ClockThứ Ba, 23/05/2017 05:51

Gà Bình Định “thâm nhập”: Chưa ảnh hưởng lớn đến thị trường Huế

TTH - Gà Bình Định có mặt ở thị trường Huế với giá gốc khá rẻ; liệu điều này có ảnh hưởng đến người nuôi gà trên địa bàn tỉnh?

Gà từ xe tải đến từ Bình Đình chuyển lên các xe tải nhỏ mang đi tiêu thụ

“Đặt hàng chiều nay, sáng mai có”

Nhờ người quen “kết nối” với bà M., người buôn gà tại chợ Dạ Lê (TX. Hương Thủy), trong vai một tiểu thương cần gấp số lượng lớn gà để cung ứng cho thị trường ở Quảng Trị, chúng tôi được bà M. giới thiệu loại gà nhập từ Bình Định với giá 70 nghìn đồng/kg.

Theo bà M., tại chợ Dạ Lê, có 5-6 thương lái nhập gà từ Bình Định để cung ứng cho thị trường. Lượng gà này không chỉ được bán lẻ ở các ngôi chợ lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh mà còn được nhập vào các nhà hàng hay đáp ứng nhu cầu cưới hỏi của người dân. “Ngoài nhập hàng để bán lẻ, nếu ai có nhu cầu số lượng lớn chị mới liên lạc với đầu mối ở Bình Định để đặt hàng”, bà M. nói. Từ chối mua gà với lý do giá đắt, tôi ngỏ ý xin số điện thoại của chủ đầu mối tại Bình Định để tham khảo, bà M. xua tay: “Ở đây ai cũng có mối làm ăn. Nếu em muốn cứ lấy gà qua chị”.

Sau nhiều lần tìm kiếm, kết nối với các đầu mối, người dân địa phương, chúng tôi tiếp cận với chiếc xe tải lớn chở gà từ Bình Định tập kết tại bãi đất trống thuộc phường Phú Bài (TX.Hương Thủy). Khoảng 6 giờ sáng, tại đây có khoảng 2-3 chiếc xe tải loại nhỏ đến chở gà tỏa đi các chợ trên địa bàn tiêu thụ. “Tui không biết giá gà như thế nào, chỉ là người chở hàng thuê. Mỗi ngày, gà từ Bình Định nhập về từ 1-2 xe, mỗi xe khoảng 20-30 lồng (27-30 con/lồng). Tụi tui chở gà có giấy tờ kiểm dịch đàng hoàng”. Một tài xế xe tải chở gà từ Bình Định nói.

So với gà Bình Định, giá gà trong tỉnh cao hơn khoảng 10 nghìn đồng/kg

Theo xe tải nhỏ chở gà tại đây về hướng chợ Dạ Lê, các lồng gà được lái buôn xổ ra để bán lẻ cho người tiêu dùng. Phóng viên hỏi mua loại gà được nhập từ Bình Định, lái buôn ra giá: “75 nghìn đồng/kg, còn gà trống thì giá rẻ hơn”.

Để biết được giá gốc của loại gà được nhập, chúng tôi liên lạc với anh T., đầu mối chuyên cung cấp gà cho thị trường Huế tại Bình Định. Anh T. tỏ ra bất ngờ rồi dò xét: “Bữa giờ nhập gà ở đâu, sao bây giờ đặt mua ở tôi”. “Lâu nay, em lấy gà các trang trại ở Thừa Thiên Huế, bây giờ cần số lượng lớn nhưng giá khá cao nên liên lạc với anh để đặt mua cho rẻ”, tôi nói.

Sau đó, anh T. ra giá: “Gà Bình Định có giá 48 nghìn đồng/kg đối với gà trống cồ, còn gà mái giá 54 nghìn đồng/kg, cần bao nhiêu cũng có. Chỉ cần đặt mua chiều nay, sáng mai sẽ có hàng”. “Em muốn chuyển gà ra Quảng Trị, các loại giấy tờ và vấn đề kiểm dịch như thế nào?- “Gà tại đây tôi đã làm giấy kiểm dịch, việc vận chuyển gà, các loại giấy tờ kiểm dịch bên tôi làm hết”, anh T. khẳng định.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh, ông Hưng thừa nhận: “Hiện nay, tại Thừa Thiên Huế chỉ nhập gà từ Bình Định. Đây là loại gà lai đá, thịt săn, đáp ứng nhu cầu một bộ phận người dân; trung bình mỗi ngày nhập khoảng 700 con từ Bình Định”.

Không ảnh hưởng quá lớn?!

Chất lượng, nguồn gốc phụ thuộc thương lái  

PGS. TS Nguyễn Đức Hưng, Trường đại học Nông lâm Huế nhận định: “Việc gà Bình Định “thâm nhập” thị trường trong tỉnh với giá khá rẻ sẽ ảnh hưởng đến thị trường cũng như người nuôi ở các địa phương. Thị trường tiêu thụ của các trang trại gà ở Thừa Thiên Huế sẽ bị thu hẹp, đồng thời muốn cạnh tranh về giá, người nuôi ở các địa phương phải giảm giá để dễ tiêu thụ. Về chất lượng gà, người tiêu dùng khó phân biệt, có thể bị đánh tráo. Chất lượng hay nguồn gốc phần lớn phụ thuộc vào các thương lái”.

Trong khi heo cùng các loại nông sản khác rớt giá thì thị trường gà trong tỉnh vẫn giữ mức ổn định. Theo các chủ trang trại, thời điểm giá gà thấp rơi vào khoảng 50 nghìn đồng/kg. Hiện giá gà giảm nhẹ, còn khoảng 55-60 nghìn đồng/kg.

Anh Hồ Đăng Định, chủ trang trại gà tại xã Quảng Vinh (Quảng Điền) cho biết: “Tui nuôi 3.000 con gà lai kiến, lấy giống từ các tỉnh phía bắc, sau 3 tháng nuôi, gà được tiểu thương đến tận nơi thu mua. Cách đây một tháng, giá gà khá thấp. Thời điểm này, giá đã tăng lên, tui lãi khoảng 10 nghìn đồng/kg”. Khi chúng tôi cung cấp thông tin giá gà ngay tại trại ở Bình Định thấp hơn Huế hơn 10 nghìn đồng/kg, anh Định nói: “Nếu gà nhập từ các tỉnh số lượng lớn với giá thấp thì những trang trại như tui bắt buộc phải hạ giá để có thể tiêu thụ”.

Tại huyện Quảng Điền có khoảng 20 trang trại gà với tổng đàn hơn 300 nghìn con. Ông Phan Văn Lự, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Hiện nay, giá gà ở mức ổn định, khoảng 60 nghìn đồng/kg, người nuôi đang có lãi, nếu rớt giá thì chỉ khoảng 50 nghìn đồng/kg. Đây là gà lai kiến với độ lai khoảng 75% và chủ yếu được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh. Nếu gà nhập từ các tỉnh, thành khác với giá thấp thì cần xác định gà đó là loại gì, nếu gà nuôi theo hướng công nghiệp thì rẻ”.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh, hiện tổng đàn gà trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 2 triệu con. Việc gà Bình Định “thâm nhập” khiến người tiêu dùng có thể bị đánh tráo chất lượng, ông Hưng cho rằng: “Việc nhập gà từ Bình Định là do quy luật cung cầu. Thực tế, gà Bình Định thịt săn và khá ngon nên một bộ phận người tiêu dùng ưa thích. Về hình dáng, gà Bình Định to hơn, màu lông đồng nhất còn gà nuôi tại các địa phương trong tỉnh nhỏ hơn, đa dạng màu lông nên người tiêu dùng có thể phân biệt”. “Khi gà được nhập chúng tôi có cán bộ đến để kiểm tra nguồn gốc và giấy kiểm dịch tại nơi xuất đi. Nếu đầy đủ các thủ tục thì cho tiêu thụ luôn chứ không kiểm dịch lại nữa. Gà Bình Định nuôi theo hướng quảng canh, số lượng lớn nên giá rẻ hơn so với gà ở Huế. Dù có ảnh hưởng đến thị trường nhưng không quá lớn”, ông Hưng cho biết thêm.

Ông Nguyễn Duy Thành, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết, gà được nhập từ các địa phương khác, đơn vị phối hợp ở các chốt chặn để kiểm dịch. Nếu gà được nhập từ Bình Định với giá chênh lệch không quá 10% sẽ ít ảnh hưởng đến thị trường.

Lê Thọ

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Các sản phẩm thay thế thịt, sữa có thể làm giảm 1/3 lượng khí thải từ hệ thống thực phẩm

Theo một nghiên cứu mới được công bố, việc thay thế một nửa tổng số lượng sữa động vật và các sản phẩm thịt lợn, thịt gà, thịt bò mà con người hiện đang tiêu thụ bằng các sản phẩm thay thế có nguồn gốc thực vật có thể làm giảm gần 1/3 lượng khí thải nhà kính từ nông nghiệp và các hoạt động sử dụng đất liên quan, đồng thời có thể góp phần ngăn chặn tình trạng mất rừng.

Các sản phẩm thay thế thịt, sữa có thể làm giảm 1 3 lượng khí thải từ hệ thống thực phẩm
Ngành công nghiệp gia cầm kỳ vọng khởi sắc trong năm 2020

Lợi nhuận của các nhà sản xuất gia cầm dự kiến sẽ được cải thiện trong năm 2020 khi các nước châu Á bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi (ASF) sẽ trở thành “thị trường nóng” cho ngành xuất khẩu gia cầm, tập đoàn Rabobank (Hà Lan) cho biết trong báo cáo quý I/2020 về tình hình gia cầm.

Ngành công nghiệp gia cầm kỳ vọng khởi sắc trong năm 2020
Thịt gà Brazil về Việt Nam với giá chỉ 1 USD/kg

Đến 15/3/2017, Việt Nam nhập khẩu thịt gà và phụ phẩm khác của gà thuộc loài Gallus domesticus đạt 1,54 nghìn tấn, trị giá hơn 1,5 triệu USD, tương đương 1 USD mỗi kg (khoảng 23.000 đồng).

Thịt gà Brazil về Việt Nam với giá chỉ 1 USD kg
Return to top