ClockThứ Bảy, 04/06/2016 05:46
QUẢN LÝ BẾN BÃI TẬP KẾT CÁT, SỎI:

Gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền sở tại

TTH - Mặc dù UBND tỉnh đã có quy hoạch bến bãi tập kết cát, sỏi; tuy nhiên nhiều bến bãi nằm ngoài quy hoạch vẫn ngang nhiên hoạt động ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan.

Các bãi tập kết cát, sỏi tại xã Phú Thượng vẫn hoạt động dù không nằm trong quy hoạch

Ảnh hưởng cảnh quan

Theo quy hoạch, toàn tỉnh có 55 bãi tập kết cát, sỏi làm vật liệu xây dựng (VLXD). Quá trình triển khai hoạt động, đến nay đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch 11 bãi và bổ sung thêm 14 bãi. Hiện toàn tỉnh có 58 bãi tập kết trong quy hoạch. Các bãi hoạt động theo đúng vị trí đã quy hoạch, tránh được tình trạng gây ảnh hưởng cảnh quan, môi trường trong khu vực; nhất là 2 bên bờ sông Hương. Bên cạnh đó, vẫn còn có khá nhiều bãi tập kết tự phát mọc lên ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, làm hư hỏng hệ thống đường giao thông.

Xã Phú Thượng (Phú Vang) có 2 bãi tập kết cát sỏi trong quy hoạch tại thôn Tây Thượng, thôn La Ỷ cách cầu chợ Dinh 250m do Công ty cổ phần Phát triển nuôi trồng thủy sản khai thác. Gần đó, nhiều bãi tự phát mọc lên khiến tình hình giao thông trở nên phức tạp, không đảm bảo môi trường. Trong đó, các bãi của ông Hiển, ông Nhiếp, ông Nguyễn Văn Vui (gần cầu chợ Dinh); bãi của DNTN Thuận Tú; Công ty TNHH MTV Nhật Quý nằm ngay sát đường giao thông. Việc các xe tải chở cát, sỏi thường xuyên lưu thông, khiến tuyến đường này bị xuống cấp, mưa thì lầy lội, nắng lại bụi bặm.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri của lãnh đạo huyện, tỉnh, người dân sống gần khu vực này đã nhiều lần kiến nghị đưa những bãi trên ra khỏi quy hoạch. UBND tỉnh cũng đã đồng ý đưa bãi tập kết tại thôn Tây Thượng, La Ỷ của Công ty cổ phần Phát triển nuôi trồng thủy sản ra khỏi quy hoạch.

Ông Hồ Thế Hùng, Chủ tịch UBND xã Phú Thượng bức xúc: Các bãi này hoạt động gần 15 năm nay. Từ khi có công bố quy hoạch, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, xử lý các bãi nằm ngoài quy hoạch nhưng rồi đâu lại và đấy. Hoạt động của các bến, bãi tập kết cát sỏi này không chỉ ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân. Vì thế, ngoài việc đưa những bãi tập kết này ra khỏi quy hoạch, chúng tôi mong lực lượng cảnh sát đường thủy, công an và thanh tra giao thông cần tăng cường xử lý, không cho tàu thuyền khai thác, chuyên chở cát sỏi tập kết tại các điểm này; xử lý các xe chở vật liệu quá tải lưu thông ở khu vực....

Tại thành phố Huế, tình hình các bãi tập kết tự phát hoạt động khá công khai. Chỉ tính riêng khu vực chân cầu Gò Bối thuộc địa phận 2 phường Thủy Xuân (3 bãi) và Thủy Biều (1 bãi) đã có tới 4 bãi cát sỏi trái phép có diện tích từ 250m2 trở lên. Theo thống kê của Sở Xây dựng, ngoài 4 bãi trên, trên địa bàn TP. Huế còn có 2 bãi khác gồm: bãi tại 67 Tăng Bạt Hổ (phường Phú Thuận); 1 bãi tại 11 Lý Nam Đế (phường An Hòa).

Cần điều chỉnh quy hoạch

Theo thống kê của Sở Xây dựng, toàn tỉnh có 19 bãi tập kết cát, sỏi nằm ngoài quy hoạch. Trong đó, TP. Huế có 6 bãi; thị xã Hương Thủy 3 bãi; Phong Điền 5 bãi; Phú Vang 5 bãi.

Ông Trần Song, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế lý giải, do nhu cầu sử dụng cát, sỏi trên địa bàn lớn nhưng chỉ có 2 điểm tập kết ở phía bắc sông Hương, còn nam Sông Hương chưa có quy hoạch bãi tập kết cát, sỏi. Sự phối hợp giải quyết của các cơ quan, ban ngành đôi lúc chưa kịp thời, thiếu chế tài cụ thể để xử phạt và ngăn chặn; chưa có hướng chuyển đổi ngành nghề cho người dân.

Cũng theo ông Trần Song, tỉnh cần bổ sung quy hoạch một số bãi tập kết cát sỏi đang kinh doanh không nằm trong quy hoạch để đưa vào hoạt động quản lý hiệu quả, đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế tình trạng vận chuyển cát, sỏi vào khu vực trung tâm thành phố. Cần bổ sung thêm quy định quản lý các kho bãi tập kết vật liệu cát, sỏi để chính quyền địa phương dễ dàng trong công tác kiểm tra, xử lý.

Ông Nguyễn Đại Viên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, để làm tốt công tác quản lý, sử dụng các bến, bãi tập kết cát, sỏi ngoài quy hoạch, các cấp chính quyền cần quyết liệt vào cuộc, triển khai đồng bộ các biện pháp xử lý triệt để những điểm cố tình vi phạm; gắn kết quả giải tỏa bến, bãi ngoài quy hoạch với trách nhiệm người đứng đầu chính quyền sở tại, nhất là cấp huyện, xã. Đồng thời, công bố rộng rãi các điểm quy hoạch, tạo điều kiện giúp những đơn vị đủ năng lực đầu tư, thực hiện dự án; kiên quyết xóa bỏ cơ sở không đủ tiềm lực đầu tư. Sở sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch quản lý, sử dụng các bến, bãi vật liệu xây dựng cát, sỏi, đưa một số bãi vào quy hoạch; đồng thời loại khỏi danh sách những bãi không phù hợp. 

                                                                                                                                                Hoàng Loan

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều hệ lụy từ tài nguyên lậu

Đúng theo quy luật cung cầu - mặt hàng nào khan hiếm thì giá sẽ cao. Nhiều nguồn tin cho hay những ngày vừa qua, cát tại đồng bằng sông Cửu Long “khan hiếm lạ thường”. Nó cũng hé lộ ra một thông tin là sự khan hiếm này có liên quan đến vụ khai thác cát lậu ở An Giang và ngay Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường An Giang cũng bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc câu kết với mỏ cát khai thác trái phép.

Nhiều hệ lụy từ tài nguyên lậu
Xúc 0,1m3 cát, bị phạt 25 triệu đồng

Khai thác trái phép 0,1m3 cát trên sông Ô Lâu đoạn qua xã Phong Bình, huyện Phong Điền, ông V.V.K bị cơ quan chức năng xử phạt 25 triệu đồng.

Xúc 0,1m3 cát, bị phạt 25 triệu đồng
Return to top