ClockThứ Năm, 26/03/2015 17:21

Gặp lại giọng ca của phong trào đô thị

TTH - Trong chương trình văn nghệ đường phố diễn ra tại nhà Lục giác trên đường Trịnh Công Sơn dịp Festival Huế 2014, nhiều người bất ngờ và thú vị trước hình ảnh lãng tử của người đàn ông tóc đã điểm bạc ôm đàn ghi ta hát. Ấn tượng hơn khi giọng hát của ông vẫn trầm ấm, vang vọng như thuở đôi mươi.

Tóc đã điểm bạc nhưng ông Phan Hữu Kính vẫn ca hát say sưa cùng cây đàn ghita như thuở đôi mươi

Hỏi nhạc sĩ Lê Phùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT mới biết, đó là ông Phan Hữu Kính - giọng ca vàng một thời của Phong trào Đô thị… Tôi tìm đến nhà ông (55 Thạch Hãn, TP Huế) khi trời đã nhuốm chiều. Nghe hỏi về những ngày tháng xuống đường, ông xách cây đàn ghi ta đang để cạnh bàn hát tặng tôi ca khúc “Làm thân cỏ cú” – một trong những bài hát ruột của ông thuở ấy.

“Trời sinh tôi ra làm thân cỏ cú / Trời sinh anh ra làm thân đại thụ… Nhưng một ngày đoàn quân ra đi / Đời tôi hết làm thân cỏ cú / Đời anh hết làm thân đại thụ… Dân tôi vùng lên như bão tố / Dân tôi vùng lên như cuồng phong / Dân tôi hiên ngang tuy sống nhọc nhằn... Không ai cướp được đời dân tôi”. Hơn 40 năm trôi qua, những lời ca hừng hực khí thế một thời vẫn được ông hát đầy nhiệt huyết, sâu lắng. Giọng hát vẫn vang. Ánh mắt vẫn long lanh ngời sáng. Ông cười: “Mỗi lần ôm đàn hát lại thấy hừng hực, phấn khích, lòng nhớ đến phong trào tranh đấu sục sôi của sinh viên Huế ngày nào”.
Sinh năm 1952, ông Phan Hữu Kính tham gia phong trào đấu tranh đô thị từ năm 1969, lúc còn là học sinh Trường cấp 3 Hàm Nghi. Vào đại học, thời sinh viên của ông gắn liền với những cuộc bãi khóa, xuống đường, những đêm không ngủ và những buổi hát cho đồng bào tôi nghe, hát cho dân tôi nghe… Ngày ấy, ông là một trong những thành viên của Ban đại diện phong trào sinh viên yêu nước, Trưởng ban văn nghệ của Đại học Văn khoa.
Những năm 1972 đến ngày giải phóng, khi phong trào chống Mỹ - Ngụy diễn ra quyết liệt, lan rộng, nhiều sinh viên yêu nước đã dùng tiếng hát để đấu tranh cho phong trào hoà bình. Phan Hữu Kính đã cùng nhiều sinh viên yêu nước bí mật tập ở Tổng hội sinh viên Huế, thư viện hoặc giảng đường những bài hát cách mạng rồi say sưa hát để cổ động quần chúng. Ánh mắt ông xa xăm nhớ về thời sục sôi khí thế đấu tranh: “Tất cả các ngả đường Trần Hưng Đạo, Trương Định, Lê Lợi, cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba, công viên Tứ Tượng, Nhà Kèn và những nơi tập trung đông người, anh em chúng tôi thường ca hát suốt cả đêm kêu gọi đồng bào xuống đường, đình công, bãi thị, bãi khóa... Hồi ấy, âm thanh không có, chỉ với cây đàn ghi ta hoặc phong cầm nhưng với nhiệt huyết sục sôi, tiếng hát của chúng tôi vẫn vang vọng, lan tỏa”.
Lòng yêu nước dâng cao, có khi Phan Hữu Kính đứng ngay giữa ngã tư cầu Trường Tiền và đường Trần Hưng Đạo hát trong khí thế hừng hực, dẫu biết rằng lẫn trong đám đông khán giả có không ít cảnh sát ngụy đang theo dõi, ghi hình. Ông Kính kể: “Giữa đám đông, họ không dám bắt nhưng sẽ lùng sục bắt bớ sau đó. Thế nên, ngay sau khi hát xong, tôi phải kịp thời lẩn trốn ở cư xá sinh viên, có khi 3 ngày 3 đêm không về nhà”.
Giọng ông sôi nổi khi kể về kỷ niệm sâu sắc: “Năm 1973, các thành phần quần chúng, sinh viên, học sinh tập trung rất đông tại giảng đường C, Trường đại học Khoa học nghe chúng tôi hát. Khi tôi hát bài “Đường về Thành Nội” của Nguyễn Lạc Lê (tức Tôn Thất Quỳnh Đệ) – một trong những bài hát viết về tình cảm cách mạng của anh sinh viên ở rừng về thăm người yêu tại lao Thừa Phủ - thì thấy ở dưới, ống kính máy ảnh của cảnh sát chìm lóe lên. Thấy tình hình không xong nhưng tôi vẫn hát, không sợ. Lúc đó, cảnh sát đang chờ bắt tôi ở cổng, tôi lẩn ra đường khác”. 
Phan Hữu Kính còn tham gia Đội văn nghệ thanh niên xung kích cứu đói miền Trung Nam bộ. Ông từng đi khắp các tỉnh từ Huế vào Nha Trang dùng tiếng hát để kêu gọi mọi người đứng lên đấu tranh chống lại chế độ độc tài, đồng thời quyên góp cứu giúp trẻ em.
Sau ngày giải phóng, Phan Hữu Kính tham gia Đội văn nghệ thanh niên sinh viên học sinh giải phóng Huế. Tiếng hát của ông tiếp tục phục vụ cho phong trào văn nghệ quần chúng. Tâm trạng hồ hởi, phấn khởi vì đất nước giải phóng, ông hát say sưa, hát đến quên ăn, quên ngủ. “Được tập, được diễn công khai, cảm giác lúc đó thật lạ, hào sảng và phấn chấn”, ông Kính chia sẻ.
Năm 1976, ra trường, ông đi dạy nhưng máu văn nghệ ăn sâu trong người, công tác ở đâu ông cũng giữ “chức” trưởng ban văn nghệ của trường. Về dạy ở Phú Lộc, năm 1984, ông được điều động đi lưu diễn khắp huyện suốt cả tháng trời. Giọng hát của ông từng đạt nhiều giải trong hội thi tiếng hát giáo viên của tỉnh, thành phố khi dạy ở Trường Dân tộc nội trú, Trường THCS Hàm Nghi. Nghỉ hưu, Phan Hữu Kính có nhiều thời gian dành cho âm nhạc hơn. Giờ ông là Trưởng Ban nhạc đường phố, thỉnh thoảng vẫn tổ chức những chương trình văn nghệ hát cho nhau nghe ở Gác Trịnh. Ngẫu hứng, họ lại gặp nhau, cùng ôm đàn, cất tiếng ca vui tươi, yêu đời…
Bài, ảnh: TRANG HIỀN
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

23 năm nhớ Trịnh Công Sơn

Kỷ niệm 23 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1/4), nhiều hoạt động âm nhạc được tổ chức để tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa. Ngoài âm nhạc, gia đình cố nhạc sĩ chuyển hướng sang các hoạt động tưởng nhớ thiết thực, ý nghĩa hơn.

23 năm nhớ Trịnh Công Sơn
Đón Tết muộn

Dịp tết Nguyên đán, nhiều chương trình nghệ thuật được tổ chức để mang đến cho mọi người không khí vui tươi của năm mới; trong đó, không thể không nói đến sự cống hiến của các nghệ sĩ. Biểu diễn xuyên Tết phục vụ khán giả, năm nào họ cũng đón Tết muộn.

Đón Tết muộn
Sỹ Thiên và niềm đam mê nhạc cụ truyền thống

Yêu thích và đam mê thổi sáo từ những ngày còn bé, chàng trai trẻ Đào Bá Sỹ Thiên (sinh năm 1999) đã miệt mài gắn bó với loại nhạc cụ truyền thống này của dân tộc hơn 5 năm nay. Tiếng sáo du dương, bay bổng của Thiên đã để lại nhiều dấu ấn ngọt ngào trong cảm xúc người nghe.

Sỹ Thiên và niềm đam mê nhạc cụ truyền thống

TIN MỚI

Return to top