ClockThứ Sáu, 22/04/2016 14:04

FED: Chi tiêu hộ gia đình sẽ tăng nếu giá dầu tiếp tục giảm

TTH - Mở cửa phiên giao dịch tuần này, giá dầu thế giới ghi nhận mức giảm mạnh ngay sau khi cuộc đàm phán giữa các cường quốc sản xuất dầu mỏ tại Doha không thể đi đến thỏa thuận “đóng băng” sản lượng dầu mỏ, nhằm giải quyết tình trạng dư nguồn cung lớn trên thị trường. Trước tình hình đó, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự báo rằng, mức giảm liên tục này sẽ làm tăng mức chi tiêu của các hộ gia đình.

Giá dầu giảm sâu khi cuộc đàm phán về sản lượng dầu ở Doha không đạt được thỏa thuận. Ảnh: Reuters

Đàm phán đi vào ngõ cụt, dầu rớt giá mạnh

Trước đó vào ngày 17/4, các cường quốc sản xuất dầu mỏ trong và ngoài Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã có cuộc họp chính thức tại thủ đô Doha, Qatar để thảo luận về khả năng “đóng băng” sản lượng nhằm hỗ trợ giá dầu. Cuộc họp được đánh giá là nỗ lực hợp tác đầu tiên giữa các nước thành viên OPEC và các nước ngoài tổ chức dầu mỏ này trong 15 năm qua. Trước cuộc gặp, các chuyên gia dự đoán rằng, nếu các quốc gia đạt được thỏa thuận nhằm kiềm chế sản lượng dầu trên thị trường, tình trạng dư thừa nguồn cung sẽ được giải quyết, giúp tăng giá bán dầu và cải thiện nguồn tài chính của các quốc gia sản xuất dầu mỏ.

Thế nhưng, sau hơn 10 giờ thảo luận, cuộc đàm phán nói trên đi vào ngõ cụt khi Saudi Arabia và các quốc gia vùng vịnh tuyên bố không nhất trí với bất kỳ thỏa thuận nào nếu tất cả thành viên OPEC bao gồm Iran từ chối tham gia. Đáng chú ý, đại diện phía Iran đã không xuất hiện tại cuộc đàm phán lần này. Mặc khác, cuộc đàm phán được tổ chức trong bối cảnh mối quan hệ giữa 2 cường quốc xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới là Saudi Arabia và Iran đang tồn tại không ít bất đồng. Bộ Dầu mỏ Iran tuyên bố, Tehran không nhất trí kế hoạch “đóng băng” sản lượng dầu cho đến khi nước này khôi phục được sản lượng dầu mỏ ở mức trước khi các biện pháp cấm vận được áp đặt. Phản ứng trước tuyên bố này, Thái tử Saudi Arabia Mohamed bin Salman khẳng định, Saudi Arabia sẽ không “đóng băng” sản lượng nếu Iran không thực hiện hành động tương tự. 

Trước cuộc họp ở Doha, OPEC quyết định hạ dự báo về sức tăng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ thế giới trong năm nay, đồng thời dự báo chỉ số này sẽ còn tiếp tục sụt giảm. Được biết, giá dầu thô thế giới đã giảm khoảng 60% kể từ năm 2014. Giá dầu sụt giảm khiến các nhà sản xuất dầu phải hứng chịu thiệt hại hàng trăm tỷ USD, dẫn đến tình trạng thâm hụt ngân sách lớn. Cụ thể là, các nước đã mất 315 tỷ USD, khoảng 20% dự trữ ngoại hối kể từ khi giá dầu bắt đầu tuột dốc hồi tháng 11/2014.

Sau kết quả của cuộc đàm phán nói trên, giá dầu lao dốc xuống mức thấp nhất trong 2 tháng qua. Trong phiên giao dịch gần đây, giá các hợp đồng giao dầu tương lai trên sàn New York giảm 6,8%, đây là mức giảm lớn nhất kể từ hôm 1/2. Ở thị trường châu Á, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 5/2016 giảm 2,2 USD xuống còn 36,16 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 6 tới đây cũng giảm 2,23 USD xuống còn 40,87 USD/thùng.

Chuyên gia phân tích dầu mỏ Abhishek Deshpande đến từ ngân hàng Natixis của Pháp nhận định, năm 2016 sẽ tiếp tục là một năm đầy khó khăn đối với hầu hết các quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ. Trong một động thái liên quan, các nhà phân tích của công ty Goldman Sachs Group Inc. và Barclays Plc dự đoán, giá dầu sẽ tiếp tục giảm cho đến nửa cuối năm nay, khi tình trạng dư thừa dầu toàn cầu bắt đầu hạ nhiệt.

Chi tiêu hộ gia đình tăng

Theo dự báo về thị trường năng lượng Mỹ trong ngắn hạn do Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố hồi tuần trước, sản lượng dầu thô của nước này trong tháng 3 giảm 90 nghìn thùng so với tháng 2. Sản lượng dầu thô trung bình của Mỹ năm 2016 ước tính đạt khoảng 8,6 triệu thùng/ngày và chạm mức 8 triệu thùng/ngày đến năm 2017. Như vậy, sản lượng dầu trung bình thấp hơn rất nhiều so với mức cao kỷ lục với 9,4 triệu thùng/ngày hồi năm 2015.

Sự sụt giảm mạnh của giá dầu kể từ năm 2014 gây ra nhiều áp lực cho hoạt động kinh doanh của các công ty sản xuất dầu đá phiến Mỹ, trong khi các ngân hàng phải tăng mạnh dự phòng rủi ro tín dụng bởi giá dầu tiếp tục duy trì ở mức thấp trong thời gian dài, khiến nền kinh tế Mỹ đối diện với mức tăng trưởng khá trầm lặng. Tuy nhiên, tình hình này có thể được thay đổi nếu các hộ gia đình Mỹ tính toán đến khả năng giá dầu vẫn tiếp tục ở mức thấp.

Kết quả của một nghiên cứu do Ngân hàng dự trữ liên bang (FED) San Francisco công bố hôm 18/4 cho thấy, giá dầu càng duy trì ở mức thấp thì nền kinh tế Mỹ sẽ càng nhận được những dấu hiệu phục hồi tốt hơn. Đó là điều quan trọng khi ngân hàng trung ương đang tìm kiếm bằng chứng cho thấy nền kinh tế đủ mạnh để tiếp tục tăng lãi suất từ ​​mức hiện tại là 0,25% lên 0,5%.

Hiện nay, dầu đang được bán ở mức gần 40USD/thùng, giảm từ mức khoảng 100USD/thùng cách đây 2 năm, nhưng các hộ gia đình nói chung cho rằng sự suy giảm chỉ là tạm thời, các nhà nghiên cứu của FED viết trong bản báo cáo.

“Bởi sự suy giảm của giá dầu chỉ được coi là tạm thời, các hộ gia đình có ít thông tin về xu hướng giảm này không tin rằng, thu nhập của họ trong tương lai sẽ có thể tăng lên. Cũng chính vì sự thiếu hụt thông tin này, họ chọn cách chi tiêu tương đối tiết kiệm. Việc tiêu thụ hạn hẹp khiến hoạt động kinh tế bị hãm lại”, các nhà nghiên cứu cho biết.

Tuy nhiên, nếu các hộ gia đình bắt đầu nhận ra rằng, dầu vẫn sẽ giữ mức giá rẻ trong một thời gian dài, việc tiêu thụ hạn hẹp này chỉ có thể là tạm thời, các nhà nghiên cứu kết luận.

“Giá dầu tiếp tục ở mức thấp có thể làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, khiến họ tăng chi tiêu”, báo cáo nói thêm.

Như vậy, giá dầu giảm sẽ góp phần thúc đẩy chi tiêu của các hộ gia đình Mỹ. Trong bối cảnh nền kinh tế của các quốc gia khác trên thế giới tăng trưởng khá chậm, làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Mỹ thì tốc độ tiêu dùng trong nước sẽ được duy trì ở trạng thái tốt, góp phần thúc đẩy nền kinh tế Mỹ phát triển hơn.

 LÊ THẢO (Tổng hợp và lược dịch từ Reuters, Bloomberg & Investing)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu nhờ kinh tế ổn định

Trong tuyên bố mới nhất của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), tổ chức vẫn giữ nguyên dự báo về nhu cầu dầu mỏ toàn cầu tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2023 và 2024, cùng với lời giải thích rằng có những lý do cho thấy các nền kinh tế lớn đang hoạt động tốt hơn dự kiến, bất chấp những trở ngại như lãi suất cao và lạm phát tăng cao.

OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu nhờ kinh tế ổn định
Fed tăng mạnh lãi suất làm tăng rủi ro nền kinh tế toàn cầu

Sau khi tạm dừng vào tháng 6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đây đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, đưa chi phí đi vay chuẩn lên mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ và tiến gần hơn đến sự kết thúc của chu kỳ thắt chặt hiện tại.

Fed tăng mạnh lãi suất làm tăng rủi ro nền kinh tế toàn cầu

TIN MỚI

Return to top