ClockChủ Nhật, 04/03/2018 21:18

Ghi số CMND vào đơn thuốc ngoại trú với trẻ dưới 6 tuổi: Còn nhiều ý kiến khác nhau

TTH - Từ ngày 1/3, việc kê đơn thuốc cho trẻ dưới 72 tháng tuổi (trẻ dưới 6 tuổi) phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số chứng minh nhân dân (CMND), sổ căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ. Đây là nội dung nằm trong Thông tư 52/2017/ TT-BYT, có hiệu lực từ 1/3/2018 của Bộ Y tế khiến nhiều người băn khoăn.

Thẻ căn cước và CMND sẽ song song tồn tạiNhững điểm đáng chú ý của Luật Căn cước công dân

Tại khu khám bệnh, Bệnh viện (BV) thị xã Hương Trà sáng 2/3 có khá đông bệnh nhân; trong đó có nhiều bố mẹ đưa trẻ nhỏ đến khám, lấy thuốc. Chị Nguyễn Thị Phương, (tổ dân phố 5, phường  Hương Xuân, Hương Trà) ngồi ở ghế chờ chia sẻ: “Cháu bị cảm sốt gần 3 ngày qua, tôi mua thuốc cho cháu uống nhưng thấy không đỡ nên đưa cháu đến BV nhờ bác sĩ khám tư vấn”. “Chị có mang theo giấy CNND để cung cấp thông tin cho cháu chưa?”. Tôi hỏi, chị Phương trố mắt: “Những lần trước, em chỉ mang theo BHYT của cháu thôi”. Băn khoăn về câu hỏi của tôi, chị thập thò tiến đến các phòng khám nội nhi…

Bác sĩ CK I Dương Vĩnh Hồng, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, BV Hương Trà, người tăng cường về khu vực khám bệnh cho biết, những ngày qua theo chỉ đạo Ban giám đốc, anh đã nghiên cứu kỹ Thông tư 52 của Bộ Y tế. Theo bác sĩ Hồng, trong sáng 2/3, hầu hết các phụ huynh đưa trẻ đến khám đều không mang theo CMND dù hơn tuần trước, BV đã niêm yết thông tin trên ở cổng và các cửa ra vào phòng khám, điều trị. Bác sĩ Hồng nói: “Từ 9h đến 10h sáng nay, tôi khám cho ba trẻ, khi hỏi số CMND để ghi vào đơn thuốc họ lắc đầu, nhiều phụ huynh băn khoăn. Tôi giải thích quy định mới, các phụ huynh mới thông cảm. Có trường hợp đã nhờ người thân đưa giấy CMND đến nhưng có trường hợp ở xa tôi phải viết đơn thuốc trước, sau đó yêu cầu phụ huynh bổ sung số CMND ngay trong ngày”. “Quy định của ngành đề ra phải thực hiện nhưng tôi thấy nó gây phiền hà cho phụ huynh”- bác sĩ Hồng nói.

Bác sĩ Nguyễn Thị Lành, Trưởng trạm Y tế phường Thủy Phương (Hương Thủy) chia sẻ, đơn vị đã tiếp cận Thông tư 52 của Bộ Y tế nhưng bản thân các bác sĩ khám bệnh cho trẻ cũng thấy băn khoăn.

“Hầu hết 100% trẻ dưới 6 tuổi được Nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí khi đến khám chữa bệnh (KCB). Nếu trẻ điều trị ngoại trú khi chi trả tiền tại hiệu thuốc cũng không cần thiết phải ghi thêm thông tin số CMND của phụ huynh, người giám hộ vào đơn thuốc hay sổ khám bệnh của trẻ”. Bác sĩ Lành nói:

Bác sĩ CK II Phan Xuân Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, BV Trung ương Huế cho rằng, việc ghi thêm số CMND của ba, mẹ hoặc người giám hộ khi kê đơn thuốc cho trẻ dưới 6 tuổi đối với các bác sĩ là việc làm không khó, nhưng lại tạo phiền hà cho phụ huynh. Việc này thực sự không cần thiết, vì ngay trong thẻ BHYT của trẻ đã thể hiện thông tin tên tuổi của ba hoặc mẹ, địa chỉ cư trú. Nếu trường hợp trẻ em ốm nặng, đột xuất, hoặc phụ huynh mất CMND, bác sĩ lại không kê đơn thuốc điều trị kịp thời cho trẻ sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, liên quan đến nhiều người.

Theo bác sĩ CK II Nguyễn Mậu Duyên, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế, kể từ ngày 1/3, tất cả các cơ sở y tế đồng loạt áp dụng Thông tư số 52 của Bộ Y tế. Đây là vấn đề được các ban ngành chức năng nghiên cứu khá kỹ và xin ý kiến các bên liên quan trước khi ban hành. Quy định này ra đời trước hết có ý nghĩa là đảm bảo tính chuyên môn trong việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả, giúp người bệnh tính được chi phí khám, chữa bệnh; đồng thời, thể hiện rõ tính pháp lý mối quan hệ giữa thầy thuốc và người bệnh trong cung cấp dịch vụ y tế. “Hiện nay, vẫn còn nhiều luồng ý kiến khác nhau về quy định mới này. Tuy vậy, khi nhận định một quy định mới đang đi vào cuộc sống có khả thi hay bất hợp lý không thể trong ngày một, ngày hai mà cần một quá trình. Quan điểm của tôi, nếu bất cập thì sửa chữa, bổ sung, nếu hợp lý thì tiếp tục duy trì thực hiện”- bác sĩ Duyên chia sẻ.

Trên VOV, trả lời báo chí về những thắc mắc xung quanh Thông tư 52, ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết. Việc ghi số chứng minh nhân dân là việc hoàn toàn cần làm để quản lý tốt việc kê đơn và bán thuốc theo đơn, đặc biệt là việc mua bán và lạm dụng kháng sinh đang diễn ra phổ biến hiện nay. Trong quá trình kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện những nhà thuốc không thực hiện theo quy định vừa nêu thì trước tiên, trách nhiệm thuộc về nhà thuốc, sau đó là  trách nhiệm của bác sĩ kê đơn.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục có những đánh giá, khảo sát để kịp thời bổ sung và hoàn thiện những bất cập nếu có.

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cử tri mong muốn các dự án luật sẽ mang mang tính đột phá cao

Hôm nay (23/10), Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc. Kỳ họp này sẽ diễn ra từ ngày 23/10 đến ngày 28/11/2023, được tiến hành theo 2 đợt, đợt 1: Từ ngày 23/10-10/11/2023; đợt 2: Từ ngày 20-28/11/2023. Trước kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri, qua đó nhiều tâm tư, nguyện vọng của cử tri được gửi gắm đến kỳ họp.

Cử tri mong muốn các dự án luật sẽ mang mang tính đột phá cao

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top