ClockThứ Sáu, 18/04/2014 05:41

Festival về huyện

TTH - Không khí Festival Huế tiếp tục lan tỏa về các vùng xa. Người dân Hương Trà, Nam Đông, Phú Lộc đã có một đêm thưởng thức văn hóa nghệ thuật quốc tế thú vị, ý nghĩa…

Hình ảnh một nước Nga rất gần

Một tiết mục của đoàn Ra duga tại huyện Nam Đông. Ảnh: Hải Triều

Từ sáng sớm, sau khi nghe thông báo trên loa truyền thanh ở các xã, bà con ở các địa phương vùng xa, như Thượng Quảng, Hương Sơn, Thượng Long… thu xếp công việc gia đình, nương rẫy để xem nhóm múa Raduga biểu diễn tại trung tâm huyện Nam Đông. Anh Cao Xuân Hiền - Phó Phòng Văn hóa Thông tin huyện Nam Đông cho hay: Đây là sự kiện văn hóa, mấy ngày này, anh em của đơn vị chăm lo trang trí, dàn dựng sân khấu phục vụ đoàn nghệ thuật.

Chương trình theo kế hoạch đến 19h30 mới diễn ra nhưng vợ chồng bà Hồ Thị Kăn (thôn 2, xã Thượng Long) đã đến chờ ở sân khấu lúc mặt trời vừa lặn. Bà Kăn, kể: “Mấy ngày qua, nghe trên loa đài truyền thanh xã thông báo có chương trình festival lên biểu diễn, mọi người trong gia đình cứ mong ngày này đến thật sớm. Mong rằng các kỳ festival tới, các chương trình biểu diễn nghệ thuật trong và ngoài nước tiếp tục đến với người dân Nam Đông”. Đại diện đoàn nghệ thuật Raduga (Nga) cho biết: “Đến với Festival 2014, các thành viên hiểu thêm nền văn hóa của các dân tộc, chúng tôi thấy chương trình thu hút đông đảo người dân miền núi thưởng thức. Con người ở đây cũng rất hiền lành và thân thiện”.
Tại Hương Trà với chủ đề “Tình yêu từ nước Nga”, nhóm múa Smile – Nga thuộc Trung tâm nghệ thuật thanh, thiếu niên thành phố Khabarovck (miền đông Liên Bang Nga) đã mang đến cho công chúng tiết mục với những bài hát, điệu nhảy, múa lúc thì vui tươi, rộn rã; khi lại đầy lắng đọng, cuốn hút.  
“Gói” lại hầu như toàn bộ nét văn hóa Nga về nhảy múa dân gian-hiện đại, đoàn đã biểu diễn các tiết mục với sự trình diễn tuyệt vời của những vũ công thiếu niên có độ tuổi từ 14 đến 17 và đã làm ngỡ ngàng khán giả bởi sự sôi động, trẻ trung và thân thiện. Điệu nhảy “Chiếc xe” mở màn chương trình mô tả vẻ đẹp độc nhất vô nhị của mùa đông nước Nga, về tính cách rộng lượng, bao dung, thủy chung và nhân hậu của những con người xứ sở Bạch Dương hay điệu nhảy của những nữ quân nhân biểu thị lòng quả cảm sẵn sàng bảo vệ tổ quốc. Những chàng trai, cô gái Nga đã trình diễn những điệu nhảy sôi động, những điệu ba lê cổ điển xen lẫn những điệu múa dân gian hiện đại của dân tộc Nga với những tiết tấu âm nhạc sôi động hấp dẫn khán giả.
Sân khấu chật kín khán giả đến xem và cổ vũ. Chị Khánh Ngọc, một khán giả của phường Hương Văn hào hứng: “Tôi thấy hình ảnh một nước Nga rất gần với sự vui tươi. Tất cả đều được thể hiện qua từng động tác nhảy múa uyển chuyển, mềm mại nhưng vẫn rất mạnh mẽ, lôi cuốn”. Trước sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả, những vũ công đến từ xứ sở Bạch Dương đã “cháy” hết mình trong từng tiết mục. Có mặt tại đêm diễn, không ít khán giả đã bày tỏ sự tiếc nuối khi chương trình chỉ kéo dài 60 phút bởi hiếm có dịp các đoàn nghệ thuật về với người dân địa phương. “Chỉ mong mỗi kỳ festival như ri, có thêm nhiều chương trình ca múa nhạc diễn hàng đêm tại thị xã để bà con coi cho sướng”, bác Nguyễn Văn Thành, người dân phường Tứ Hạ mong mỏi.
Say mê vũ điệu Singapore
Đã từng tham gia những kỳ Festival Huế trước, nhưng đây là lần đầu tiên đoàn nghệ thuật PA Talents- Singapore về góp mặt tại khu nghỉ dưỡng Laguna - Lăng Cô, góp thêm món ăn tinh thần cho nhiều du hách và đặc biệt là những golf thủ quốc gia tề tựu về đây.
Không gian yên tĩnh của Khu nghỉ dưỡng cao cấp Laguna - Lăng Cô được đánh thức bởi sự sôi động của gần 20 nghệ sĩ đoàn nghệ thuật Pa Talents đến từ quốc đảo sư tử. Đây là đoàn nghệ thuật đa sắc tộc duy nhất của Singapore được thành lập gồm 10 nhóm khác nhau bao gồm các dàn nhạc Hoa, Mã Lai, Ấn, Ban nhạc pop Singapore, đội kèn đồng Singapore và đoàn múa dân tộc.
Quy tụ những tài năng xuất sắc nhất trong giới nghệ thuật cũng như cộng đồng, đoàn nghệ thuật PA Talents đã gửi đến người xem những điệu múa như Zapin có nguồn gốc từ Ả Rập, hay điệu múa Joget thừa hưởng phong thái di chuyển nhẹ nhàng thường thấy trong các điệu múa dân gian Bồ Đào Nha. Điệu múa thu hoạch (Rice Harvest) điệu múa dân gian gốc Trung Hoa này thường được biểu diễn hàng năm trong Lễ hội chào đón năm mới Chingay của người Hoa miêu tả hình ảnh những cô gái trẻ thu hoạch vụ mùa dưới trời nắng nóng. Qua những tiết mục múa trong trang phục cổ điển với tiết tấu nhanh, chậm và những điệu nhạc véo von giàu cảm xúc của các nghệ sĩ, giúp khán giả hiểu hơn về nền văn hóa đa sắc tộc của đất nước Singapore.
Anh Lê Xuân Cường, nhân viên dịch vụ nhà hàng Angsana - Laguna Lăng Cô nhận xét: “Đây thực sự là một đêm trình diễn thú vị, khuấy động cảm xúc của người xem và nhất là hơn một trăm golf thủ đến thi đấu tại Laguna - Lăng Cô. Dù ít quan tâm đến âm nhạc, song với những điệu múa đa sắc tộc đương đại và truyền thống đặc sắc kết hợp dàn nhạc đệm sống động đã khiến nhiều vận động viên tỏ ra thích thú, say mê hòa cùng dòng nhạc”.
M.Văn - L.Minh - H.Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Return to top