ClockThứ Năm, 28/08/2014 05:12

Gắn mỹ thuật với làng nghề

TTH - Huế có một lợi thế về hệ thống làng nghề phong phú, lực lượng nghệ nhân có tay nghề và một đội ngũ họa sĩ dồi dào, tâm huyết. Câu chuyện đặt ra là vì sao sự gắn kết giữa mỹ thuật và làng nghề vẫn chưa nhiều?

Trúc Chỉ - Sản phẩm kết hợp tinh tế giữa mỹ thuật với làng nghề. Ảnh: Võ Nhân

TS.Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế: 

Thiếu chiến lược phát triển

Lâu nay, mỹ thuật có gắn với một số nghề và làng nghề nhưng thực sự chưa nhiều, chưa sâu và chưa bền vững lâu dài.

Các làng nghề Huế nói chung rất ngại đưa ra sản phẩm mới. Thực sự, họ chưa có nhu cầu cần thường xuyên hoạ sĩ sáng tác mẫu, vì vậy có hoạ sĩ nào tham gia thì cũng phải bỏ vì không sống được bằng sự phập phù như vậy. Không sống được thì làm sao mà “mặn mà” được? Mặt khác, các địa phương rất bảo thủ, nhiều khi chỉ vì lợi ích trước mắt mà khó chấp nhận đề xuất bảo tồn từ phía giới mỹ thuật. Chẳng hạn ở Phước Tích, lò nung gas thay lò nung truyền thống... Nhìn đã thấy nản lòng, không muốn làm gì ở đây nữa.

Để mỹ thuật gắn với làng nghề nhiều hơn, theo tôi cần có sự đầu tư nghiên cứu sâu hơn về làng nghề, về nhu cầu sản xuất hàng mỹ nghệ, nhu cầu tiêu dùng, thị trường,... để hoạch định chính xác hơn chiến lược phát triển.

Hoạ sĩ Phan Hải Bằng:

Nỗi đau đáu của nhiều người          

Để mỹ thuật gắn kết chặt chẽ hơn với làng nghề, việc cần làm trước tiên là giáo dục cho người dân làng nghề, họa sĩ, nhà quản lý… quan niệm làng nghề, sản phẩm của làng nghề là một biểu hiện của giá trị văn hóa, giá trị truyền thống chứ không chỉ đơn thuần là hàng hóa. Từ đó mới có thể hình thành cách hành xử đúng với văn hóa làng nghề trong xã hội. Giáo dục cho sinh viên nghệ thuật, nghệ sĩ hiểu rõ hơn về làng nghề, văn hóa làng nghề, đặc trưng riêng của từng nghề… bằng nhiều hình thức: tham quan, hội thảo, nghiên cứu, sáng tác… từ đó mới có thể hình thành nên hệ thống giá trị, kiến thức đủ cho những ý tưởng, quy trình cụ thể ra đời, bắt gặp được kỹ năng và giá trị của làng nghề… nhằm tạo nên những sản phẩm có giá trị là kết quả của sự kết hợp ý tưởng sáng tạo mới và giá trị truyền thống làng nghề. Ứng xử của chính quyền với làng nghề và sự gắn kết mỹ thuật cũng cần dựa trên nền tảng hiểu biết văn hóa làng nghề, đầu tư tập trung, dài hơi và đồng bộ, đồng thời có thể kêu gọi sự hỗ trợ của các thành phần xã hội trong việc xây dựng mối dây liên kết giữa các thành phần sáng tạo, thực hành, thưởng ngoạn và kinh doanh, qua đó xây dựng nên hệ thống giá trị mới dựa trên cơ sở văn hóa truyền thống. Giáo dục cho chính chúng ta hiểu, yêu thích và trực tiếp thưởng ngoạn, sử dụng các sản phẩm làng nghề một cách cụ thể, như một cách tự tôn trọng giá trị của chính mình.

Hoạ sĩ Võ Xuân Huy:

Thiếu sự bắt tay

Lâu nay làng nghề vẫn miệt mài câu chuyện riêng của làng nghề và trường đại học mỹ thuật vẫn đào tạo sinh viên theo cách của trường. Chưa có cái bắt tay nào hay sự liên kết nào giữa trường mỹ thuật với làng nghề Huế để hai bên cùng ngồi lại bàn phương thức hợp tác.

Các mẫu mã sản phẩm gốm truyền thống đặc trưng của làng gốm Phước Tích do chúng tôi nghiên cứu và phát triển đã chuyển giao về cho địa phương. Tuy nhiên, tình hình sản xuất tại địa phương không mấy khả quan vì nhiều nguyên nhân. Hiện nay làng thiếu vắng lao động trẻ nên việc kế thừa kỹ thuật làm gốm truyền thống bị đứt đoạn. Thiếu người đứng ra thành lập công ty để đứng ra tổ chức sản xuất, phát triển mẫu mã sản phẩm và tìm kiếm thị trường bao tiêu sản phẩm. Có trở thành công ty/doanh nghiệp thì mới có nền quản trị hiện đại, có tìm kiếm thị trường và nhân lực, kinh phí cho phát triển mẫu mã sản phẩm.

Trường đại học Nghệ thuật Huế, hằng năm có hàng trăm sinh viên ra trường. Khoa Mỹ thuật ứng dụng có ngành Thiết kế nội thất, Thiết kế đồ họa, Thiết kế đồ họa đa phương tiện, Thiết kế thời trang và đặc biệt là ngành Trang trí truyền thống. Nếu có sự hợp tác giữa ngành này với các làng nghề thì sẽ tạo ra bước phát triển mới cho cả làng nghề và ngành trang trí truyền thống, bởi sinh viên cũng cần có chỗ để họ nghiên cứu, sáng tác và làng nghề lại hưởng lợi từ những thiết kế của sinh viên và giảng viên.

Nguyễn Thị Thanh Trà - Nguyễn Văn Đủ, giảng viên mỹ thuật ứng dụng:

Chưa thoát khỏi luỹ tre làng

Cần tạo các diễn đàn để làm cầu nối giữa nghệ sĩ với làng nghề, nâng cao nhận thức về sự đổi mới sản phẩm, làm đẹp cho sản phẩm. Khi đó, làng nghề mới có nhu cầu về nghệ sĩ. Nghệ sĩ khi nào cũng có nhiệt huyết. Chỉ cần có sự khích lệ, chắc chắn nhiều người sẽ tham gia.

 Nguyễn Thị Thanh Trà - Nguyễn Văn Đủ với sản phẩm đèn giấy sử dụng họa tiết tranh bát âm làng Sình

Ở Thái Lan, có nhiều làng nghề rất phát triển bởi họ biết phối hợp tốt với học viện, tổ chức buổi tập huấn về xây dựng thương hiệu cho các làng nghề, đổi mới mẫu mã sản phẩm. Nhiều giáo sư ở các trường đại học thường về làng nghề có những buổi nói chuyện để nâng cao ý thức cho người dân làng nghề, giúp họ nâng cao giá trị mỹ thuật cho sản phẩm của mình. Một làng nghề làm bạc ở Thái được Chính phủ Thái Lan đầu tư dự án rất lớn để du khách khi tới tham quan có thể biết về lịch sử, giá trị văn hoá của làng nghề, biết cách bảo tồn và làm truyền thông để giới thiệu giá trị của mình không chỉ trong nước mà ở tầm thế giới và họ thực sự sống được bằng nghề.

Thanh Vân (thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

TIN MỚI

Return to top