ClockThứ Sáu, 29/09/2017 08:17

“GDP quý 3 tăng 7,46%, lạm phát cả năm sẽ dưới mức chỉ tiêu”

Quý 3/2017, GDP sẽ tăng 7,46% đưa tăng trưởng GDP 9 tháng qua ở mức 6,41%; lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng là 1,45% và dự báo trong năm nay sẽ ở khoảng 1,5- 1,8%, dưới mức chỉ tiêu Quốc hội giao.

Thống nhất kiến nghị tới Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục đầu tư kinh doanh, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng giảm lãi suất, giảm chi phí cho doanh nghiệp

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia chiều 28/9, nhằm đánh giá các chỉ số kinh tế vĩ mô trong quý 3 và 9 tháng đầu năm 2017, từ đó có những khuyến cáo tới Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô tại phiên họp thường kỳ tháng 9, dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 10/2017.

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá chính sách tiền tệ và tài khoá được điều hành ổn định, phối hợp nhịp nhàng, góp phần đưa các chỉ số vĩ mô chuyển biến theo hướng tích cực.

Theo đó, chỉ tiêu lạm phát tiếp tục được kiểm soát dưới 4%. Lạm phát tháng 9 tăng 0,59% chủ yếu là do điều chỉnh liên tiếp giá xăng dầu. So với tháng 12/2016 thì lạm phát tăng 1,83%, so với cùng kỳ thì tăng 3,4% và lạm phát bình quân là 3,97% và có xu hướng giảm tiếp vào những tháng cuối năm 2017. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng là 1,45% và dự báo trong năm nay sẽ ở khoảng 1,5- 1,8%, dưới mức chỉ tiêu Quốc hội giao.

Trong khi đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) lại tăng trưởng qua từng quý. Số liệu được công bố tại cuộc họp cho biết quý 3/2017, GDP sẽ tăng 7,46%, so với  quý 1 là 5,15%, quý 2 là 6,28%. Tăng trưởng GDP 9 tháng qua ở mức 6,41%.

Hội đồng nhìn nhận, tăng trưởng quý 3 tăng mạnh là nhờ chỉ số tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có đóng góp mạnh mẽ từ công nghiệp chế biến, chế tạo (12,77%) và tăng trưởng của xuất khẩu, tăng 19,5% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, huy động vốn cho nền kinh tế qua kênh trái phiếu Chính phủ trong 9 tháng ở mức 147.000 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch, đạt kết quả tốt do mặt bằng lãi suất ổn định. Đặc biệt kỳ hạn vay đã tăng thêm 3,2 năm so với cùng kỳ, góp phần giãn đỉnh nợ công từ các năm 2018- 2019 sang các năm 2021- 2022.

Vốn hoá thị trường chứng khoán tăng 38,7%, tương ứng giá trị 60% GDP. Chỉ số VN-Index vượt 800 điểm sau gần 10 năm. Thị trường chứng khoán phái sinh hoạt động hiệu quả sau hơn một tháng đầu tiên khai trương.

Thị trường ngoại tệ ổn định, không có biến động lớn về tỷ giá, các nhu cầu hợp pháp về ngoại tệ được đáp ứng kịp thời.

Trong khi đó, thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) cao kỷ lục khi tới ngày 20/9 có 14,6 tỷ USD đăng ký mới, tính cả số vốn điều chỉnh đầu tư tăng thêm 6,8 tỷ USD thì tổng mức đăng ký là tăng 21,7% so cùng kỳ. Vốn đầu tư thực hiện trong 9 tháng là 12,3 tỷ USD tăng 15%.

Về tăng trưởng tín dụng, các thành viên Hội đồng cho rằng mặc dù Chính phủ đã cho phép Ngân hàng Nhà nước nâng mức này từ 18% lên 21% nhưng phải theo dõi sát sao thị trường, không để xảy ra biến động và tiếp tục quan tâm tới chất lượng tín dụng, bảo đảm tiến độ, hiệu quả các dự án.

Các thành viên của Hội đồng cũng đánh giá tín dụng đang có chuyển biến tốt sau khi Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ được ban hành, đồng thời các bộ ngành nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.

Hội đồng thống nhất kiến nghị tới Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; nhanh chóng sửa đổi, ban hành chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng giảm lãi suất, giảm chi phí cho hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Theo VnEconomy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20%

Một nghiên cứu do chính phủ Đức hỗ trợ cho thấy đến giữa thế kỷ này, thiệt hại đối với nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng suất và sức khỏe con người do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến khoảng 38.000 tỷ USD/năm, tức gần 1/5 GDP toàn cầu, bất kể nhân loại có cắt giảm khí carbon gây ô nhiễm mạnh mẽ đến đâu.

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF):
Lạm phát tiếp tục giảm trong năm 2024, nhưng chưa hoàn toàn bị đánh bại

Lạm phát đang giảm nhanh hơn dự kiến nhưng vẫn chưa bị đánh bại hoàn toàn, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 11/4 cho biết; đồng thời kêu gọi các ngân hàng trung ương điều chỉnh một cách cẩn thận các quyết định về cắt giảm lãi suất dựa trên các dữ liệu sắp tới.

Lạm phát tiếp tục giảm trong năm 2024, nhưng chưa hoàn toàn bị đánh bại
ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng vững chắc giữa nhiều bất ổn bên ngoài

Trong Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 4/2024 vừa được công bố hôm nay (10/4), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2024 đối với Việt Nam được đưa ra trước đó, bất chấp những bất ổn kéo dài từ môi trường bên ngoài. Cụ thể, ADB kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng lần lượt ở mức 6% và 6,2% vào năm 2024 và 2025.

ADB Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng vững chắc giữa nhiều bất ổn bên ngoài
Return to top