng loang lổ. Anh ngâm dấm, lấy bàn chải chà mạnh nhưng vẫn không ăn thua. Giặt xong thì hai bàn tay buốt lạnh, anh tự pha cho mình một cốc trà gừng.

Anh lại lên cơn nhung nhớ lúc nửa đêm. Khi còn sống chung nhà, chị quần áo giặt giũ sạch sẽ thơm tho, ủi phẳng lì treo sẵn trong tủ. Nửa đêm có đói cũng chẳng phải ăn mì “không người lái”. Đàn ông đến lúc mất vợ mới nghiệm ra mình tệ quá. Vợ làm quần quật suốt ngày chẳng khác gì ô - sin. Vừa là cái máy giặt, là tay sai vặt, là người mang nặng đẻ đau duy trì nòi giống cho mình. Ấy vậy mà liệu có mấy gã chồng tử tế được với vợ mình. Cơm nước ba bữa tươm tất vẫn thấy còn thiêu thiếu cái gì. Vợ ngoan quá thì chê lành chê hiền chẳng biết gì. Vợ hay nói thì bảo càu nhàu lắm điều. Vợ vun vén lo toan thì bảo chi li tính toán. Vợ cam chịu im lặng thì lại điên lên quát “câm à?”.

Anh cũng từng sống những ngày coi vợ là thứ phiền phức và bực dọc. Để rồi đến lúc chị dắt con đi. Bỏ anh lại với thế giới xô lệch của mình.

“Em ổn không?”. Tin nhắn gửi đi, anh xoa tay tự tìm hơi ấm. Tròn một năm sống ly hôn anh không biết mình đã vượt qua những ngày tháng tẻ nhạt bằng cách nào. Trong góc nhà anh từng vứt lăn lóc vỏ chai rượu. Từng trốn phố về quê rồi lại từ quê xuống phố. Chỉ cố để chứng tỏ mình sống không cần đến bàn tay đàn bà thu vén. Cũng để thử xem mẹ con chị khi thiếu anh sẽ sống thế nào? Lúc con ốm chỉ có một mình chị xoay xở làm sao? Đêm hôm không có người đàn ông trong nhà liệu chị có ngon giấc được? Đôi lúc anh hả hê nghĩ với số tiền chu cấp nuôi con ít ỏi để xem chị phải vật lộn thế nào? Mỗi ngày anh đều vào facebook chị. Chờ xem có tiếng thở than, có lời oán hận, có điều gì nuối tiếc hay không. Nhưng chỉ thấy chị đăng ảnh con, ảnh đi tập yoga, ảnh da trắng eo thon, ảnh má phấn môi son. Cứ như thể bỏ được anh là đời chị sang trang mới, tự do và xinh đẹp hơn nhiều. Anh gọi cho chị bằng cái giọng hậm hực:

- Anh thấy em suốt ngày bận bịu chăm sóc bản thân thì lấy đâu thời gian để chăm con?

- Anh yên tâm con vẫn khỏe và ngoan. Em cũng phải yêu bản thân mình nữa chứ.

- Thật chẳng mấy người phụ nữ bỏ chồng mà tươi rói, sống vui sống khỏe như em.

- Thật may. Bạn bè em đều bảo “bỏ chồng đẹp như lúc chưa chồng”.

Chị cười giòn tan rồi tắt máy. Tiếng cười cứ vang mãi trong tâm trí anh ngay cả khi cố vùi mình vào giấc ngủ. Trong ba năm sống chung nhà anh không nhớ mình có khi nào nghe thấy chị cười vui như thế. Lấy nhau không bao lâu thì chị mang bầu, mọi chi tiêu bắt đầu thắt chặt. Cuộc sống ở thành phố thật chẳng dễ dàng gì. Khi còn độc thân anh nghĩ mọi chuyện đơn giản lắm. Có một công việc ổn định lương đủ nuôi thân và dành dụm ít tiền gửi về cho mẹ thế là chẳng phải lo gì nhiều. Đến lúc có vợ con mới thấy tiền lương công nhân đâu thấm tháp gì. Con ốm xoàng thôi tiền thuốc thang cũng đủ tốn kém. Chưa kể tiền sữa, bỉm và đủ thứ lặt vặt cần chi. Chị từ một người đàn bà dịu dàng trở thành người gắt gỏng chi li tính toán. Có nhiều hôm hai vợ chồng cắm cúi ăn cho xong bữa. Có nhiều đêm nằm quay lưng với nhau anh nghe thấy chị thở dài. Có những buổi sáng anh lao ra khỏi nhà sau khi cãi nhau với chị. Anh tự hỏi đàn bà là cái giống gì mà suốt ngày chỉ than thở chuyện tiền nong. Tiền! Tiền! Tiền! Cứ như thế đầu anh sắp nổ tung…

Anh ghét mấy người bạn thân của chị. Lần nào họ gọi là y rằng hôm đó hai vợ chồng cãi nhau. Cô A khoe chồng mới lên chức phó giám đốc bệnh viện. Cô B thì khoe chồng mới nhận thầu mấy công trình cùng lúc, cứ thỉnh thoảng lại gửi về cả cục tiền. Cô C khoe chồng mới lấy bằng thạc sĩ. Cô D khoe vừa mới mua nhà hơn tỉ, cuối năm chồng lại tậu xe hơi. Anh chỉ là thằng công nhân quèn lương ba cọc ba đồng. Chị so bì, đay nghiến và trách than số phận. Chị xúi bỏ việc đi buôn, anh không chịu. Chị khuyên đi học thêm lấy nghề gì dễ kiếm cơm hơn, anh không nghe. Anh từng nghĩ nếu nhà máy hết việc sẽ về quê nuôi lợn. Nghĩ thật chứ đâu có đùa. Về mở trang trại nuôi vài chục con lợn, mấy trăm gà đẻ, nuôi rắn bán trứng ngon ơ. Nhưng chị đâu có chịu. “Người ta mong ra phố mở mày mở mặt không xong anh thì chỉ thích bàn lùi”. Rồi chị không nói nữa. Lặng lẽ và cam chịu. Chị vừa trông con vừa nhận việc về nhà làm thêm. Không mấy khi anh thấy chị cười. Đầu bù tóc rối, mặt mày bí xị, lầm lũi như chiếc bóng trong nhà. Anh từng có lúc không muốn trở về nhà.

Anh chị quyết định ly hôn hôm đi khám răng về. Những cái răng chết tiệt tự nhiên rủ nhau đau. Mà cả hai vợ chồng cùng đau răng mới cực. Bác sĩ nhìn phim chụp X-quang cười trêu “đúng là có duyên chồng vợ. Đến mấy cái răng khôn cũng mọc giống nhau y hệt”. Anh cười méo xệch, giống gì không giống lại giống nhau cái khoản mất tiền. Nhổ răng số 8 mọc lệch đắt gớm. Đã mọc lệch còn mọc ngầm trong lợi, bác sĩ nói “phải tiểu phẫu ca khó mức hai”. Lại thêm diệt tủy và bọc sứ răng số 7 vậy là đi tong gần chục triệu đồng. Bằng hai tháng lương công nhân của anh chứ ít ỏi gì. Nhưng đau thì phải nhổ, có sức khỏe mới sống và làm việc được. Anh quyết định nhổ bỏ một cách dứt khoát để có bộ nhá ngon lành. Nhưng chị thì xót tiền cứ dùng dằng không chịu nhổ. Tối đó chị đau răng còn anh thì đau vết mổ. Tiếng rên rỉ của chị khiến anh càng điên tiết. Hai con người mệnh hỏa giữa cơn đau nhức đã không ai kiềm chế được mình. Anh gầm lên rủa sả cái tính tiếc tiền của đàn bà. Còn chị than thở lấy phải ông chồng nghèo cam phận nên vợ con muốn cái váy, thỏi son cũng phải đắn đo. Tiền tàu xe về quê có khi còn xót ruột thì nói gì đến một chuyến đi du lịch. Giờ đến tiền nhổ răng cũng phải cắn xé nhau.

- Tiền có đấy sao cô không nhổ?

- Có mấy đồng tiết kiệm tiêu hết lỡ mai con ốm đau lấy đâu ra? Còn tiền nhà, tiền đám giỗ, tiền cưới xin cuối tháng này thì tính sao đây?

Anh ôm đầu. Những cơn đau răng buốt lên tận óc. Đàn bà là chúa tể của mọi rối rắm. Lo hôm nay chưa xong đã tính chuyện ngày mai. Sao họ không thể đơn giản hóa mọi vấn đề cho dễ thở? Sao họ cứ thích châm ngòi cho mọi cuộc cãi vã trong nhà? Anh không nhớ mình đã nói những gì trong cơn tức giận. Còn chị, có lẽ vì không thể chịu đựng nổi cuộc sống hôn nhân ngột ngạt nên đã dắt con đi. Anh không cản lại vì thấy đời mình cũng cần được nới lỏng khỏi sự bức bí này. Một năm đã trôi qua. Cái răng diệt tủy bọc sứ chết tiệt. Tay nha sĩ chỉnh khớp cắn không chuẩn xác nên bị kênh để lại cảm giác cộm cấn rất khó chịu. Thỉnh thoảng khi ngồi ăn cơm một mình, răng bỗng nhiên đau nhói. Nó làm anh nhớ đến những ngày tháng cũ. Nó thức tỉnh cuộc sống cô đơn hiện tại. Nó nhạo báng cuộc đời nhàn nhạt của anh. Sau mỗi cái nhói đau anh thấy mình đuối sức.

* * *

Chị rời phố biển lên thủ đô tìm cơ hội cho mình. Hai tháng sau ly hôn chị bắt đầu gửi con để đi làm. Một công việc tốt là điều chị ao ước từ lâu nhưng khi còn sống chung anh lúc nào cũng ngăn cản chị. Anh sợ chị đi làm thì không có người trông con. Bà nội ở xa lại không muốn vất vả vì con cháu. Mà thuê người trông thì anh không yên tâm. Chị ở nhà ôm con quẩn quanh trong những lo toan vụn vặt. Giờ thì ngoài con chị đã có thể sống cho mình. Thỉnh thoảng chị đăng lên facebook ảnh đi uống café sáng một mình, đi ăn cơm tối cùng bạn. Ngắm những bức ảnh chị vui vẻ, trẻ trung anh ngậm ngùi nghĩ “chắc là người ta đã quên mình”. Gọi điện hỏi thăm, nghe thấy tiếng con cười lanh lảnh trong điện thoại anh thầm nghĩ “chắc con đã quen với cuộc sống thiếu vắng bố rồi”. Nhưng anh đâu để ý trong một vài bức ảnh chụp mâm cơm của hai mẹ con luôn lấy thừa bát đũa. Không phải nhà đang có khách cũng chẳng phải chờ đợi ai đâu. Đơn giản là thói quen. Chị vẫn dành chỗ cho anh trong mâm cơm cũng như trong cuộc đời mình. Hôm nấu canh cà chua với trứng chị bảo con “bố cực ghét món này”. Lúc vào siêu thị chọn thực phẩm, cầm khay cá trứng trên tay chị thầm nghĩ anh thích mê món này. Hồi ở chung nhà thỉnh thoảng chị vẫn mua về rán giòn lên chấm với nước mắm pha cùng măng ớt, anh vừa ăn vừa tấm tắc khen.

Nửa đêm thức giấc chị hay tự hỏi không biết giờ này anh đang làm gì? Chỉ có một mình liệu anh có nấu nướng ăn uống đầy đủ hay lại cơm hàng cháo chợ? Lúc ốm đau lấy ai thuốc thang? Lúc ngồi khâu lại áo cho con chị lại thở dài thương anh những khi áo quần tuột chỉ. Anh vụng lắm, biết lấy ai khâu vá giùm đây? Ý nghĩ ấy khiến chị ngồi bần thần, dụi mắt. Một năm trước chị dắt con bỏ đi không phải là đã hết yêu chồng. Chị đi để anh có thời gian nhìn lại bản thân. Nếu anh còn thương mẹ con chị thì cố gắng thay đổi để làm chỗ dựa cho mẹ con chị nương tựa. Cuộc đời không phải chuyện ngôn tình. Những đứa con ra đời rồi chúng sẽ lớn lên. Chúng cần được học hành tử tế. Chúng cần một ngôi nhà đủ rộng để sống chứ đâu thể đi ở trọ suốt đời. Đâu thể cứ sống ngày nào lo ngày ấy như anh. Cuộc đời còn biết bao thăng trầm biến cố ở phía trước mà nếu không chuẩn bị được gì chúng ta đâu dễ vượt qua. Nhà máy nơi anh làm việc năm nào cũng đóng cửa vài tháng cho công nhân nghỉ vì không bán được hàng. Một vài năm nữa có thể sẽ đóng cửa như rất nhiều nhà máy khác trong khu công nghiệp. Lúc ấy muốn xin việc khác cũng khó vì anh đã quá nhiều tuổi rồi. Chị là đàn bà. Mà đàn bà thì hay lo xa lắm…

“Em ổn không?”. Chị nhận được tin nhắn lúc định đặt lưng nằm cạnh đứa con gái ba tuổi vừa hạ sốt. Đọc tin nước mắt chị cứ thế trào ra. Lúc con ốm chị thấy thèm có anh bên cạnh. Để anh thay chị ngồi bế con trên tay. Để thấy anh sốt sắng chạy ra hiệu thuốc rồi lại vội vàng đi dấp khăn lau khắp người hạ sốt cho con. Nên chị gọi cho anh nói con đang ốm và chị đang không ổn. Để nghe thấy anh nói “Sáng mai anh đi chuyến sớm nhất. Sẽ tạt qua chợ mua đồ nấu súp nóng cho con. Em tranh thủ ngủ đi một lúc…”. Chị nghe giọng anh ấm ran cả căn phòng…

BÙI QUANG DŨNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mình nói chuyện gì vui đi em

Giờ ngồi trước mặt Sa, Văn chợt nghĩ, lấy một người chồng đớn hèn như Văn thì còn gánh trên vai thêm biết bao bi kịch nữa.

Mình nói chuyện gì vui đi em
Tôi là shipper

Thời buổi công nghệ có khác. Mọi hàng hóa đều được bán online, từ cái quần cái áo cho đến thực phẩm tươi sống, đồ ăn nóng hổi. Con người ngày càng lười vận động và có nhu cầu hưởng thụ hơn.

Tôi là shipper
Nhà mới...

Những ý nghĩ ấy khiến mắt Hiền nhòe đi, hai tay cầm lái run lên sợ hãi. Hiền giảm ga đỗ ngay vào lề đường gục mặt xuống đầu xe thiếp đi trong cơn mệt lử.

Nhà mới
Ổ thiên đường

Nhu về nhà nhét ít đồ đạc vào ba lô dọn đến nơi ở mới. Nhưng thứ gì cũng thấy thừa thãi, nhấc lên đặt xuống rồi quyết định không mang.

Ổ thiên đường
Vợ về...

Xóm chạy dọc bờ đê cách trung tâm thành phố chừng hai chục cây số. Ai đi qua cũng ngỡ ngàng thốt lên “nhà nơi này xây giống nhau như đúc”. Những ngôi nhà cao tầng cùng một kiểu dáng, cùng một màu sơn cứ đua nhau mọc lên sừng sững.

Vợ về
Return to top