ClockChủ Nhật, 27/06/2021 06:14

Gặp làng ở phố

TTH - 1. Dọc theo con đường Tự Đức - Thủy Dương, tôi đặc biệt ấn tượng với cổng làng Dạ Lê Chánh còn mới tinh. Giữa không gian của một vùng quê đang trong quá trình đô thị hóa, thấp thoáng bên trong làng vẫn là cánh đồng, bờ tre và con hói, cổng làng Dạ Lê Chánh nổi bật với một kiến trúc độc đáo, vừa hiện đại nhưng cũng vừa bảo tồn được những nét xưa cũ.

Nao nao nỗi nhớ đường làngCây tre trong làng cây xanh Cố đô Huế

Không khó để bắt gặp hình ảnh làng quê ở các xã, phường vùng ven đô thị Huế

Được xây dựng cách nay 3 năm, những người có ý tưởng xây dựng chiếc cổng làng này như đã cảm nhận được về một ngày không xa Dạ Lê Chánh - Thủy Vân (Hương Thủy) sẽ nhập vào phố thị và như muốn lưu dấu, rằng ngay trên mảnh đất đang có nhiều công trình kiến trúc hiện đại xưa vốn là làng quê Dạ Lê Chánh, một trong những làng cổ xứ Thuận Hóa, còn có tên gọi Dạ Lê Gót và có làng cùng chung một nguồn cội là Dạ Lê Thượng, quê tôi.

Gắn bó gần như trọn đời ở mảnh đất Cố đô này, tôi mơ hồ cảm nhận Huế là một cái làng và hơn thế là một cái làng to, hợp lại từ nhiều làng. Nét làng xưa không chỉ phảng phất mà như còn tường tận trong tên gọi, giọng nói, nếp nghĩ, cách làm và cả những dấu xưa còn lại. Ví như cách cổng làng Dạ Lê Gót không xa, cũng ngay trên tuyến đường kia, tôi bắt gặp chiếc cầu nhỏ có tên gọi Công Lương, tên của một làng khác cũng thuộc xã Thủy Vân mà ai đó khi nhắc tới đã trìu mến gọi là “làng thương vợ”, đơn giản bởi ở nơi đây những công việc của phụ nữ (như giặt giũ, cơm nước…) thường chính do đàn ông đảm nhận.

2.  Hãy lật lại hành trình phát triển đô thị Huế. Không tính Phước Yên hay Bác Vọng thuộc huyện Quảng Điền, thủ phủ xứ Đàng Trong đầu tiên của chúa Nguyễn ở Huế là Kim Long và sau đó Phú Xuân, đều là những ngôi làng nổi tiếng. Kinh đô Huế dưới triều vua Nguyễn là sự hợp nhất làng Phú Xuân và nhiều làng quê khác ở phía bên kia bờ sông Hương. Sau này thị xã Huế rồi thành phố Huế hình thành và phát triển cũng bắt đầu bằng cách nhập làng vô phố, lan tỏa từ bên tả ngạn sang hữu ngạn Hương giang, ban sơ chỉ dăm ba làng rồi sau đó phát triển lên hàng chục, hàng trăm.

Tôi thích Kim Long không phải chỉ vì cảnh đẹp của một ngôi làng bên dòng sông Hương, mà còn bởi những giá trị văn hóa vẫn còn được bảo lưu và gìn giữ ở làng quê, từng là thủ phủ đầu tiên ở vùng đất phương nam mấy trăm năm trước. Kim Long nay vẫn còn đó những khu vườn đặc trưng gắn với những ngôi nhà rường truyền thống và gần như nguyên vẹn các thiết chế văn hóa xưa, như đình, chùa, miếu mạo… Bên cạnh những đặc sản Kim Long, như bánh ướt, chả lụa, bánh cộ, mứt gừng… là câu ca lay động lòng người bao thế hệ: “Kim Long có gái mỹ miều/Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi”.

Nằm ngay trong kinh thành Huế, đình làng Phú Xuân vẹn nguyên một vẻ đẹp như ở chốn quê. Phú Xuân là mảnh đất linh thiêng, cuộc đất cát tường về mặt phong thủy. Đó là lý do khiến cho từ các thời chúa Nguyễn, đến Tây Sơn và đặc biệt sau này được nhà Nguyễn chọn làm thủ phủ và kinh đô. Được xây dựng gắn với quá trình thành lập làng, đình làng Phú Xuân là thiết chế văn hóa dân gian duy nhất được phép tồn tại khi vua Gia Long cho hạ giải hoàn toàn các di tích cũ để xây dựng Kinh thành Huế. Và rồi mấy trăm năm nay, lễ hội Tế thu (hay còn gọi là lễ Kỳ Yên hay Kỳ Phước) vẫn đều đặn “đến hẹn lại lên”, gợi lại không khí làng quê xưa nơi chốn kinh thành. 

3.  Lại một lần nữa, đô thị Huế đứng trước bước ngoặt lịch sử. Thành phố chuẩn bị được mở rộng hơn 3,7 lần, đồng nghĩa sẽ có số lượng làng tương đương được nhập vào lòng phố thị. Làng lên phố có khi phải đổi họ thay tên cho phù hợp với mô hình quản lý mới, khi mà thôn không còn nữa mà hiện hữu là các tổ dân phố. Nhớ mấy chục năm trước ngay giữa lòng thành phố vẫn còn bắt gặp cánh đồng làng An Cựu được truyền tụng là nơi phát tích của giống gạo de “tiến vua”. Bây chờ mất hẳn và đến lượt các cánh đồng ở Thủy Vân, Phú Thượng, Phú Mỹ… đang bị lùi dần để nhường chỗ cho sự ra đời của những khu đô thị mới. Tôi giật mình khi nghĩ nói tới cơn lốc đô thị đã càn quét đến khắp các làng nội đô và ven đô, nghe chuyện kể về những người nông dân không còn ruộng, vườn phải nhọc nhằn tập làm quen công việc của người thành phố.

Cách nay không lâu, gặp anh bạn quê ở làng Chiết Bi (Phú Thượng, Phú Vang), tôi xởi lởi hỏi bạn lâu nay có về làng không. Anh bảo có, rồi như có chi đó tần ngần, anh lại nói, tui bây chừ có làng mô nữa mà về. Cái làng Chiết Bi của anh, tôi vẫn thường đi qua cùng với xã Phú Thượng có tên trong danh sách thành phố Huế mở rộng, đang là một công trường ngổn ngang. Rất nhiều khu quy hoạch được mở ra và cũng rất nhiều ruộng lúa đang bị san lấp để nhường chỗ cho những con đường và khu đô thị mới. Tôi đã quên không hỏi kịp nhà anh giờ chừ ra sao. Lại nhớ có ai đó phán cứ như thiệt, rằng giá bất động sản tăng lên, đồng nghĩa với “chất làng” ngày càng vơi đi.       

Những chiều hạ về khi hoàng hôn dừng buông, tôi vẫn thích một mình dong ruổi quanh cả nẻo đường thành phố. Đi để hóng mát và giải khuây, đi để tìm những khác lạ của một đô thị Huế đang chuyển mình và cũng là để tìm lại những dấu tích làng trong lòng thành phố. Gặp làng trong phố bây chừ cũng khó. Nó thiếu những vẹn nguyện khi giọng nói ai kia cũng thay đổi âm sắc ít nhiều, cách ăn mặc khác xưa, món ngon lắm khi chỉ còn lại tên gọi, rồi những dấu tích xưa cũng dừng khuất khi bị che chắn bởi những công trình kiến trúc hiện đại hay những con đường lớn được mở ra. Và cũng không phải ai cũng dễ dàng nhận ra chất làng trong lòng phố thị kia. Phải là những người đã có tuổi, sinh ra và lớn lên từ làng, lỡ yêu thương và có quá nhiều hoài niệm với con hói, ngôi chùa, giếng nước… cùng với lũy tre làng thân thương, là tôi nghĩ thế. 

Bài: ĐÌNH NAM - Ảnh: NGỌC NHI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huy động nguồn lực cho phát triển từ “Dân vận khéo”

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị ở Quảng Điền đã cụ thể hóa mô hình “Dân vận khéo” bằng nhiều mô hình, các hoạt động sôi nổi, rộng khắp, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân. Qua đó, khơi dậy nội lực, huy động sức dân tạo nguồn lực để chung tay xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao.

Huy động nguồn lực cho phát triển từ “Dân vận khéo”
Tích cực tháo gỡ 3 'điểm nghẽn' đối với phát triển giáo dục mầm non

Ngày 22/4, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 173/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tích cực tháo gỡ 3 điểm nghẽn đối với phát triển giáo dục mầm non
Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng
Return to top