ClockChủ Nhật, 18/10/2020 15:10

Ghi ở rốn lũ

TTH - Có về những rốn lũ ở Hương Thủy, Quảng Điền, Phong Điền… mới thấy, con người thật nhỏ bé trước cơn cuồng nộ của thiên nhiên. Dẫu vậy, sự hỗ trợ kịp thời cùng tinh thần đùm bọc, cưu mang lẫn nhau đã làm ấm lòng, vững tin người dân nơi rốn lũ.

Từ “rốn lũ” Quảng ĐiềnChung tay mùa mưa lũ

UBND xã Điền Hương cứu trợ người dân trong lũ. Ảnh: TRẦN CỬU

1. Sửu, trạc tuổi 30, vóc người như học sinh đầu cấp 3 quăng cái áo phao nói, anh mặc vô rồi em chở đi, nước lên kiểu ni anh lội nguy hiểm.

Sửu có họ tên đầy đủ là Lê Nguyên Sửu, dân Thuỷ Thanh (TX. Hương Thủy), đang khởi nghiệp bằng mô hình du lịch cộng đồng ngay tại nhà với vườn rau, giàn cây trái, máy đạp nước, chừng trăm con gà, vịt thả vườn cùng dịch vụ chèo ghe trải nghiệm nhịp sống làng quê trên sông Như Ý.

Kể ra để nói, chuyện chèo ghe với Sửu cũng giống như người ta đi xe đạp, xe máy trên đất bằng.

Vậy mà tay chèo chật vật khi mưa “không kịp vuốt mặt” bất ngờ ầm ầm như trút. Gió quất ràn rạt trên đầu. Những ngọn tre cao vút một phần thân ngập trong nước oằn xuống bật lên, âm thanh như có ai đang lấy roi quất vun vút.

Rồi chiếc ghe không chịu rẽ nước mà cứ xoay vòng vòng, mặc kệ Sửu bặm môi gắng sức với cây sào dài ngoằng đang cố đẩy chiếc ghe ra khỏi vùng nước xoáy. “Chừ quay lại cũng dở, mà đi tiếp thì hơi nhọc. Thôi lỡ rồi, anh bình tĩnh ngồi để đó em xử lý”, Sửu nói, giọng lạc đi trong gió.

Lầm lũi trong mưa gió chừng nửa tiếng đồng hồ, chiếc ghe cuối cùng cũng tới ngôi nhà 2 tầng cách UBND xã Thuỷ Thanh chừng 1km. Lý do đến đó đơn giản là giúp khách tìm nơi cao ghi lại hình ảnh toàn cảnh Thuỷ Thanh đang chìm trong nước. Và Sửu, khi ấy, chỉ có thể vịn hàng rào thở chứ không còn sức xuống ghe lội vào nhà uống ly trà nóng chủ nhà mời…

Trên đường về, khi mưa tạm ngớt, Sửu huơ chèo một vòng quanh nói nước ngập như ri tài sản hư hại thì hẳn nhiên, nhưng để đói, để thiệt hại về người thì khó. Gạo, mì gói hầu như nhà ai cũng có, lỡ thiếu thì chèo ghe ra tiệm tạp hoá mua. Còn thức ăn, hầu như ai ở đây cũng có vài ba con gà con vịt thả vườn, kẹt lắm thì thịt, còn không đi bủa lưới, thậm chí chỉ cần mở lời, hàng xóm có là san sẻ ngay, đủ cầm cự cho đến khi nước rút”, Sửu nói.

Cứ nghĩ Sửu lấy mình để “suy ra”, bởi, tuy vườn rau ngập trong nước nhưng dàn bầu cùng chục cây đủ đủ quanh vườn vẫn quả lúc lỉu, chưa kể cả trăm con gà. Nhưng từ nhà Sửu về UBND xã Thuỷ Thanh, cùng lực lượng trực chiến đến những điểm xung yếu, mới thấy nhận định của Sửu không sai.

“Hai ngày trước, nghe chính quyền thông báo là tụi tui trữ mì gói, gạo, nước ngọt rồi tìm nơi kê đồ dần dần. Nếu nước lên tiếp có chi tụi tui điện nhờ mấy chú đưa qua nhà văn hoá thôn”, ông Bách, thôn Vân Thê Thượng nói khi lực lượng trực chiến xã Thuỷ Thanh ghé đến hỏi han tình hình.

Sau thôn Vân Thê Thượng, 2 chiếc ghe gắn máy đuôi tôm tiếp tục đến Nhà văn hóa thôn Lang Xá Bàu - nơi có 4 hộ gia đình được di dời đến. 

“Chừ tui cũng không biết nhà mình ngập ngang mô, cả nhà đã được chuyển tới đây. Ở đây phòng ốc sạch sẽ, thoải mái và quan trọng là cao ráo nên rất yên tâm. Lụt lội thì thiệt hại về vật chất là hẳn nhiên, quan trọng bản thân và gia đình vẫn an toàn”, anh Lê Văn Tốt chia sẻ.

2. Lúc lực lượng trực chiến xã Thủy Thanh xong bữa cơm tối cũng là khi nước tràn vào hội trường. Chủ tịch UBND xã Trần Duy Việt nhắc nhở: "Tối nay xác định trắng đêm canh nước nghe mấy anh em".

Ra vào, ngó nghiêng đến nửa đêm, sau khi phân công nhóm thức, nhóm ngủ lấy sức, Chủ tịch UBND xã Thuỷ Thanh đúc kết: “Sau cơn lũ lịch sử 1999, ý thức, tinh thần chủ động ứng phó với thiên tai của bà con rất cao nên tôi tin sẽ không có thiệt hại về người; nhưng về tài sản lại khác”.

Công an thị xã Hương Thủy phối hợp với lực lượng địa phương giải cứu cụ già bị mắc kẹt do nước dâng cao chiều 12/10. Ảnh: HÀN ĐĂNG

Thống kê sơ bộ, Thuỷ Thanh và Thuỷ Vân có hơn 17 ngàn chậu hoa cúc bị ngập. Đây là hoa chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán.

“Hoa cúc ngập nước bạc thì xác định bỏ, có sống thì cây còi cọc, không ra hoa. Dù dùng biện pháp “kích” cho hoa nở thì cây và hoa èo uột, không ai mua, càng không thể dùng chưng dịp tết. Mà chừ đến tết còn mấy tháng, bà con có muốn trồng lại để gỡ gạc cũng không kịp". Nguyễn Đắc Mùi, một cán bộ xã nói.

Sau một đêm chập chờn theo con nước, sáng mở mắt đã thấy nước ở sân uỷ ban xã ngang bụng. Cũng là lúc Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Nam Tiến cùng đoàn cứu trợ đến động viên, tặng quà bà con khó khăn. Lãnh đạo thị xã cũng gấp rút  tổ chức hai mũi về với người dân  xóm Dừa, thôn Hoà Phong (xã Thuỷ Tân) và 2 xã Thuỷ Thanh, Thuỷ Vân, là những nơi xung yếu. Những thùng mì gói cứu trợ đã kịp đến tay người dân khó khăn đang bị nước lụt chia cắt.

“Thiệt hại về tài sản, ngoài đồ vật bị ngập nước, đáng lo nhất là những lồng cá. Bà con đừng liều mình ra sông cứu cá trong thời điểm này, kiểu chi cũng phải đợi nước rút rồi tính. Còn người là còn của”, ông Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch UBND TX. Hương Thuỷ nói trước khi chia tay những hộ dân ở thôn Hoà Phong và xóm Dừa.

Ở  xã Thuỷ Thanh, ông Nguyễn Đắc Tập, Phó Chủ tịch TX. Hương Thuỷ nhắn nhủ với lực lượng ứng trực: “Những ngày qua, hoan nghênh anh em kịp thời đưa 2 sản phụ đến Bệnh viện Trung ương Huế và giúp người dân di tản đến nơi an toàn. Thời điểm này phải để liên lạc thông suốt, cần kiểm tra điện thoại thường xuyên phòng khi người dân cần ứng cứu”…

3.  Trong màu nước đục ngầu, từ xa, nhìn xã Quảng Phú như một ốc đảo của huyện Quảng Điền. Nhưng khi tiếp cận, mới thấy trong ốc đảo còn có ốc đảo, là thôn Xuân Tùy. Nghĩa là những ngày qua, hơn 400 hộ dân Xuân Tùy bị chia cắt hoàn toàn. Nhà nào cao nhất thì nước cũng ngập trên 1,5m, còn nhà thấp, từ 1,8m đến trên 2m.

Mỗi khi ngập lụt, xã Phong Hòa, Phong Bình là những nơi xung yếu nhất của huyện Phong Điền. Và khi bốn về nước vậy quanh, đa phần người dân ở đây như bị biệt lập với bên ngoài. Tuy có đò, ghe nhưng trước từng cơn gió mạnh, rồi mưa sầm sập không ngừng, ngoài một số người đã di tản đến nơi an toàn, những người còn lại chỉ biết bó gối ở nơi cao nhìn ra biển nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định thăm hỏi, trao quà hỗ trợ người dân bị lũ lụt ở Phú Vang chiều 12/10. Ảnh: N.M

Rồi Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền... đâu cũng thấy cảnh người dân khổ sở vật lộn với thiên tai. Mừng là trong và sau trận lụt lội mà có nơi mực nước cao hơn cơn đại hồng thủy năm 1999, chuyện người dân thiếu đói hầu như không có, cũng như chắc rằng, chẳng ai chết vì đói.

Vậy nhưng, vẫn có những đau thương không ai muốn vẫn xảy ra khi cả mẹ và đứa con trong bụng chưa kịp chào đời đã mất mạng do nước lũ, khi những chiếc ghe nhỏ bé không trụ vững trong dòng nước xoáy, khi nhiều người chết và mất tích liên quan đến sạt lở đất cũng từ mưa bão ở thủy điện Rào Trăng 3…

Lúc đó, mới thấy con người thật nhỏ nhoi, yếu đuối khi "mẹ thiên nhiên" cuồng nộ.

***

Khi bài viết này lên khuôn, diễn biến bão, lũ vẫn còn phức tạp, khó lường. Thiệt hại là điều đã thấy, nhưng đồng thời đó cũng là bài học không bao giờ cũ. Và trong hoạn nạn, những hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời của chính quyền cùng sự chủ động của người dân, cuộc chiến chống thiên tai với tình cảm, sự nhiệt tâm của lực lượng trực chiến cùng tinh thần đùm bọc, cưu mang lẫn nhau đã làm ấm lòng, vững tin người dân nơi rốn lũ.

Hàn Đăng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương Thủy: Phát động phong trào bơi an toàn

Lễ phát động bơi an toàn, phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em và khai mạc giải bơi học sinh phổ thông TX. Hương Thủy năm học 2023-2024 diễn ra ngày 23/3. Hoạt động do Phòng GD&ĐT và Trung tâm VH,TT&TT thị xã phối hợp tổ chức.

Hương Thủy Phát động phong trào bơi an toàn
Hương Thủy đóng góp nhiều vào sự phát triển chung của tỉnh

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đánh giá như vậy tại hội nghị quán triệt Chỉ thị 42/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và thông tin về định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Thường vụ Thị ủy Hương Thủy tổ chức ngày 12/3.

Hương Thủy đóng góp nhiều vào sự phát triển chung của tỉnh
Return to top