ClockThứ Năm, 02/07/2020 11:05

Giá trị của hạnh phúc

Mái ấm không bạo lựcNgười giữ ấm…Chuyện tình yêu!

Vào “ngôi nhà” facebook của chị, người bạn rất thân thiết, đập vào mắt tôi là tấm ảnh chụp các thành viên trong gia đình, gồm vợ chồng chị, con trai lớn và con gái út, ai nấy đều cười rạng rỡ. Tấm ảnh này được đặt làm ảnh bìa, thay vì trước đây chị để trống. Thường thì ai cũng nghĩ, những gì người ta “khoe” lên mạng xã hội, chưa chắc đã thật. Nhưng bao nhiêu năm qua, từng chứng kiến thăng trầm trong gia đình chị, từng nghe chị trải lòng những tâm sự đẫm nước mắt, tôi hiểu những gương mặt rạng rỡ của các thành viên gia đình này đang “kể” về hạnh phúc rất thực, đã được xây dựng lại bằng sự nỗ lực, kiên định, cả sự tha thứ, bao dung...

Chị là công chức. Anh kinh doanh, làm ăn khá phát đạt. Ngoài ngôi nhà gia đình đang ở với đầy đủ vật dụng tiện nghi, anh chị tậu thêm được một mảnh đất tại khu vực khá trung tâm. Nhưng điều khiến tôi ngưỡng mộ nhất, là cách anh quan tâm, chăm sóc cha mẹ vợ, các em của vợ. Cha mẹ vợ làm nông ở quê, cuộc sống khá vất vả. Ngoài việc thường xuyên gửi “đồng quà tấm bánh”, anh lo luôn tiền học phí, chi phí sinh hoạt cho hai em trai của vợ trong những năm học đại học. Các em chị sau này có công việc ổn định, rất yêu thương, trân trọng anh rể. Hạnh phúc gia đình chị thật viên mãn.

Thế mà ngày nọ, chị kể trong nước mắt, rằng gần 3 năm qua, không biết vì lý do gì, anh “dính” vào cá độ bóng đá. Công việc làm ăn tan theo mây khói, anh vật vờ theo những trận đỏ đen. Mảnh đất đã “đội nón ra đi”. Ngôi nhà cũng đã thế chấp ngân hàng, nhưng nợ vẫn đeo đẳng vì anh không dứt ra khỏi cờ bạc.

Biết rằng nhiều người trót “mê” cờ bạc là không tỉnh nổi, nhà tan cửa nát, vào tù ra tội. Tôi thầm mong chị ly hôn, để cả gia đình không bị người chồng, người cha mất hết lý trí vì bài bạc dồn vào đường cùng thêm nữa.

Thế mà đến nay là hơn 10 năm, trong thời gian ấy, cũng biết bao lần tâm can giằng xé, thôi thúc chị ly hôn, nhưng cuối cùng tình thương, tình nghĩa đã “níu” lại. Chị bảo, nhớ đến những năm tháng anh hết lòng vun vén, chăm sóc gia đình, hiếu kính với cha mẹ chị, yêu thương, chăm lo các em của chị, chị lại không nỡ dứt áo, lại cho anh ấy thêm cơ hội. Cả mấy người em trai cũng khuyên chị như thế, đồng thời nhiều lần giúp phần nào kinh tế. Con trai lớn vừa học vừa cố gắng làm thêm, phụ giúp mẹ.

Anh cũng cố gắng bằng cách đi phụ xe đường dài. Công việc vất vả, tiền kiếm được khó khăn, anh biết, nhưng có lúc vẫn không “thắng” được cám dỗ, lại “nướng” vào tỷ số. Anh chuyển sang đi làm thuê cho một công ty tư nhân, tự nguyện yêu cầu họ chuyển lương tháng trực tiếp cho chị. Nhưng có lúc vẫn “nhớ”, vẫn tìm cách vay mượn, đỏ đen. Cho đến lúc cô con gái út quá chán nản đến nỗi bỏ học, lang thang với đám bạn lêu lổng. Chị lo sợ mất con, khóc lóc. Anh cũng thực sự sợ hãi. Cùng chị đi tìm con về, anh khóc, hứa với vợ con là dứt khoát từ bỏ cái xấu, để không trở thành tấm gương xấu, hủy hoại cuộc đời, tương lai con cái.

Anh làm được. Cô con gái út cũng thực hiện lời hứa với cha mẹ, trở lại học hành chỉn chu. Mấy năm nay anh “cai” hẳn đỏ đen, vùi vào công việc làm thuê vất vả, gầy hơn, đen hơn, nhưng nụ cười càng lúc càng tự tin, rạng rỡ. Nụ cười rạng rỡ đó “lây” sang gương mặt chị và các con, là hạnh phúc thực sự gia đình anh chị xây dựng lại được.

Có lẽ cũng như tôi, nhiều người từng nghĩ, đã dính vào ma túy hay cờ bạc thì coi như “xong”. Thế nhưng qua câu chuyện gia đình anh chị, tin rằng nếu bản thân người trót sa chân, nếu  thực sự và quyết tâm nỗ lực, người thân kiên nhẫn, đồng hành và bao dung, cộng đồng cho cơ hội, thì “bệnh nhân” chắc chắn sẽ được chữa khỏi, trở lại cuộc sống lành mạnh, có ích.

Duy Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lời nói dối yêu thương

Bà Tới đang cầm những tờ màu xanh lá trên tay đếm đi đếm lại đến hai lần rồi gói ghém cẩn thận vào bị áo, lấy ghim ghim lại. Số tiền này bà vừa mới đi vay của cô Minh tạp hóa gần nhà. Năm nay làm ăn khốn khó, mùa màng thất bát, vợ chồng bà lo lắng mấy tháng nay. Tiền đâu lo Tết, mua cho lũ nhỏ cháu ngoại bộ quần áo đẹp, rồi nạp học phí kỳ 2 cho thằng Bi…

Lời nói dối yêu thương
“Hạnh phúc cho em”

Sáng 16/3, hàng trăm phụ huynh và học sinh đã tham dự những hoạt động ý nghĩa trong chương trình “Hạnh phúc cho em” do Hội Bảo vệ Quyền trẻ em (BVQTE) tỉnh cùng Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp tổ chức.

“Hạnh phúc cho em”
Hạnh phúc khi đến với người nghèo

Ngoài 70 tuổi, bà Hồ Thị Châu, hội viên phụ nữ phường Xuân Phú, TP. Huế tự nhận mình là người hạnh phúc. Trên chiếc xe máy, ngày ngày bà vẫn miệt mài đi tìm và đến với người nghèo. Hơn 20 năm, bà vẫn muốn làm công việc thiện nguyện theo bà từ thời con gái. Bà Châu cũng là gương mặt phụ nữ tiêu biểu vì cộng đồng được Hội LHPN tỉnh tuyên dương năm 2023.

Hạnh phúc khi đến với người nghèo
Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân

Ngày ba mất, mắt mẹ buồn như cơn mưa mùa đông. Mẹ nhìn An như cây nhìn mưa, rũ rượi bên hông cửa. An lặng lẽ xếp từng chùm hoa giấy bỏ vào bao nilon. Năm nay không có tết rồi vì nhà cậu không ai buồn gắn những bông giấy nhỏ xinh để đem lên phố bán cho kịp người ta đưa ông Táo. Khi còn sống, ba An nói: “Cố mà giữ lấy nghề của tổ tiên. Ta không giàu vì những bông giấy Thanh Tiên mà giàu vì hồn quê, vì vốn văn hóa của một thời cha ông để lại”.

Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân
Tết muộn

Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng chài ven biển quanh năm đượm mùi tôm cá. Tết của những làng chài ven biển cũng không khác gì ở những nơi khác, có chăng chỉ là tuổi thơ của tôi gắn liền với những chuyến đi biển xa biền biệt của ba. Vì thời gian tết về thì ở chỗ chúng tôi cũng là lúc bắt đầu mùa cá. Khi ấy những người đàn ông sẽ dong thuyền ra khơi và có khi đi cả tháng trời mới về. Tết của chúng tôi khi ấy vừa là hòa vào không khí chung của ngày lễ cổ truyền, vừa là sự chờ đợi và cầu bình an cho những người chủ gia đình đang lênh đênh trên sóng.

Tết muộn
Return to top