ClockThứ Năm, 13/03/2014 05:53

Gắn bảo tồn di sản với phát triển du lịch

TTH - Trong hành trình xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của cả nước, mục tiêu phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa đặc biệt được chú trọng. Tuy nhiên, công tác này hiện đang gặp không ít khó khăn.

Tài nguyên du lịch chưa được khai thác tối đa

Thời gian qua, di sản văn hóa Huế đã góp phần tạo sự tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành du lịch, dịch vụ; tạo điều kiện để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác tái đầu tư cho hoạt động bảo tồn di sản văn hóa. Tuy nhiên, làm sao để kết hợp hài hòa giữa phát triển du lịch với gìn giữ, bảo tồn di tích là một thách thức.

Các di tích được bảo tồn, phát huy giá trị đã thu hút đông đảo khách tham quan

Ông Ngô Hòa, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, một trong những khó khăn là kinh phí dành cho các hoạt động trùng tu, bảo tồn còn hạn hẹp. Nguồn vốn đầu tư cho văn hóa, du lịch còn thấp, chưa đáp ứng việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng... Một số di tích lịch sử, văn hóa xuống cấp, chậm được đầu tư, tu bổ. Một số chủ trương bảo tồn phố cổ, nhà rường, nhà vườn... chậm triển khai. Tỷ lệ thiết chế, công trình văn hóa cơ sở còn thấp. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu sinh hoạt của nhân dân.

Bên cạnh đó, việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị chưa được một số cơ quan, người dân quan tâm đúng mức. Nhận thức của một bộ phận dân cư về trách nhiệm bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch còn thấp; vẫn còn tình trạng lấn chiếm, xâm hại di tích lịch sử, văn hóa.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh sẽ tập trung đầu tư một số dự án trọng điểm như du lịch nông thị, du lịch nghỉ dưỡng tại Lăng Cô, kêu gọi đầu tư xây dựng các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, hình thành các trung tâm hội nghị quốc tế. Tỉnh cũng bảo tồn và nâng cao tính văn hóa của một số lễ hội tại Điện Hòn Chén, Đền Huyền Trân, Thiền viện Hương Vân, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã; mở rộng các tuyến tham quan khai thác vùng Lăng Cô - Bạch Mã - Sơn Chà - Cảnh Dương - Thuận An - Vinh Thanh - Túy Vân - Tư Hiền; tuyến Huế-Bao Vinh-thành cổ Hóa Châu; khai thác tuyến du lịch cộng đồng tại A Lưới, làng cổ Phước Tích, cầu ngói Thanh Toàn, làng hoa giấy Thanh Tiên... khám phá nét đẹp văn hóa của người dân địa phương.
Tài nguyên du lịch chưa được đầu tư khai thác tối đa, đặc biệt là các tài nguyên du lịch tự nhiên (du lịch biển, du lịch đầm phá, du lịch nghỉ dưỡng) và một số tài nguyên lịch sử - văn hóa (du lịch tìm hiểu văn hóa dân tộc ít người, tham quan các di tích cách mạng, phố cổ, lễ hội cung đình, lễ hội dân gian...). Sản phẩm dịch vụ chưa phong phú, các dịch vụ phục vụ nhu cầu giải trí còn nghèo nàn…

Huy động nhiều nguồn lực

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ngô Hòa, quan điểm nhất quán của tỉnh là bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn và trách nhiệm bảo tồn không chỉ là của cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý Nhà nước mà còn là trách nhiệm của mọi người dân. Vấn đề đặt ra là giải pháp để thực hiện vấn đề này như thế nào. Trước hết, phải ban hành được những quy định, chính sách, cơ chế để tăng cường công tác quản lý bảo tồn; đồng thời, tạo điều kiện cho du lịch phát triển cả về quy mô, chất lượng để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Quan điểm của tỉnh là khai thác các tài nguyên văn hóa phục vụ du lịch gắn liền với công tác bảo tồn tính đa dạng, gìn giữ các giá trị di tích lịch sử văn hóa; phát triển du lịch phải vì mục tiêu văn hóa. Đồng thời, việc bảo tồn di tích phải thu hút ngày càng nhiều khách tham quan, hướng tới phục vụ ngày càng tốt hơn các đối tượng đến tham quan nghiên cứu, du lịch và cộng đồng tham gia bảo tồn. Điển hình, Thừa Thiên Huế đã phục hồi và tổ chức nhiều lễ hội cung đình, lễ hội dân gian mà mục đích là để bảo tồn và phát triển các giá trị di sản văn hóa của tỉnh nhà, qua đó thúc đẩy du lịch phát triển. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch còn phải chú trọng đến bảo vệ cảnh quan môi trường. Đây là những giá trị đặc trưng, đặc thù của Thừa Thiên Huế, là lợi thế so sánh với các địa phương khác trong cả nước.

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát huy tốt giá trị các di sản văn hóa để thúc đẩy hoạt động du lịch; trong đó, tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa, tôn giáo, tâm linh, các sản phẩm du lịch làng nghề, du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh nâng cao sức khỏe, du lịch MICE, các loại hình du lịch thể thao mạo hiểm trên biển, du lịch sinh thái trên sông Hương, đầm phá, hình thành các khu nhà nổi trên đầm phá, vườn dưỡng sinh...”.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tranh thủ các nguồn kinh phí Trung ương, các tổ chức quốc tế và nội lực của địa phương, tập trung đầu tư một số công trình, thiết chế văn hóa trọng điểm; ưu tiên nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng, trùng tu các di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn và phát triển du lịch. UBND tỉnh đã có quyết định số 2295 ngày 5/12/2012 về phát triển dịch vụ trên cơ sở phát huy giá trị di tích Cố đô Huế, trong đó cho phép người dân, doanh nghiệp tư nhân tham gia vào công tác bảo tồn và phát triển du lịch... Thực tế, thời gian qua, tỉnh đã khuyến khích, cho phép lập bảo tàng tư nhân đầu tiên tại Huế chuyên trưng bày về đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn; xây dựng mô hình du lịch dựa vào cộng đồng tại làng cổ Phước Tích, Cầu ngói Thanh Toàn, ký kết dự án phát triển du lịch bền vững dựa vào cộng đồng do EU tài trợ để đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nhiều thành phần, nhiều nguồn lực cùng tham gia bảo vệ, trùng tu di tích và phát triển du lịch.

Minh Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam

TIN MỚI

Return to top