ClockThứ Hai, 30/01/2012 05:13

Gặp “huyền thoại Côn Đảo” Lê Quang Vịnh

TTH - Lê Quang Vịnh – cái tên "huyền thoại Côn Đảo", được mọi người biết đến: Một nhà giáo yêu nước, một chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất đã 3 lần bị Mỹ - Diệm tuyên án tử hình và lưu đày 14 năm ở ngục tù Côn Đảo. Trong đó, có 8 năm ròng rã bị đày đọa, cấm cố trong các "Chuồng cọp", "Chuồng Bò", "Hầm Đá"... Dù bị đánh đập, tra khảo tàn bạo, dã man, ông vẫn luôn một lòng, một dạ sắt son, giữ vững lý tưởng của người cộng sản...

“Huyền thoại” người cựu tử tù...

Tôi tìm đến cựu tử tù Côn Đảo – Lê Quang Vịnh vào một ngày Huế mưa lắc rắc. Ông tiếp tôi với nụ cười giản dị, giọng nói ấm áp, rành rọt, khúc chiết trong câu chuyện hồi tưởng về quá khứ. “Cuộc đời tôi không phải chỉ được dệt bằng những chiến công hiển hách, những tấm lòng trung dũng, kiên cường, những tình cảm cao đẹp, mà bao giờ cũng có hai mặt đối chọi nhau rất dữ dội. Nhà tù của thực dân đế quốc là để đày ải, giam cầm, khủng bố cách mạng và những người cách mạng. Nhà tù là nơi thử thách của những người cách mạng. Tôi đúc rút ra bài học cho mình: “Đi trên đường cách mạng chân chính, chúng ta sẽ được đồng bào, đồng chí, quần chúng nhân dân đồng tình, ủng hộ; nỗi bất hạnh sẽ biến thành niềm hạnh phúc”, Lê Quang Vịnh mở đầu câu chuyện với tôi bằng những lời nói rất thật của một người cộng sản, mà thế hệ như tôi thật khó để hình dung.
 

Ông Lê Quang Vịnh bên chân dung của mình
 
Trong câu chuyện với tôi về những năm tháng lao tù, nhiều lần Lê Quang Vịnh rưng rưng nước mắt. Ông khóc không phải vì quá đau khổ, quá cùng cực ở chốn lao tù, mà vì niềm tin, vì lòng quả cảm vượt qua gian khó của một người cộng sản. Ông dẫn tôi đi khắp căn phòng, hướng dẫn, giới thiệu cho tôi những kỷ vật, hiện vật đáng nhớ nhất trong cuộc đời ông. Giở từng lá thư của mẹ gửi cho ông, khi ông đang ngồi ở nhà tù Côn Đảo, tay ông run run, mắt đỏ hoe vì cảm động, vì thương nhớ. Chiếc còng kia giờ đã nằm trong tủ trưng bày, nhưng đã chứng kiến biết bao đau thương thể xác của Lê Quang Vịnh và các đồng chí, đồng đội của ông trong những lúc bị còng chân, còng tay ngồi trong xà lim dành cho người tử tù. Nắm đất kia, hòn đá kia... tất cả đều là kỷ niệm ở Côn Đảo mà thời bình ông mới có dịp sưu tầm, để cất giữ và xem đó là những kỷ vật quý giá nhất của đời mình. Sách, báo, phim ảnh trong và ngoài nước nói về “huyền thoại” tử tù Lê Quang Vịnh đã nhiều, nhưng sao tôi vẫn muốn được nghe ông kể chuyện về những người tử tù Côn Đảo...
 
Phiên tòa lịch sử mang tên “Hội sinh viên học sinh Việt cộng ngày 23-5-1962 xét xử vụ mưu sát Đại sứ Mỹ Nâu – ting với 12 bị cáo tuổi đời còn rất trẻ, trong đó có vị Giáo sư 26 tuổi Lê Quang Vịnh, Ủy viên BCH Đoàn Thanh niên Lao động miền Nam, Việt Nam khu Sài Gòn – Gia Định, Trưởng ban cán sự Sinh viên. Phiên tòa đã trở thành diễn đàn biểu dương lực lượng cách mạng và tố cáo tội ác của giặc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước. Kết thúc phiên tòa, trong số 12 bị cáo trẻ tuổi đó có 4 án tử hình (trong đó có Lê Quang Vịnh), 4 án chung thân, 4 án khác từ 5 đến 15 năm tù. Từ nhà lao Chí Hòa, Côn Đảo, Chuồng Cọp, Chuồng Bò, Hầm Đá... suốt 14 năm ròng rã với những đòn roi chí mạng, kẻ thù vẫn không làm lung lay ý chí người cộng sản Lê Quang Vịnh. Người ta thường nói, những người cộng sản biến nhà tù của bọn đế quốc trở thành trường học lớn cho mình, thật không sai chút nào. Đối với Lê Quang Vịnh, còn hơn thế nữa, năm 14 tuổi ông đã tham gia cách mạng rồi bị bắt, bị tù 7 tháng (giai đoạn 1950-1951) tại Lao Thừa Phủ, vì hoạt động Đoàn học sinh kháng chiến tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong các giai đoạn 1955-1956; 1961-1975 ông tiếp tục bị bắt, tù đày trong các nhà tù của bọn đế quốc và bè lũ tay sai bán nước. Nhưng trường học mà Lê Quang Vịnh trưởng thành nhanh nhất chính là “địa ngục trần gian” - Côn Đảo. Một “khóa học” kéo dài 14 năm trời, với 8 năm ròng rã, Lê Quang Vịnh nằm trong xà lim nhà tù Côn Đảo bị còng tay, còng chân. Trước phong trào đấu tranh cách mạng, trước khí tiết quả cảm của người cộng sản, Mỹ - Diệm không thể xử tử Lê Quang Vịnh. Chúng muốn ông phải chết dần, chết mòn trong lao tù bằng những đòn tra tấn tàn bạo, dã man nhất. “Trong 8 năm ấy, phần lớn tôi sống một mình. Ngoài việc tập trung trí tuệ để chống lại kẻ địch, tôi có một thú vui duy nhất là làm thơ, sáng tác nhạc với đề tài liên quan đến cuộc chiến đấu, bảo vệ khí tiết cách mạng. Tính lại tôi đã làm hàng trăm bài thơ, hàng chục bản nhạc. Những lần được nghe thơ Bác Hồ, lòng tôi lại xúc động và thế là tôi phổ nhạc bài thơ ấy. Tôi tự hát cho mình nghe và nguyện sẽ làm theo những lời Bác dạy”, cựu tử tù Lê Quang Vịnh xúc động.
 
Nhớ những cái “Tết” trong lao tù...
 
Đã là tử tù chính trị bị còng chân ở Chuồng Cọp, Hầm Đá thì tuyệt đối không có Tết đúng nghĩa. Người tù nằm một mình trong bốn bức tường đá lạnh, chỉ biết Tết qua âm thanh, mùi vị bên ngoài vọng vào. Khi giao thừa đến, nghe tiếng pháo bên ngoài vọng vào, người tử tù đứng dậy nghiêm trang, tưởng tượng mình đang chào cờ Tổ quốc để thầm hát Quốc ca. Nhắc đến những cái “Tết” trong tù ngục, Lê Quang Vịnh đọc cho tôi nghe 2 câu đối được ông và các đồng chí trong tù kết nên từ những lá bàng khô: “Ngoài ngục, đào mai khoe sắc thắm. Trong tù, lý tưởng chói lòng son”.
 
Cựu tử tù Lê Quang Vịnh kể lại: “Cũng có giao thừa, bốc quá, hát to: “Nước mắt rưng rưng tràn má hóp. Quốc ca ta hát vọng ra ngoài”. Thế là bọn lính canh Chuồng Cọp lấy sào thọc tới tấp từ trên song sắt xuống. Nếu còn hát tiếp, nó rắc vôi bột xuống trắng cả tóc tai. Thế mà anh em tù Chuồng Cọp, Hầm Đá cứ Tết đến, hay ngày Quốc khánh 2-9 là đứng nghiêm trang “chào cờ tưởng tượng”, rồi hát Quốc ca, Lãnh tụ ca. “Chúa Đảo” quy định tiêu chuẩn cho tử tù ăn 3 tháng được 100g thịt, một ngày 450g cơm (hai dĩa). Nhưng ngày Tết chúng cho thêm trên đĩa cơm mang vào chuồng một hai miếng thịt. Có thể gọi đó là “Khẩu phần Tết”. Anh em tù đi lao động khổ sai thì Tết nhất có khá hơn. Khi đi làm ở các “Sở” (tổ chức lao động khổ sai theo nghề, như sở vôi, sở đá…) họ kiếm được con cá dưới ruộng, bông hoa rừng, làm cho cái Tết cũng tươi hơn chút ít. Đêm giao thừa cả gian 14 Hầm Đá tổ chức văn nghệ, thay nhau hát các bài hát cách mạng, rồi ngâm thơ”.
 

Báo chí dăng tin, viết bài về 4 chiến sĩ cộng sản bị tuyên án tử hình

 
Nói rồi, ông lại suy tư: “Trong 8 năm biệt giam trong Chuồng Cọp, Hầm Đá và 4 năm chung thân khổ sai, có hai cái Tết ấn tượng nhất đối với tôi. Đó là Tết Mậu Thân 1968 và Tết năm 1971”. Ngày mùng 2 Tết Mậu Thân, cựu tử tù Lê Quang Vịnh đang ở Chuồng Cọp II, bỗng nhiên địch mở cửa, tháo còng, lôi ra khỏi chuồng. Sau đó chúng đưa anh cùng các tử tù Lê Hồng Tư, Lê Minh Châu, Trương Thanh Danh lên tàu thủy Mỹ chở về Sài Gòn. Tuy vẫn bị còng chân, nhưng 4 người tù được hít thở khí Xuân đất trời. Trên đường về Tổng Nha cảnh sát ngụy, nhiều khu quân sự của địch bị phá nát. Khu căn cứ Hàng Xanh gần như sụp đổ hoàn toàn. Dinh Độc Lập cũng bị nhiều vết tích của một cuộc tấn công. Đường phố Sài Gòn mọc lên nhiều công sự bằng bao cát. Như vậy, các anh đã được chứng kiến tận mắt một trận đánh rất lớn của quân ta vào đầu não Sài Gòn.
 
Kể cho tôi nghe xong những ký ức về Tết ở Chuồng Cọp, Hầm Đá, Côn Đảo, cựu tử tù Lê Quang Vịnh bỗng trầm ngâm, rưng rưng nước mắt: “Đã 36 cái Tết trên đất nước hoà bình, bên vợ con sum vầy làm cỗ đón Xuân, đi chơi chúc Tết bà con bè bạn… nhưng không có cái Tết nào tôi không cồn cào nhớ đến những người bạn tù của mình còn sống hay đã nằm xuống ở nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo. Nhớ lắm, nhớ lắm… ”. Nói rồi ông rút khăn mùi xoa chấm nước mắt.
 
Luôn giữ vững lý tưởng người cộng sản...
 
Năm 1975 - đất nước yên tiếng súng, cựu tử tù Lê Quang Vịnh thoát khỏi xiềng xích của nhà tù Côn Đảo, trở về với Đảng, với nhân dân. Mặc dù trên thân mình mang đầy thương tích, bệnh tật - hậu quả của những năm tháng tù đày, nhưng Lê Quang Vịnh vẫn được tiếp tục hoạt động cách mạng với nhiều cương vị công tác khác nhau. Ông được bố trí nhiều công việc quan trọng như: Thường vụ Đặc khu ủy Vũng Tàu – Côn Đảo, kiêm Bí thư Huyện ủy Côn Đảo; Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo TP Hồ Chí Minh; Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, kiêm Phó ban Dân vận Trung ương Đảng và nay là Chủ tịch Hội tù yêu nước tỉnh Thừa Thiên Huế.
 
Dù ở cương vị công tác nào ông cũng luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cựu tù Lê Quang Vịnh tâm sự: “Tôi tham gia vào việc gì cũng bắt đầu bằng sự thất bại, bằng sự non kém, thiếu kinh nghiệm, yếu ớt, vụng về. Khó nhọc lắm, bầm dập lắm! Tuy nhiên, tôi không bỏ cuộc, tôi vẫn tiếp tục. Càng về sau, tôi càng được sự giúp đỡ, ủng hộ của những người tốt và cuối cùng là đi đến thành công. Tôi có lòng tin sắt đá về phương hướng mà đời mình đã xác định là đúng. Vấn đề chủ yếu là đúc rút kinh nghiệm, tìm ra nguyên nhân và phương pháp khắc phục, thì nhất định thất bại sẽ dẫn đến thành công. Không có Đảng, không có cách mạng thì tôi cũng không còn. Tôi bằng lòng tất cả, không tính toán so đo. Quan điểm của tôi khi làm việc thấy đúng thì bảo vệ, thấy sai thì đấu tranh. Thế thôi!”
 
Ngày nghỉ hưu (2004), sau hơn 50 năm xa quê hương, Lê Quang Vịnh đã tìm về với quê nội – làng Xuân Hòa, phường Kim Long, TP Huế, sống cuộc sống thanh bình với đầy ắp những hoài niệm. Vợ chồng ông giờ đã có một tổ ấm hạnh phúc bên 2 người con Lê Quang Tự Do và Lê Quang Hạnh Phúc. Cả hai đã trưởng thành, đã có công việc ổn định và giữ những cương vị quan trọng trong công việc. Ngôi nhà của ông ở địa chỉ 58/24B Nguyễn Phúc Nguyên, TP Huế cũng chính là nhà lưu niệm Lê Quang Vịnh. Đây vừa là nơi gặp gỡ, hàn huyên tâm sự của những người bạn, người đồng chí, đồng đội vào sinh ra tử với ông. Bạn của ông là những người bạn tù Côn Đảo, ở khám Chí Hòa, Lao Thừa Phủ, những người bạn nước ngoài, hay những em nhỏ đang còn cắp sách đến trường. Họ đến với ông không chỉ để nhìn, ngắm những hình ảnh, gợi nhớ những kỷ niệm của chính mình qua những tư liệu, hiện vật mang đậm dấu ấn về những năm tháng không thể nào quên, về một thời đấu tranh cách mạng gian lao mà vinh quang, mà đến còn vì sự cảm thông, sẻ chia, kính phục trước một con người cộng sản “huyền thoại Côn Đảo” – Lê Quang Vịnh.
 

Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển

TIN MỚI

Return to top