ClockChủ Nhật, 15/07/2018 11:48

Gần hơn với cuộc đời bằng hội họa

TTH - Vượt qua tật nguyền, những khó khăn trong cuộc sống, các họa sĩ khuyết tật luôn miệt mài lao động, sáng tạo để vươn tới cái đẹp. Ở họ, tình yêu cuộc sống vẫn luôn cháy bỏng.

Triển lãm 22 tác phẩm của họa sĩ khuyết tậtTriển lãm tranh mừng 35 năm Tạp chí Sông HươngHọa sĩ Bửu Chỉ với những bức tranh thời sinh viên tranh đấuTrao đổi kinh nghiệm sáng tác văn học nghệ thuật về con người, văn hóa vùng đất địa phương24 họa sĩ tham gia phòng tranh “Lại về lại”

Tác phẩm "Hoa hướng dương 4" - Lê Thị Mỹ Bình

Bước tiến

Mới đây, 4 họa sĩ Lê Thị Mỹ Bình (Yên Bái), Nguyễn Tấn Hiền (Đà Nẵng), Lê Quang Lĩnh (Hà Tĩnh) và Phạm Đình Thái (Thừa Thiên Huế) có dịp hội ngộ ở Huế trong triển lãm “Ngày mới 2018” do Tạp chí Sông Hương tổ chức. Phòng tranh nhỏ nhưng ấm cúng và trang trọng thu hút sự chú ý của công chúng yêu nghệ thuật, bởi tác giả của chúng đã sáng tác trong gian khó khi cơ thể của họ bị khiếm khuyết.

Tác phẩm của Lê Thị Mỹ Bình thu hút người xem bằng kỹ thuật chấm màu nhiều lớp trong những bức tranh acrylic ghi lại vẻ đẹp phong cảnh và những giấc mơ hạnh phúc của chị. Cùng vẽ về phong cảnh, nhưng nếu tác phẩm của họa sĩ khiếm thính Nguyễn Đình Thái là sự trau chuốt trong kỹ thuật sơn mài thì tranh về phong cảnh sông nước quê hương của Nguyễn Tấn Hiền lại thể hiện được chiều sâu bằng màu nước. Lần thứ ba đến Huế tham dự phòng tranh, Lê Quang Lĩnh giới thiệu đến người xem những bức tranh sơn dầu vẽ về thời khắc giao mùa xuân - hạ - thu - đông.

Họa sĩ Phan Hải Bằng, giảng viên Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế, chia sẻ: “Xem tranh của họa sĩ khuyết tật, người ta thường có tâm lý châm chước ở mức độ nào đó nhưng tác phẩm của các tác giả lần này thể hiện những bước tiến rất rõ, có sự tìm tòi về kỹ thuật, như những hiệu ứng từ tranh màu nước của Nguyễn Tấn Hiền, những điểm màu đối chọi trong tranh acrylic của chị Mỹ Bình hay cách áp dụng nguyên lý đồ họa của Phạm Đình Thái. Tôi không nghĩ họ làm được như vậy vì những khiếm khuyết, nhưng họ lại làm được”.

Bốn họa sĩ hội ngộ ở phòng tranh “Ngày mới 2018” tại Tạp chí Sông Hương

Cả 4 họa sĩ đều bị khuyết tật nhưng cùng đam mê vẽ. Vẽ là niềm vui, lẽ sống giúp họ vượt qua mặc cảm, hòa nhập với cộng đồng. Xem tranh của họ, người xem có thể cảm nhận được cảm xúc chứa chan và tình yêu cuộc sống trong từng nét vẽ. “Đây không chỉ là những bức tranh vẽ bằng niềm đam mê nghệ thuật mà trên hết, đó là nơi chúng tôi gửi gắm khát vọng, niềm tin và nghị lực”, họa sĩ Nguyễn Tấn Hiền chia sẻ.

Tìm ý nghĩa cuộc sống từ hội họa

Dẫu phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống nhưng họ đã vượt lên tất cả, mang đến cuộc đời những tác phẩm hội họa tuyệt vời bằng nghị lực phi thường. Đằng sau mỗi bức tranh là cả một câu chuyện dài về cuộc sống, câu chuyện về sự chiến thắng bệnh tật, của niềm đam mê nghệ thuật. Họa sĩ Nguyễn Tấn Hiền sinh ra trong một gia đình nghèo, ước mơ của anh là trở thành thầy giáo nhưng không may bị tai nạn giao thông khi mới nhập học Trường cao đẳng Sư phạm ĐăkLăk. Anh bị gãy cột sống, liệt hai tay, hai chân. Năm 2008, khi đang điều trị tại Trung tâm Phục hồi chức năng Đà Nẵng, anh bắt đầu vẽ tranh. Với người bình thường học vẽ đã khó, với họa sĩ Nguyễn Tấn Hiền lại càng khó trăm lần. Chỉ duy nhất một ngón tay cái có thể cử động được, ban đầu, anh phải buộc cọ vào tay để tập vẽ. Đến giờ, cũng không ít lần đánh rơi cọ nhưng anh chưa bao giờ nản lòng. Lúc đầu vẽ cũng chỉ để giết thời gian, dần dà hội họa thành đam mê và là cuộc sống của Tấn Hiền, để anh giải tỏa nội tâm, những trăn trở trong lòng.

Tác phẩm “Phố” - Phạm Đình Thái

Năm lên lớp 6, căn bệnh viêm tủy cắt ngang đã khiến đôi chân của Lê Thị Mỹ Bình bị liệt hoàn toàn, không thể đứng và đi lại được. Chị đến với hội họa khi học hết lớp 9 rồi tự mày mò học vẽ. Từ năm 1998, chị bắt đầu vẽ thuê và dạy vẽ. Những bức tranh của chị kể về niềm vui, khát khao và cả những cơn bão lòng. Chị Bình tâm sự: “Chị thích vẽ tranh phong cảnh, bất kể lúc nào có dịp được ra ngoài. Để vẽ được phong cảnh, chị khao khát được vươn ra cuộc sống bên ngoài để nhìn ngắm cho... đã mắt. Vậy nhưng... Bây giờ, mong ước duy nhất của chị là có thể mua được chiếc đầu kéo xe lăn dành cho người khuyết tật để đi được nhiều nơi”.  

Tác phẩm “Giao mùa 1” - Lê Quang Lĩnh

Luôn sở hữu nụ cười tươi tắn trên môi dù đi lại và nói năng khó khăn do di chứng của bệnh não, họa sĩ Lê Quang Lĩnh mang đến cho người đối diện sự lạc quan, hồn nhiên khi trò chuyện cùng anh. Điều đó cũng được Lĩnh thể hiện trong hội họa. Tìm đến nghệ thuật bằng khát vọng lớn lao để thể hiện tâm sự của mình và những người cùng cảnh ngộ, những cảm xúc bình dị, hồn nhiên của Lĩnh được thể hiện qua tác phẩm làm rung cảm bao trái tim của người xem. Anh đã tham gia nhiều triển lãm và đoạt nhiều giải thưởng mỹ thuật. “Nghệ thuật đã nâng tôi dậy, đưa tôi đến gần hơn với cuộc đời. Tôi đã và đang cố gắng vươn lên trong cuộc sống, tìm niềm vui trong việc vẽ tranh”, Lĩnh tâm sự.

Sau thành công với những bức tranh gạo, Phạm Đình Thái tìm tòi với chất liệu sơn mài. Tranh của Thái để lại ấn tượng cho người xem bởi nét mộc mạc, gần gũi với chủ đề phong cảnh về hình ảnh hoa sen, những bức tranh đồng quê mộc mạc...

Bài, ảnh: TRANG HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hồn phố trong Khanh

Phố trong nét cọ của họa sĩ Hoàng Đăng Khanh như đưa người xem đắm chìm theo nhiều cảm xúc khác nhau: bình yên, lãng mạn, liêu xiêu, xa lạ, đâu đó là chơi vơi, cô đơn. Bao nhiêu năm theo đuổi đề tài phố, người họa sĩ xứ Huế này vẫn không hề mệt mỏi. Bởi với anh, chính những góc phố ấy đã nuôi dưỡng không chỉ tâm hồn mà còn cho anh những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn.

Hồn phố trong Khanh
Giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm bền vững

Đó là chủ đề hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 15/3 do UBND tỉnh phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động Thương binh và xã hội, cùng các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp... liên quan trên địa bàn tổ chức.

Giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm bền vững
Return to top