ClockThứ Năm, 29/12/2016 11:04

Giả danh cơ quan điều tra để lừa đảo

TTH - Tội phạm giả danh cơ quan điều tra lừa đảo qua điện thoại từng bước một đẩy nạn nhân vào “mê hồn trận”, rồi tăng dần cường độ tác động tâm lý khiến họ rơi vào tình trạng sợ hãi, mất tỉnh táo, chỉ biết làm theo những gì chúng hướng dẫn như một cái máy.

Suýt mất 700 triệu đồng

Theo hồ sơ điều tra, trưa ngày 12/12, trong lúc trông coi cửa hàng, bà Ph. (trú ở phường An Cựu, TP. Huế) nhận được điện thoại của một người lạ từ một người đàn bà nói giọng miền Nam. Người này tự xưng là cán bộ của một đơn vị thuộc Bộ Công an, đang điều tra một vụ án buôn bán ma túy và rửa tiền mà bà Ph. là người liên quan. Với những lời lẽ hù dọa, người đàn bà này yêu cầu bà Ph. chuyển vào tài khoản bà ta số tiền 700 triệu đồng để phục vụ công tác điều tra và chứng minh mình trong sạch, không liên quan đến vụ án. Bà ta hứa sau khi kết thúc điều tra “sẽ hoàn trả lại” số tiền trên và nếu bà Ph. không chuyển gấp thì chúng sẽ “xin lệnh bắt giam hai tháng”. 

Một lúc sau, một người nam nói giọng miền Bắc cũng xưng là cán bộ công an, nhắc nhở bà Ph. nhanh chóng chuyển tiền để “điều tra” và tiếp tục đe dọa “sẽ vào Huế bắt sớm”. Hoảng quá, bà Ph. liền ra ngân hàng gần nhà làm thủ tục vay số tiền 700 triệu đồng rồi chuyển vào tài khoản ngân hàng BIDV chi nhánh Hà Nội do một người đứng tên với nội dung “thanh toán tiền mua ô tô” như lời chúng yêu cầu. Nhận thấy có điều không ổn, về nhà được một lúc sau, bà Ph. đến công an báo cáo sự việc.

Công an TP. Huế đã liên hệ phối hợp hành động với Công an Hà Nội bắt giữ 2 đối tượng là nam giới khi chúng đang rút tiền từ tài khoản bà Ph. chuyển vào. Tổ công tác của Đội Cảnh sát Hình sự Công an TP. Huế đã ra Hà Nội để di lý các đối tượng trên vào Huế. Từ lời khai của các đối tượng và dữ liệu thu thập được, cơ quan Công an đã xác định ngoài 2 đối tượng trên còn có các đối tượng khác tạo thành một đường dây chuyên giả danh công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, 2 đối tượng này ở Lạng Sơn được một người thuê xuống Hà Nội để lập tài khoản rút tiền thuê cho người khác với tỷ lệ ăn chia rút 100 triệu sẽ được trả 1 triệu đồng. Sau khi có tài khoản ngân hàng và nhận được số tiền từ bà Ph, các đối tượng trên ra điểm ATM gần bến xe Mỹ Đình rút được 50 triệu đồng, số tiền còn lại phải đợi đến chiều sẽ vào ngân hàng rút tiếp thì bị bắt giữ. Cũng theo cơ quan công an, các đối tượng bị bắt chỉ mới là người rút tiền thuê, người đứng đầu đường dây này có thể là một đối tượng người Trung Quốc.

Hết sức cảnh giác

Theo thông tin từ Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, tại Hà Nội, cơ quan công an đang ghi nhận hàng chục lá đơn kêu cứu của người dân phản ánh bị chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng bởi các cuộc gọi giả danh. Các vụ việc có điểm chung chủ mưu đều là người nước ngoài song móc nối với người trong nước để thực hiện hành vi phạm tội. Đầu tháng 12/2016, Công an TP. Tân An, tỉnh Long An cũng đã bắt liên tiếp nhiều đối tượng người miền Bắc với hành vi giả mạo công an để lừa đảo người dân với hình thức như vụ việc ở Huế. Cơ quan điều tra nhận định, những đối tượng trong đường dây này biết lợi dụng lòng tin của người dân đối với lực lượng công an, bằng những thủ đoạn lấy pháp luật ra để hù dọa những người nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết như bà Ph. để lừa đảo số tiền lớn.

Theo điều tra bước đầu của Cục Cảnh sát chống tội phạm công nghệ cao (C50), về mặt kỹ thuật, những cuộc gọi dạng này đều có liên quan đến các tổng đài từ nước ngoài về Việt Nam, qua kết nối VoIP - một công nghệ cho phép truyền âm thanh thời gian thực qua băng thông internet và các kết nối IP. Để điều tra làm rõ một vụ lừa đảo qua điện thoại tốn rất nhiều công sức và thường chỉ bắt được nghi can ở trong nước, vì kẻ chủ mưu cầm đầu vẫn ở nước ngoài. Khả năng thu hồi tiền cũng khó khăn vì làm xong vụ nào, chúng đều chuyển tiền vào các tài khoản nước ngoài. Những người giúp sức chỉ được “hoa hồng” không đáng kể. Vấn đề là ý thức cảnh giác của người dân chưa cao, còn quá nhẹ dạ cả tin.

Cũng theo cơ quan công an, điều đầu tiên người dân cần biết là tất cả số điện thoại “fake” - (giả lập) theo số máy của cơ quan chức năng đều có thêm dấu (+) trước dãy số, vì chúng được thực hiện qua internet. nếu chỉ kiểm tra số máy gọi đến qua tổng đài 1080 sẽ không phát hiện được sự giả mạo này. Bởi vậy, khi có người tự xưng là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án… gọi điện đến hỏi việc thì người dân cần hết sức cảnh giác. Cần dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại và yêu cầu họ gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp lệ. Người dân tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không cung cấp số điện thoại riêng, số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai khi chưa biết rõ. cơ quan pháp luật không bao giờ thu thập những thông tin đó qua điện thoại. Nếu ai đó yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân thì phải hiểu ngay đó là bọn lừa đảo, vì cơ quan công an không có tài khoản mang tên cá nhân, cũng không bao giờ yêu cầu đương sự phải chuyển tiền để chứng minh mình vô tội.

Quy trình lừa đảo theo phương thức trên được thực hiện khá hoàn hảo gồm các bước: Khi đã lừa được “con mồi”, chúng cử tên khác trong nhóm gọi điện lại, xưng danh là cán bộ công an, viện kiểm sát hoặc tòa án ở tỉnh nào đó, rồi thông báo rằng họ bị nghi có liên quan đến hoạt động buôn bán ma túy, rửa tiền hoặc tham nhũng... Để phục vụ yêu cầu điều tra, họ phải hợp tác bằng cách khai rõ hiện có những khoản tiền đang gửi ở đâu, yêu cầu rút về nộp cho chúng. bằng cách gửi vào tài khoản cho sẵn. Chúng cho rằng, sẽ xác minh, nếu không liên quan thì sẽ hoàn trả tiền trong khoảng 1 đến 2 ngày. Trong quá trình “hợp tác điều tra”, cấm nói cho ai kể cả người thân biết. Nếu không chịu hợp tác và làm theo hướng dẫn sẽ bị xử lý về hình sự. Để khiến bị hại thực sự lo lắng, chúng đọc đúng mọi thông tin cá nhân và bảo họ cứ việc xác minh số máy gọi đến qua tổng đài 1080. Các nạn nhân đều kiểm tra và tổng đài xác thực đó đúng là số máy của cơ quan nội chính. Kỳ thực, chúng đã sử dụng phần mềm giả lập số điện thoại (giống hệt số máy của các cơ quan chức năng). Vì thế, nhiều người đã ngoan ngoãn làm theo hướng dẫn. Họ chỉ phát hiện ra việc mình bị lừa khi đã chuyển hết tiền vào tài khoản của bọn chúng.

THÁI BÌNH

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhượng quyền khai thác chợ như bán… “vịt trời”

Dù không phải quyền quyết định của mình nhưng một vị chủ tịch thuê đã thông tin gian dối và thẳng tay ký nhượng quyền khai thác chợ Phú Bài cho những người khác để lừa đảo số tiền hàng tỷ đồng.

Nhượng quyền khai thác chợ như bán… “vịt trời”
Mạo danh cán bộ công an để lừa đảo

Công an huyện Quảng Điền thông tin, đang vào cuộc điều tra một người mạo danh cán bộ Công an Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mạo danh cán bộ công an để lừa đảo

TIN MỚI

Return to top