ClockThứ Ba, 22/08/2017 05:56

Gia tăng người hưởng trợ cấp thất nghiệp

TTH - Người hưởng trợ cấp thất nghiệp gia tăng chưa phản ảnh được tình hình việc làm trên thị trường lao động. Bởi, các cơ quan quản lý vẫn chưa phát hiện kịp thời khi lao động có việc làm mới mà vẫn hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Lao động ở ngành dệt may hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều nhất (ảnh mang tính minh họa)

Lao động phổ thông nguy cơ mất việc cao

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, 7 tháng đầu năm, toàn tỉnh có trên 2.560 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 6,4% so với cùng kỳ. Họ có độ tuổi từ 25 đến 40, có sức khỏe, có kinh nghiệm, làm việc ở các ngành may mặc; chế biến - hóa chất - môi trường; nhà hàng - khách sạn - du lịch… Tuy nhiên, mỗi khi công ty, doanh nghiệp giải thể, thay đổi cơ cấu ngành nghề, có tới 64% lao động phổ thông không có tay nghề, kỹ năng làm việc bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Tại sàn giao dịch việc làm, anh Nguyễn Minh Hải (Vĩnh Ninh, TP. Huế) quyết định nghỉ việc sau 6 năm gắn bó với một doanh nghiệp chuyên về sản xuất điện tử có chi nhánh tại TX. Hương Thủy. Anh Hải cho biết: “Doanh nghiệp yêu cầu học thêm những khóa tập huấn, nâng cao trình độ, nhưng tôi không muốn. Tôi thích những công việc giao dịch bên ngoài, năng động hơn nên xin nghỉ việc. Tôi được hưởng trợ cấp thất nghiệp 6 tháng, mỗi tháng 2,5 triệu đồng. Dẫu số tiền chỉ bằng nửa mức thu nhập hàng tháng trước đây, nhưng cũng tạm giúp tôi trang trải cuộc sống trong thời gian tìm việc mới”.

Lao động ở ngành dệt may hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều nhất (ảnh mang tính minh họa)

Vẫn còn tình trạng, người lao động “đứng núi này, trông núi nọ” khi họ muốn thay đổi nơi làm việc tốt hơn. Tìm được việc làm ngay sau khi nghỉ việc ở công ty cũ, nhưng có người vẫn làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp. Theo quy định, người lao động chỉ cần đóng từ đủ 12 đến 36 tháng là được hưởng trợ cấp thất nghiệp 3 tháng. Trong khi mức đóng lại rất thấp nên không ít lao động không thất nghiệp thực sự vẫn đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Chuyện lao động nghỉ việc để hưởng trợ cấp đôi khi gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tìm nguồn lao động. Anh Nguyễn Văn Hạnh, chủ doanh nghiệp Đức Tín ở TP. Huế chia sẻ: “Công ty tôi có 30 lao động, chủ yếu có trình độ đại học. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, có 7 người xin nghỉ việc. Chúng tôi rất khó khăn khi không đủ thời gian để đào tạo lại. Thương lượng với lao động về cải thiện điều kiện làm việc, tăng chế độ lương, thưởng nhưng họ vẫn không đồng ý. Họ vẫn muốn làm thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp”.

Lao động vẫn chưa thích học nghề

Ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho hay: “Trong quá trình hưởng trợ cấp thất nghiệp, vẫn còn nhiều lao động khai báo chậm hoặc không đúng sự thật. Cơ quan bảo hiểm xã hội đã phát hiện một số trường hợp có việc làm, vẫn báo thất nghiệp. Tuy nhiên, việc ra quyết định chấm dứt trợ cấp thất nghiệp và thu hồi số tiền mà người lao động đã hưởng vẫn còn gặp khó khăn. Ngoài ra, vẫn còn một số lao động chưa hiểu rõ về điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc không thông báo trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị”.

Trong số 2.800 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp có 382 người (tăng 38%) được giới thiệu việc làm. Nhiều người do hoàn cảnh gia đình, ốm đau, thai sản nên muốn nhận trợ cấp thất nghiệp để chăn nuôi, buôn bán nhỏ. Tuy nhiên, 73 người (tăng gần 3%) được hỗ trợ học nghề vẫn là con số khá khiêm tốn. Chị Đỗ Thị Thu Phong, phường Phú Hiệp (TP. Huế), cho hay: “Tôi tốt nghiệp đại học chính quy ngành mầm non, xin vào dạy ở các trường công lập không được nên xin làm cho một trường mầm non tư thục. Hơn 6 năm làm việc, mức lương vẫn trên 3 triệu đồng/tháng nên tôi xin nghỉ việc và đang được hưởng trợ cấp thất nghiệp”. Chị Phong không muốn học nghề và đưa ra lý do: “Chính sách ưu đãi học nghề của Nhà nước dành cho người lao động bị mất việc làm là rất tốt, nhưng đăng ký học nghề mới thì tôi không có nhu cầu. Tôi có bằng đại học mà xin việc không được nói gì đến lớp học ngắn hạn vài ba tháng. Tôi vẫn hy vọng chờ đợi cơ hội đến với mình, từ nghề mình đã được học bài bản”.

Các doanh nghiệp phá sản thường nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nên những người thực sự thất nghiệp lại không được hưởng chính sách do không đủ hồ sơ. Trong khi, không ít đối tượng lại lạm dụng chính sách này để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thế nên, các ngành liên quan cần đánh giá lại hiệu quả việc đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm để người lao động trở lại thị trường sớm nhất.

Bài, ảnh: HUẾ THU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Báo động gia tăng tội phạm tuổi vị thành niên

Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương, số vụ thanh, thiếu niên phạm tội ngày càng gia tăng với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhận thức pháp luật kém, tâm lý đám đông, công tác quản lý của gia đình chưa chặt chẽ.

Báo động gia tăng tội phạm tuổi vị thành niên
Cuộc khủng hoảng rác thải điện tử toàn cầu đang gia tăng

Theo một báo cáo vừa được các cơ quan của Liên Hiệp Quốc (LHQ) công bố, rác thải điện tử trên thế giới đang tăng nhanh gấp 5 lần so với tốc độ tái chế rác thải điện tử được ghi nhận, làm trầm trọng thêm các mối nguy hiểm về môi trường và sức khỏe trên toàn thế giới.

Cuộc khủng hoảng rác thải điện tử toàn cầu đang gia tăng
Gia tăng nhu cầu lao động ngành logistics

Logistics đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nên nhân lực trong ngành này có xu hướng gia tăng, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài.

Gia tăng nhu cầu lao động ngành logistics
Return to top