ClockThứ Năm, 09/08/2018 14:28

Gác vắng

TTH - Trà sen đã pha xong. Cô lặng lẽ rót và không nói thêm bất cứ điều gì. Nơi này bỗng như biệt lập hoàn toàn với cuộc sống ngoài kia. Chỉ có tiếng chim, hương sen và khói trà phảng phất.

Công phu làm trà sen Tịnh

Khi tôi đặt chân đến nơi này, là đúng 4h30 phút buổi chiều. Đó là một căn gác nhìn ra đồng ruộng mênh mông, không có sự xen lấn của các khu nhà cao tầng hay bất kỳ âm thanh tạp kỹ nào mang tính phố phường quán xá. Yên tĩnh và riêng tư, chỉ duy chiếc casettle là bật liên tục qua ngày xuyên đêm. Con người như một cái chấm nhỏ thó trong lòng gác. Đi lại, ăn ngủ, nói cười cũng nhỏ nhẹ từ từ. Nếu có tiếng động nào đủ sức cắt ngang nhịp sống thường ngày thì chính là tiếng chim hoan ca vào sáng sớm.

Tôi đến theo lời mời của cô, nói rằng khi mô con chán phố thì cứ về đó ở ít ngày. Nơi này yên tĩnh, phù hợp nghỉ ngơi và viết lách. Thực ra, tôi ghé nơi này không phải để nghỉ ngơi hay viết lách, mà để thăm cô. Thăm một người bạn vong niên, làm nghề may vá và sống ẩn dật một mình trong ngôi nhà này. Không biết đã bao năm rồi cô không về phố, dù đó đã từng là nơi cô sống qua những ngày tháng tuổi trẻ sôi nổi và u buồn nhất của đời mình. Chỉ biết rằng, nghe trong lời kể, thầm hiểu cô chưa bao giờ quên những con đường ấy, mặt người ấy. Có thể cô chỉ đang tạm cất đi.

Cô bảo, căn gác này được dựng lên với mục đích ban đầu là tránh lụt. "Huế mỗi khi nước lụt dâng lên là cực lắm" - cô vừa nói vừa chỉ tay vào tấm gỗ có khắc một mức nước dâng trong năm nào đó đã qua. Bây giờ nơi này vừa là để chứa đồ, vừa là nơi cô ngồi uống trà vào buổi sáng. Tôi ngồi xuống chỗ gần cửa sổ căn gác, nơi có thể phóng tầm mắt nhìn rất xa, thấy đồng lúa cỏ hoa, núi non, cả những đám trẻ mục đồng với cái bóng nón nhỏ xíu. Cô xuống nhà đun nước châm trà, cần mẫn bưng lên, kèm theo cả trái nhãn cơm ăn kèm nữa. Tôi nói, cô ở một mình chắc buồn lắm. Cô cười, khoẻ con nờ, thi thoảng vào làng chơi cùng con nít. Tôi tin cô nói thật lòng mình, vì nét cười thanh thản nhẹ nhàng, không gợn một chút sân si, trắc ẩn nào. Gió chiều từ đồng lúa thổi vào, đám bụi dấy lên những đường đi mỏng mảnh lửng lơ in qua làn nắng cuối.

Tôi có đủ thời gian để ngắm kỹ căn gác này. Nó vuông vắn và chắc chắn, do một tay chồng cô dựng lên mà không cần mướn người thợ nào. Xung quanh lác đác mấy ngôi nhà ngói, hiền hoà tĩnh lặng. Bên trong toàn những thứ mộc mạc, dấu ấn của văn minh kim khí chỉ có duy nhất một chiếc bóng điện lắp trên cao. Đồ gỗ được chiều chuộng đến mức cái lọ cắm hoa cũng được gọt bằng gỗ. Cô cắm một lọ hoa đồng nội để sẵn. Nhìn cách cắm hoa có thể hình dung ra một tâm hồn yêu thiên nhiên cảnh vật. Ngồi ở đây không còn nghĩ đến vui buồn ngày mai hay lo toan chi nữa.

Cả đêm nằm không ngủ được, phần vì còn lạ lẫm, phần khác do hồi hộp chờ ngày mới sang. Tiếng chim ban mai làm huyên náo cả căn gác im ắng, người từ dưới nhà đứng ở chân cầu thang gỗ nói vọng lên: "Uống trà hí". Bên ngoài cửa sổ, hương sen phả một làn hương tinh khiết, sương mơ vào nhà. Từ căn gác nhìn ra, đầm sen ngay trước mặt, những chiếc lá còn nguyên giọt nước đọng, khẽ rung trong nắng sớm. Bây giờ là tháng tám, sen đương độ cuối mùa vì thế cả đầm sen có cành tươi cành héo, những chiếc đài trơ trọi sau khi đã dâng trọn sức sống của mình để sen mở cánh. Vòng đời của sen, có lẽ ý nghĩa nhất là khi nó chỉ còn là những cuống lá trơ trụi trong đầm, sau cuối nhưng chưa bao giờ mất dấu. Bỗng nhớ Thâm Tâm khi xưa đã viết: "Bây giờ mùa hạ sen nở nốt"...

Trà sen đã pha xong. Cô lặng lẽ rót và không nói thêm bất cứ điều gì. Nơi này bỗng như biệt lập hoàn toàn với cuộc sống ngoài kia. Chỉ có tiếng chim, hương sen và khói trà phảng phất.

Ngày mới thật bình yên!

NGUYÊN HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sự trở lại của sen

Diện tích sen mở rộng cũng đồng nghĩa với diện tích mặt nước ô nhiễm, nhếch nhác được thu hẹp dần. Sen không chỉ dừng ở các khu di sản mà còn hiện hữu ở các hồ cảnh quan của đình chùa miếu điện, khoe sắc tỏa hương ở cả những miền quê xa xôi…

Sự trở lại của sen
“Tặng em mùa xuân”

Đó là khi tôi bắt gặp hai cụ già ngồi uống nước trà dưới gốc thanh trà vào một sớm mùa xuân.

“Tặng em mùa xuân”
“Đóng băng” hương mùa hè của Huế

Những ngày thơ, nhiều lần tôi giả bộ làm “cụ non” thử hớp ly trà trên bàn của ông nội rồi “chiêm chiếp, khà khà” ra vẻ “sành” trà lắm, nhưng không giấu được nét cau mày vì vị đắng và chát của trà.

“Đóng băng” hương mùa hè của Huế
Thưởng trà tại Huế: Nên là sản phẩm du lịch

Dù Huế không là nơi có vùng nguyên liệu đủ lớn để sản xuất trà mang tính hàng hóa, nhưng Huế lại là nơi có nền tảng văn hóa đủ để quảng bá các sản phẩm trà. Tại sao không biến trà trở thành sản phẩm du lịch của vùng đất Cố đô?

Thưởng trà tại Huế Nên là sản phẩm du lịch
Nhan sắc bằng lăng

Tôi thích cảm nhận sự bí ẩn của mùa qua đời sống những loài hoa. Hiện lên chậm rãi nhưng sâu thẳm, buốt nhói giữa khung trời mùa hạ chính là nhan sắc của bằng lăng.

Nhan sắc bằng lăng
Return to top