ClockThứ Sáu, 11/09/2020 07:30

Gặp người tham gia diệt địch bằng “ôm hè”

TTH - Là một trong số ít những người còn sống từng trực tiếp tham gia “ôm hè”, ông Võ Trọng Môn còn được biết đến là người khởi xướng xây dựng Hội đồng tộc trưởng, phát huy tinh thần đại đoàn kết ở Thủy Châu (TX. Hương Thủy), cũng như có công rất lớn trong việc trùng tu các di tích trên địa bàn.

Tuyên dương 50 Chủ tịch Mặt trận tiêu biểuMặt trận Dân tộc thống nhất, một nhân tố thắng lợi của cách mạng Việt Nam

Ông Võ Trọng Môn - một trong những người tham gia diệt địch bằng “ôm hè” ở Thủy Châu

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xã Thần Thủy (sau đó đổi tên là xã Minh Thủy, tiếp đó là xã Thủy Châu rồi phường Thủy Châu cho đến nay) có vị trí rất quan trọng về mặt chiến lược của TX. Hương Thủy và của tỉnh khi là địa bàn hành lang chỉ đạo và là nơi trung chuyển hàng hóa, cung cấp nhân lực, vật lực cho cuộc kháng chiến. Vì vậy, giữa quân địch và lực lượng vũ trang của ta luôn tranh chấp vô cùng ác liệt ở địa điểm này.

Sau khi đánh đuổi thực dân Pháp, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, địch không từ bỏ một thủ đoạn, âm mưu nào để chiếm lĩnh Thủy Châu, mục đích là làm lá chắn bảo vệ cho sự an toàn của khu quân sự Phú Bài và quận lỵ Hương Thủy. Trong khi đó, ta cũng quyết tâm xây dựng Thủy Châu thành một địa bàn kháng chiến để bảo vệ tuyến hành lang, vùng đệm nối liền với các xã ven biển của huyện Phú Vang và vùng căn cứ địa cách mạng ở miền núi.

Cũng trong những năm tháng ấy, để chống lại bọn tay sai, ác ôn, tề ngụy, tình báo…, bên cạnh những trận đánh quả cảm góp phần tiêu diệt sinh lực, đẩy lùi địch, quân và dân Thủy Châu còn khiến Mỹ ngụy kinh hồn bởi phương pháp chiến đấu với tên gọi: “Ôm hè”.

“Trong kháng chiến chống Pháp, khi là thành viên của đội Oanh Vũ và là Đội trưởng Đội thiếu niên tiền phong Thủy Châu, tôi từng mấy lần nghe các anh, các bác kể là phe ta đã diệt địch bằng “ôm hè”. Nhưng hồi đó tôi còn nhỏ, thật sự chưa hiểu ý nghĩa như thế nào”, ông Võ Trọng Môn (bí danh hoạt động là Vũ Kim Minh), Huyện ủy viên đầu tiên trẻ nhất của Hương Thủy kể.

Đến khi tham gia kháng chiến chống Mỹ, phát huy tinh thần Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc…”, thì “ôm hè” được Đảng ủy và lực lượng vũ trang Hương Thủy vạch ra. Và, Thủy Châu được biết đến là địa phương đầu tiên của Hương Thủy áp dụng “ôm hè” rồi từ đó lan ra Thủy Phương và các địa phương khác của Hương Thủy cùng với nhiều chiến tích vang dội.

“Trước đó, để vô hiệu hóa quân giặc và tay sai, không ít lần cán bộ, chiến sĩ ta bàn bạc phương án tiếp cận, sau đó giật súng rồi chạy. Tuy nhiên, bàn đi tính lại, nếu quân địch nhớ mặt trả thù, không chỉ ảnh hưởng bản thân mà còn ảnh hưởng đến cả gia đình, đồng chí, đồng đội. Một lần, tôi cùng đồng đội bắt sống 9 tên địch, nhưng sau khi cảm hóa và thả về, có nhiều tên không hối cải mà vẫn lùng sục tìm diệt bộ đội ta, mức độ tàn ác ngày càng tăng nên “ôm hè” ra đời”, ông Môn nhớ lại.

Để “ôm hè”, sau khi tìm hiểu “lịch trình” của ác ôn, lên kế hoạch phân chia vai trò từng người cụ thể, những người thực hiện (thường chỉ 2-3 người) hóa trang như người dân bình thường. Khi tiếp cận được đối tượng (chủ yếu vào buổi sáng, thời điểm quân địch mất cảnh giác), quân ta ra hiệu bằng cách nói với nhau “ôm hè, ôm hè”, sau đó xông vào người ôm ngang hông tên địch, người khóa tay chân và dùng những miếng võ hiểm hoặc vũ khí thô sơ tiêu diệt địch ngay tại chỗ.

Tuy chỉ có thể tiêu diệt từng tên một nhưng với mục tiêu chủ yếu ngắm vào những tên đầu sỏ ác ôn, lại hành động táo bạo nên “ôm hè” khiến quân địch rất hoảng sợ bởi sự dũng cảm, mưu trí và tài hóa trang của các chiến sĩ ta. Cũng từ đó, tiếng vang của “ôm hè” khiến quân địch ở Thủy Châu nói riêng, Hương Thủy nói chung không dám xuất hiện nghênh ngang trên đường một mình như trước. Đồng thời, đánh mạnh vào tâm lý tham sống sợ chết của bọn tay sai, khiến không ít tên quay súng quy hàng.

“Bên cạnh “ôm hè”, nhờ vào khả năng hóa trang, tôi và các đồng đội còn tổ chức nhiều trận đánh úp địch vào ban ngày khiến chúng cực kỳ hoang mang, đến mức chúng còn treo thưởng nhiều tiền và 2 tháng phép cho binh lính nếu bắt được tôi và đồng chí Sáu Ngà (Bí thư Huyện ủy Hương Thủy thời bấy giờ); đồng thời tuyên bố, khi bắt được sẽ “tặng” tôi và đồng chí Sáu Ngà mỗi người 1 băng trung liên vào người”, ông Môn kể.

Ngoài trong số ít những người còn sống từng trực tiếp tham gia “ôm hè”, sau khi về hưu, ông Võ Trọng Môn còn được biết đến là người khởi xướng xây dựng Hội đồng tộc trưởng, phát huy tinh thần đại đoàn kết ở Thủy Châu và là người có công rất lớn trong việc trùng tu các di tích trên địa bàn.

Năm 2002, sau khi được bầu làm trưởng họ Võ - dòng họ lớn nhất ở Thủy Châu, nhận thấy nhiều đình chùa, miếu mạo, di tích trên địa bàn xuống cấp nghiêm trọng, ông Môn đã đi vận động từng nhà, từng người góp tiền trùng tu. Khi hiểu được ý nghĩa nhằm giúp con cháu nhớ về cội nguồn, tổ tiên, khôi phục lại những nơi từng nuôi giấu cán bộ thời kháng chiến… chứ không phải mê tín dị đoan, tất cả người dân Thủy Châu đã hưởng ứng lời kêu gọi của ông Môn để trùng tu, khôi phục lại đình Chánh, đình Đông, Văn Thánh, Võ Thánh và sau này xây mới đình Chánh với kinh phí hơn 1 tỷ đồng.

Còn trước đó, nhận thấy người dân nơi đây vẫn có sự phân biệt với dân ngụ cư, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân, ông Môn ra sức kêu gọi bà con trong làng, trong xã yêu thương, đùm bọc, tôn trọng lẫn nhau. Dần dà, những hành động, những lời lẽ có lý, có tình của ông Môn được mọi người hưởng ứng, xóa bỏ suy nghĩ phân biệt để rồi từ đó, 45 dòng họ trên đất Thủy Châu đã gắn kết thành một khối như hiện tại.

Bài, ảnh: Hàn Đăng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hơn 5.000 chiến sĩ Cảnh sát cơ động tham gia tổng duyệt lần 1 Lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống

Hơn 5.000 chiến sĩ Cảnh sát cơ động, đại diện hơn 33 nghìn cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát cơ động trên toàn quốc sẽ có màn diễu binh, trình diễn động tác "đúng, đều, mạnh mẽ, đẹp, thống nhất" tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống và đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Hơn 5 000 chiến sĩ Cảnh sát cơ động tham gia tổng duyệt lần 1 Lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống
Bộ đội, dân quân và Nhân dân chung tay vệ sinh môi trường biển

Sáng 31/3, tại bãi biển xã Hải Dương, thành phố Huế, Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với địa phương, lực lượng dân quân và đoàn viên thanh niên đã tổ chức chương trình Ngày Chủ nhật xanh ra quân vệ sinh môi trường biển.

Bộ đội, dân quân và Nhân dân chung tay vệ sinh môi trường biển

TIN MỚI

Return to top