ClockThứ Hai, 04/04/2016 14:58

Ghe thuyền thắt chặt tình người

TTH - Ở Huế, ghe thuyền trở thành loại phương tiện hữu hiệu để đi lại và làm ăn kinh tế. Cũng chính từ những chiếc ghe thuyền ấy, tình người lại đượm thắm hơn bao giờ hết.

Ghe nhỏ, tình lớn

Đến hẹn lại lên, mỗi năm đến dịp đầu xuân, Quốc khánh, các dịp lễ và mùa nước lên, người dân Thừa Thiên Huế lại tổ chức đua ghe. Về làng Vân Thê (Thủy Thanh), một trong những làng đua có tiếng ở Huế, không khí của những ngày trước và sau lễ hội đua mang tính chất như một hoạt động cộng đồng.

Người làng biển phụ nhau gánh thuyền

Tình người trong phạm vi một đội đua cũng trở nên thân thiết. Đơn cử như ở Vân Thê, mỗi đội đều có một ghe đua. Trong giai đoạn tổ chức lễ hội, người dân trong đội bất kể già trẻ đều quần tụ một điểm nhằm sửa sang lại chiếc ghe, bàn phương án đua hiệu quả. Sau ngày đua lại tập trung ăn mừng, thuê cả dàn nhạc để hát hò, vui vẻ. Ông Nguyễn Quang Anh, một người dân nơi đây kể: “Ai có giận nhau chi đi nữa thì khi đua cũng phải gắn bó gặp mặt nhau, tình cảm của người trong đội phải dạt dào thì đua mới có giải, ăn mừng mới vui”.

Với người dân sống bên dòng Như Ý, có vô vàn câu chuyện đoàn kết tồn tại trong trí nhớ nhiều người suốt mấy chục năm qua, như việc giúp nhau trong lũ lụt.

Năm 1999, trận lũ lịch sử đã làm mực nước ngang nóc nhà của nhiều hộ. Người dân hai huyện Phú Vang, Hương Thủy sống dọc sông Như Ý đã dùng ghe cứu người, họ đến từng nhà thấp lũ đưa các gia đình tản cư đến những điểm nhà cao; bơi ghe ra bắt heo, gà cuốn trôi theo dòng lũ để làm thực phẩm cứu đói. Bà Trương Thị Phấn (50 tuổi) bồi hồi nhớ lại: “Hồi đó, nhà tui ở sát bờ sông, bản thân lại mang thai đứa con gần sinh. Nước đêm lên nhanh quá nên đến sáng đã lên thấu nửa cửa sổ. Người dân sống quanh đem ghe tới cứu. Nếu không có những chiếc ghe đi cứu người, chắc làng tui năm nớ chết nhiều lắm”.

Giúp nhau trên biển

Lão ngư Lê Văn Tây (thị trấn Thuận An) trải lòng, tàu thuyền đánh bắt xa bờ lênh đênh trên biển cực khổ, đôi khi bám ngư trường xa dài ngày thấy tàu treo quốc kỳ Việt Nam càng nhiều thì lòng ngư dân càng vui, nếu nhận ra là người cùng địa phương thì tâm trạng rộn ràng như hội. Mưu sinh xa nhà, họ xem nhau như anh em. Ông Tây nhấn mạnh, làm thì làm, nhưng hễ có vấn đề gì thì mọi người lại giúp đỡ nhau. Mối đoàn kết trên biển cũng mật thiết không khác chi lúc chuyến tàu trở về thành công lớn mà anh em quây quần để ăn mừng.

Chị La Thị Thủy, ngư dân thôn Tân Lập (Thuận An) kể: “Nhiều lần tui cùng chồng đi biển, vô thấu bờ thì gặp thời tiết xấu làm lật thuyền. Nếu không nhờ người làm cùng nghề cứu giúp thì e không giữ được tính mạng. Thế rồi sau khi gặp chuyện, bà con cũng đến an ủi động viên mình tiếp tục bám thuyền, họ bảo cái thuyền như là nhà mình rồi. Thuyền mình có chi thì thuyền bạn giúp đỡ”.

Huế có những làng biển nhỏ, ngư dân hoạt động gần bờ, như các xã Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền), Vinh Hải (Phú Lộc),... Cách để ngư dân đưa thuyền lên bờ hay xuống nước đều dựa vào sức người, oằn vai xoay vần chiếc thuyền. Ngư dân Nguyễn Hồng, thôn An Lộc (Quảng Công) tâm sự, những làng biển đánh bắt nhỏ thì thu nhập cũng không cao nên đành dựa vào sức người là chính. Không có tiền thuê nhân công nên mỗi chiếc thuyền khi ra khơi đều nhờ xóm giềng giúp qua giúp lại.

Từ lâu, người ta liệt kê ra rất nhiều công năng của các loại ghe, thuyền, nhưng có một công năng người ta “vô tình” ít nhắc tới là thắt chặt tình đoàn kết. Ngày nay, ghe thuyền trở thành một phương tiện du lịch hấp dẫn, như: thuyền rồng trên sông Hương, trải nghiệm ngồi ghe đánh cá ở cầu ngói Thanh Toàn,…Nếu những câu chuyện và “công năng đoàn kết” của ghe thuyền được vận dụng khéo léo, ít ra đó cũng sẽ là một phương tiện gắn kết cộng đồng.

Bài, ảnh: Lê Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đính hôn ngày mưa lụt

Dù mưa lũ nhưng để không lỡ ngày giờ đã định, lễ đính hôn của Phan Thu Hằng - Lê Viết Trường An (xã Hương Phong, TP. Huế) vẫn tổ chức ngày 16/10 như đã định. Buổi lễ diễn ra với nhiều cung bậc cảm xúc của đôi bạn trẻ và hai gia đình.

Đính hôn ngày mưa lụt
Khắc phục nhà cửa, trục vớt ghe thuyền ở Vinh Hiền

Sáng 1/4, ông Nguyễn Tam, Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền cho biết, UBND huyện Phú Lộc đã huy động lực lượng quân sự, biên phòng, dân quân tự vệ cùng các đoàn thể hỗ trợ người dân Vinh Hiền lợp lại mái nhà bị hư hại do gió lốc, bố trí nơi ở tạm và trục vớt thuyền, ghe bị chìm.

Khắc phục nhà cửa, trục vớt ghe thuyền ở Vinh Hiền
Những bông hoa tặng thầy

20/11 hằng năm đã trở thành ngày “đoàn tụ” của thầy trò. Đã có nhiều câu chuyện cảm động trong dịp này.

Những bông hoa tặng thầy

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
  • Chuyên Mua Bán Ca Nô Du Thuyền
Return to top