ClockThứ Ba, 10/03/2020 09:53

Giá như

TTH - Ở quê, cô và ba, mẹ tôi có mối quan hệ tình cảm khăng khít, có chuyện vui thì chia sẻ, có khúc mắc trong lòng thường tâm sự, giải bày.

Vợ chồng cô ly hôn khi 2 con trai còn nhỏ. Đứa lớn ở với ba, đứa nhỏ ở với mẹ. Mỗi người nuôi một đứa nên không ai phụ tiền cấp dưỡng nuôi con cho ai. Khi đã lớn, con trai “phần” cô có thể tự đến nhà của ba chơi. Tương tự, con trai “phần” người bố có thể tự tìm đến thăm mẹ. Trong những dịp như thế, hai anh em gặp nhau, chuyện trò. Đến lúc trưởng thành, cả hai lấy vợ, sinh con. Và mỗi dịp lễ tết hoặc cúng giỗ ông bà, tổ tiên, họ đưa vợ con về nhà bố (hoặc mẹ) sum họp. Dù bố mẹ ai đi đường nấy, có cuộc sống riêng, nhưng con, cháu vẫn có mối quan hệ tốt với nhau, coi như cũng đáng mừng.

Đất nhà cô rộng, bề ngang gần 20 mét. Khi tuổi đã lớn, cô bảo sẽ cắt một diện tích đất, tách ra “sổ đỏ” riêng cho đứa cháu nội, con của người con trai cả (ngày trước được “chia” ở với bố). Phần diện tích đất còn lại, sau này cô đã “trăm tuổi” sẽ là tài sản của con trai út, người do cô trực tiếp nuôi dưỡng từ nhỏ.

Không ngờ, anh con trai út phản ứng gay gắt, không đồng ý với dự định của mẹ. Khi cô bảo, đây là tài sản của mình, muốn cho con hay cho cháu là quyền của cô, thì anh con trai út nổi xung. Anh này tuyên bố, bất cứ ai muốn lấy được miếng đất, trước tiên phải “bước qua xác” anh. Hôm cô nhờ người đến đo đất, xây cái hàng rào để tách miếng đất ra, anh con trai út cầm rựa rượt đuổi, khiến không ai dám mạo hiểm đến gần.

Theo anh con trai út, từ trước đến nay anh đã quen với việc bố không gửi tiền phụ mẹ, vì “phần” của bố là nuôi anh cả. Khi bố anh bán một phần đất, bố cho anh cả số tiền khá lớn, không cho anh đồng nào. Những điều đó khiến anh “mặc định” trong suy nghĩ, rằng bố nuôi anh cả, khổ anh cả chịu, sướng anh cả nhờ. Tài sản của bố, anh cả có quyền được hưởng, nên dù không được bố cho tiền từ việc bán đất, anh cũng đã không có ý kiến gì. Vậy thì tương tự, tài sản của mẹ, cũng chỉ mình anh có quyền được hưởng mà thôi. Bằng mọi giá, anh quyết ngăn cản việc mẹ cho cháu nội, con của anh cả, một phần đất.

Trước sự việc đó cô rất đau lòng. Nếu bây giờ cô vẫn tặng cho cháu nội một phần tài sản của mình, tất nhiên điều đó đúng theo quy định của pháp luật dân sự, được pháp luật đảm bảo về mọi thủ tục pháp lý. Thế nhưng với tình trạng của đứa con trai út, có thể tình anh em, chú cháu, ruột rà máu mủ sẽ bị cắt đứt, thậm chí xảy ra tranh chấp dẫn đến hành vi vi phạm về hình sự, làm tổn hại sức khỏe, tính mạng của nhau, như nhiều vụ án đã xảy ra.

Cô trách con, nhưng cũng giật mình, kiểm điểm lại cả bản thân và người chồng cũ. Không còn là vợ chồng, nhưng lẽ ra đối với các con, bố mẹ vẫn phải đủ đầy, thể hiện bằng sự quan tâm, yêu thương và cách hành xử công bằng trong mọi việc. Giá như cô và chồng cũ làm được điều đó, thì bây giờ đâu có xảy ra chuyện đau lòng, đáng tiếc này…

Duy Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khu vườn xanh tươi

Ngoài diện tích đã được dùng để xây dựng nhà, khoảnh đất nhỏ hiếm hoi, trồng ngò gai và hẹ.

Khu vườn xanh tươi
Điều không thể chấp nhận

Sự yên tĩnh của xóm nhỏ bị phá vỡ bởi tiếng quát tháo, vứt ném đồ đạc từ ngôi nhà giữa xóm.

Điều không thể chấp nhận
May mà…

Trưa nắng, đang vội vã chạy xe máy từ thị trấn Phú Đa (Phú Vang) đến xã Phú Xuân nằm trên địa bàn huyện này để kịp cái hẹn làm việc...

May mà…
Cô gái “giàu có”

Cô gái kể, hồi còn trẻ cha mẹ chồng vừa đi làm thuê làm mướn, vừa đổ mồ hôi trên mảnh vườn mới đủ nuôi các con khôn lớn trưởng thành.

Cô gái “giàu có”
Chuyện chị giúp việc

Việc gì chị giúp việc cũng làm nhanh nhẹn. Thế nhưng một lần tình cờ cô phát hiện, chiếc bàn chải cọ bình sữa vẫn khô nguyên chưa một lần thấm nước. Kiểm tra, cô thấy bình nước rửa cũng y nguyên chưa “bóc tem”.

Chuyện chị giúp việc
Return to top