Thế giới

EU đề xuất áp dụng thời hạn 9 tháng hiệu lực đối với chứng nhận vaccine

ClockThứ Sáu, 26/11/2021 19:00
TTH.VN - Theo đề xuất của Ủy viên châu Âu phụ trách tư pháp, giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của khối chỉ có giá trị tối đa trong vòng 9 tháng kể từ khi tiêm liều cuối cùng trong liệu trình. Giấy chứng nhận này cho phép công dân của các nước thành viên EU đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 được tự do đi lại trong khối.

EU tiến gần hơn đến “chứng nhận COVID-19” phục vụ đi lại

Chứng nhận kỹ thuật số của EU cho phép công dân tự do đi lại trong khối. Ảnh: Mobilise

Tin từ CNBC cho biết EU đang tìm cách cập nhật chứng chỉ COVID-19 giúp việc đi lại trong khối dễ dàng hơn khi số ca nhiễm COVID-19 lại đang gia tăng ở khu vực, làm dấy lên lo ngại rằng việc di chuyển qua biên giới có thể một lần nữa bị đe dọa.

“Chúng tôi đề xuất thời hạn hiệu lực của chứng chỉ vaccine ngừa COVID-19 của châu Âu là 9 tháng và sau thời hạn này, hiệu lực của chứng chỉ sẽ không còn được công nhận nếu không có liều vaccine tăng cường”, ủy viên EU Didier Reynders cho biết trong một cuộc họp báo.

Ông Reynders cho biết thêm, thời hạn 9 tháng nói trên được đưa ra tuân theo đúng các hướng dẫn của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) về việc cần tiêm liều tăng cường 6 tháng sau mũi tiêm thứ 2 và kéo dài thêm 3 tháng để các quốc gia có thời gian điều chỉnh các chiến dịch tiêm chủng.

Do đó, mọi công dân của Liên minh châu Âu sẽ cần tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 nếu muốn đến một quốc gia nào khác trong khối vào mùa hè tới mà không cần phải xét nghiệm hoặc cách ly, Ủy ban châu Âu (EC) khuyến nghị.

Chấp nhận rằng khả năng miễn dịch suy giảm theo thời gian, EC đề xuất mọi người nên tiêm mũi tăng cường nếu liều cuối cùng trong liệu trình tiêm chủng chính của họ là trong vòng 9 tháng qua và cập nhật này sẽ áp dụng từ ngày 10/1/2022 tới.

Với hầu hết các cư dân EU đã được tiêm mũi 2 vaccine ngừa COVID-19 đã trong quý II và quý III/2021, thời hạn được bảo vệ bởi khả năng miễn dịch từ vaccine của họ phần lớn sẽ hết hạn vào giữa năm sau.

“Chứng chỉ kỹ thuật số về COVID-19 của EU” được coi là một câu chuyện thành công trong việc tạo điều kiện dễ dàng cho việc đi lại xuyên biên giới đối với những người châu Âu đã được tiêm chủng, tạo ra một động lực rất cần thiết cho nền kinh tế vốn đã bị tàn phá nghiêm trọng vì đại dịch, nhất là lĩnh vực du lịch.

Giấy chứng nhận COVID-19 của EU đã được Nghị viện Châu Âu phê duyệt và bắt đầu có hiệu lực vào tháng 7/2021, được xem là bằng chứng chứng minh rằng chủ nhân của chúng đã được tiêm chủng đầy đủ, có xét nghiệm COVID-19 âm tính gần đây hoặc đã phục hồi sau khi nhiễm COVID-19.

Việc sử dụng chứng nhận này đã giúp các điểm đến mùa hè ở châu Âu như Hy Lạp phục hồi trở lại, và một số quốc gia không thuộc EU khác, bao gồm cả Anh, cũng đã tham gia vào hệ thống này.

Tuy nhiên, số ca nhiễm COVID-19 hiện lại tăng cao ở một số quốc gia EU khi mùa đông đến, khiến một số chính phủ bắt đầu thắt chặt các biện pháp hạn chế trở lại.

Cụ thể, Áo đã tái áp đặt lệnh phong toả toàn quốc, Hà Lan đóng cửa các quán bar và Đức sẵn sàng công bố các biện pháp mới.

Một số quốc gia, bao gồm Hy Lạp, Pháp và Đức, đang tiến tới việc yêu cầu tiêm mũi tăng cường đối với những người đã tiêm chủng đầy đủ, với bằng chứng rõ ràng rằng hiệu quả của các mũi tiêm hiện tại sẽ giảm sau 4-5 tháng.

Tuy nhiên, ở cấp độ EU, điều này sẽ khiến một số quốc gia thành viên, chủ yếu ở miền đông, phải đối mặt nhiều khó khăn do tỷ lệ tiêm chủng tương đối thấp.

Được biết, khuyến nghị này của cơ quan điều hành EU cần được các quốc gia thành viên cũng như Nghị viện châu Âu chấp thuận. Đây dự kiến ​​sẽ là một trong những vấn đề chính được giải quyết tại hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến ​​diễn ra vào ngày 16-17/12 tới.

Theo lời Ủy viên Y tế EU Stella Kyriakides, tỷ lệ tiêm chủng hiện tại của EU là 65% dân số. “Để mọi người có thể đi lại và sống an toàn nhất có thể, chúng ta cần phải đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao hơn nhiều - một cách khẩn cấp. Chúng ta cũng cần củng cố khả năng miễn dịch bằng vaccine tăng cường”, bà Stella nói.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) hôm 24/11 đã khuyến nghị tiêm mũi vaccine tăng cường cho tất cả người lớn, ưu tiên cho những người trên 40 tuổi.

Ủy ban cho biết chưa có nghiên cứu nào khẳng định rõ ràng hiệu quả của các mũi tiêm tăng cường đối với việc lây nhiễm COVID-19, nhưng ECDC cho rằng mũi tăng cường có thể mang đến khả năng bảo vệ lâu hơn so với các mũi tiêm ban đầu.

Ngoài ra, cơ quan quản lý dược phẩm của EU hôm qua đã phê duyệt việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi, mở đường cho các em được tiêm mũi đầu tiên khi châu Âu đang nỗ lực để chống lại làn sóng lây nhiễm mới.

Theo một thống kê chính thức của AFP, tính đến ngày 25/11, đã có hơn 1,5 triệu người ở 52 quốc gia trên toàn châu Âu tử vong vì COVID-19 kể từ khi ca tử vong đầu tiên được ghi nhận trong khu vực vào tháng 2 năm ngoái.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Straitstimes & CNBC)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

EU và Philippines nối lại đàm phán thương mại

Liên minh châu Âu (EU) và Philippines ngày 18/3 cho biết, họ sẽ nối lại các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do, trong bối cảnh EU tìm cách nắm bắt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn của khu vực châu Á và tiếp cận các nguyên liệu thô quan trọng.

EU và Philippines nối lại đàm phán thương mại
NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN CHÂU Á (ADB):
Hội nhập kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương “xếp hạng gần” với EU

Trong một thế giới mà các khoảng cách ngày càng thu hẹp, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là minh chứng cho sức mạnh của hội nhập kinh tế và xã hội. Hội nhập kinh tế ở khu vực này "hiện đang được xếp hạng gần" với Liên minh châu Âu (EU) về chuỗi giá trị khu vực và hội nhập xã hội, theo một báo cáo do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 26/2.

Hội nhập kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương “xếp hạng gần” với EU
Cuộc khủng hoảng Biển Đỏ: Các nhà bán lẻ yêu cầu EU hành động nhiều hơn

Tổ chức thương mại đại diện cho các doanh nghiệp bán sỉ và bán lẻ trên toàn Liên minh châu Âu (EuroCommerce) vừa lên tiếng kêu gọi các tổ chức và quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) giải quyết cuộc khủng hoảng Biển Đỏ đã làm gián đoạn hoạt động thương mại. Đồng thời, trong một lá thư gửi đến Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ, EuroCommerce cho biết, cuộc khủng hoảng này đã gây ra “những tác động to lớn” đến các doanh nghiệp.

Cuộc khủng hoảng Biển Đỏ Các nhà bán lẻ yêu cầu EU hành động nhiều hơn
Return to top