Duyên dáng múa Campuchia
|
Những "CON THIÊN NGA" sải cánh lôi cuốn khán giả.
|
Mở màn là một tiết mục múa mang ý nghĩa cầu mong cho sự thịnh vượng, hòa bình của một đất nước và cầu mong sự bình an cho người dân. Điệu múa được các nữ nghệ sỹ thể hiện rất uyển chuyển với cử chỉ mềm mại, chậm rãi khiến người xem mê mẩn. Thông qua điệu múa này, họ còn khoe được vẻ đẹp dịu dàng của người con gái Campuchia. Tiếp đến là điệu múa Brahma, rồi những điệu nhảy Chhouy Chhay, Mani Mekhala, Apsara... đan xen với nhạc đệm sinh động, mang đậm những nét văn hóa đặc trưng của con người và xứ sở chùa tháp cũng khiến nhiều khán giả lắc lư theo điệu nhạc.
Đến với Festival Huế 2014, đoàn nghệ thuật Vương quốc Campuchia gồm 14 diễn viên múa đều tốt nghiệp tại Trường đại học Camphuchia. Nam, nữ diễn viên múa trong đoàn cho biết: “Qua các điểm diễn tại Festival Huế lần này, chúng tôi rất thú vị khi rất đông khán giả hào hứng đón xem, cổ vũ.
Được thành lập năm 1965, đoàn nghệ thuật Vương quốc Campuchia là đơn vị duy nhất phục hồi và gìn giữ thành công những kiệt tác nghệ thuật và múa cổ điển của Campuchia. Đến Huế lần này, đoàn tham gia biểu diễn tại nhiều địa điểm trong thành phố và về phục vụ cho người dân ở các huyện, thị xã. Em Phan Minh Khôi, ở KĐT Mới An Cựu hào hứng: “Tuy không hiểu, nhưng cháu thấy rất đẹp, rất lạ. Mấy cô, mấy chú múa rất dẻo, trang phục lại bắt mắt. Cháu vẫn thích nhất là chú hóa trang mặt khỉ cầm chiếc rìu nhảy múa cùng cô gái đẹp!”
Bác Đặng Văn Đồi, ở tổ 14, khu vực 5, phường An Đông, T.P Huế chia sẻ: “Lúc đầu, vì không hiểu ý nghĩa về điệu múa nên tôi vẫn chưa quan tâm. Nhưng, khi thưởng thức sang tiết mục thứ 2, tôi dường như bị cuốn hút. Các nghệ sĩ biểu diễn nhẹ nhàng, chậm rãi, đôi tay, đôi chân uốn dẻo rất khéo léo, điệu nghệ và trên khuôn mặt của họ luôn hướng những nét cười thân thiện về phía khán giả. Tôi và đứa cháu nhỏ vẫn thấy tiếc vì buổi diễn kết thúc nhanh quá!”.
Vừa trầm lắng vừa sinh động
Mặc dù đây là lần đầu tiên Nhà hát ca múa nhạc Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc đến biểu diễn tại Festival Huế, song những gì họ thể hiện qua các điệu múa và màn trình diễn võ thuật truyền thống của người dân Trung Hoa để lại ấn tượng trong lòng người dân và du khách.
19 giờ 30 phút, khán đài sân khấu Đông Thái Hòa ở Đại Nội Huế bật sáng cùng với điệu múa “Đêm sâu lắng” nhẹ nhàng, uyển chuyển làm lay động lòng người. Tiếng reo hò vang lên cùng với tiếng vỗ tay vui mừng sau gần một tiếng đông hồ chờ đợi. Đáp lại sự mong mỏi của khán giả, những cô gái Trung Hoa uyển chuyển trong trang phục dân tộc đã mang đến một không gian trầm lắng thể hiện yếu tố kinh kịch mang đậm bản sắc văn hóa Trung Quốc. Vở kịch múa ba lê nổi tiếng mang tên “Hồ Thiên Nga” với sự xuất hiện của những nàng thiên nga trắng với chiếc mũ lông công sãi cánh khắp sân khấu, tạo nên một âm thanh nhẹ nhàng và thanh thoát. Cứ thế, những điệu múa quạt Trung Hoa đã nhẹ nhàng đi vào lòng người để rồi tạo nên sự nuối tiếc khi chương trình kết thúc.
Đến với Festival Huế 2014 đoàn nghệ thuật còn mang đến những màn “Công phu Thiếu Lâm” nổi tiếng thiên hạ với từng chiêu thức võ thuật điêu luyện. Những thanh thiếu niên, các cô cậu nhỏ tuổi không thể ngồi yên trên khán đài mà nhanh chân di chuyển xuống và đứng ngay sát sân khấu để quan sát rõ hơn từng tiết mục và ngắm nhìn các diễn viên. Tiếng vỗ tay thán phục liên tục vang lên khi tiết mục “Sấm sơn môn” hay “Tượng hình quyền” bắt đầu. Quả là một đêm diễn ấn tượng khi đoàn nghệ thuật này đã biết kết hợp giữa vũ đạo và võ thuật truyền thống, tạo nên một sân khấu vừa trầm lắng lại vừa sinh động”, chị Hoàng Thị Châu Anh, một du khách đến từ Đà Nẵng cho hay.
Cô Liu Meng Ying, diễn viên múa của Nhà hát ca múa nhạc Trịnh Châu cho biết: “Khán giả đến xem rất đông, cổ vũ hết mình và hơn cả là niềm đam mê nghệ thuật của họ. Nhiều khán giả đã cùng chúng tôi chụp hình kỷ niệm và trò chuyện rất thân tình”, cô Liu Meng Ying cho biết.
Biểu diễn tại Festival Huế từ 12 đến 20-4 với sự tham gia của 28 diễn viên kết hợp hai loại hình múa và biễu diễn võ thuật. Đây là sự kết hợp mang tính sáng tạo giữa vũ đạo và võ thuật truyền thống, thể hiện nét tinh hoa của nền văn hóa Trung Hoa. Từ nay đến đêm bế mạc Festival Huế, Nhà hát ca múa nhạc Trịnh Châu sẽ lưu diễn phục vụ người dân huyện Quảng Điền và các sân khấu Đại Nội, lễ hội đường phố trên địa bàn TP Huế với mong muốn góp phần mang đến thành công cho Festival Huế năm nay.