ClockThứ Năm, 14/08/2014 13:52

Giá trị thương phẩm của thủy sản

TTH - Ngư dân Bình Định vui mừng và người dân cả nước cũng vui, khi lô hàng cá ngừ đầu tiên của Việt Nam, đánh bắt theo công nghệ mới, được đấu giá thành công tại Nhật Bản tuần qua, với giá bán cao gấp 4 lần so với thị trường tại Việt Nam.

Mỗi năm, Nhật Bản tiêu thụ khoảng 600.000 tấn cá ngừ đại dương. Đây là thị trường tiềm năng, đối với các nước có nghề đánh bắt cá ngừ như Việt Nam. Song, tại sao cá ngừ Việt Nam từ lâu không đứng chân được trên thị trường Nhật Bản? Nguyên nhân chính là do công nghệ đánh bắt, bảo quản cá ngừ lạc hậu, làm chất lượng cá giảm, không đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của người tiêu dùng Nhật. Bài toán này đã được tháo gỡ khi có sự hợp tác chuyển giao công nghệ đánh bắt của các chuyên gia Công ty CP đánh cá Nhật với ngư dân Việt Nam. Từ dụng cụ đánh bắt, khâu xử lý cá khi vừa mới bắt, đến khâu bảo quản… đều được đổi mới so với cách làm truyền thống.

Ở Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng có nhiều tiềm năng và thế mạnh về thủy hải sản. Ngoài cá ngừ đại dương và các sản vật được đánh bắt từ biển, Thừa Thiên Huế còn có hơn 5.754 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, với sản lượng bình quân hàng năm đạt cao. Quy hoạch phát triển thủy sản Thừa Thiên Huế đến năm 2015, sản lượng thủy sản đạt trên 19.000 tấn và đến năm 2020 đạt trên 24.000 tấn. Điều đáng quan tâm là người đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản thường phải đối mặt với tình trạng “được mùa, mất giá”. Nguyên nhân được cho là quy trình đánh bắt, nuôi trồng, bảo quản, chế biến cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm còn nhiều hạn chế.

Để thủy sản Thừa Thiên Huế thực sự phát huy hiệu quả thì ngoài việc học tập mô hình đánh bắt mới từ ngư dân Bình Định đã được phía Nhật Bản chuyển giao, các ngư dân nên sáng tạo từng bước chuyển đổi cách đánh bắt, bảo quản từ truyền thống sang hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường. Việc nuôi trồng, chế biến thủy hải sản phải tuân thủ nghiêm ngặt vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa dư lượng hóa chất có trong sản phẩm, từ nguồn nước, nguồn thức ăn. Phát triển nhiều nhà máy chế biến thủy hải sản ở nhiều địa phương, nhằm đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị thủy hải sản; đồng thời, có chính sách bảo trợ cho ngư dân, người nuôi trồng thủy hải sản, để họ chuyên tâm tạo ra những sản phẩm thủy sản có giá trị!

Đặng Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top