ClockThứ Tư, 24/02/2016 07:01

Giá xăng dầu giảm mạnh, cước vận tải chưa giảm

TTH - Chưa đầy 2 tháng, giá xăng điều chỉnh giảm 4 lần, nhưng giá cước vận tải trên địa bàn tỉnh vẫn chưa giảm.

Xăng dầu giảm giá nhiều lần, nhưng giá vé xe vẫn chưa giảm (hình chụp lúc 10h30 ngày 23/2/2016) 

Chưa có doanh nghiệp nào giảm giá

Từ 15 giờ ngày 18/2, xăng RON 92 giảm thêm 960 đồng/lít, đưa giá bán lẻ từ 14.710 đồng/lít về 13.750 đồng/lít. Đây là lần điều chỉnh giá xăng giảm lần thứ 4 trong thời gian chưa đầy 2 tháng đầu năm 2016. Như vậy, từ đầu năm đến nay, tổng cộng giá xăng đã giảm 2.650 đồng/lít, tương đương tỷ lệ giảm khoảng 16%; dầu diesel 0,05S giảm 2.400 đồng/lít, khoảng 20%. tuy giá xăng dầu giảm mạnh, nhưng đến ngày 23/2 trên địa bàn tỉnh chưa có một doanh nghiệp (DN) vận tải nào giảm giá cước.

Sáng 23/2, anh Nguyễn Văn Chương, ở TP Huế mua vé vào Đà Nẵng giá 55.000 đồng/vé. Anh Chương bức xúc: “Mấy ngày nay, nghe báo, đài nói ra rả về xăng dầu giảm giá, tưởng là giá vé cũng giảm nhưng sáng nay tới mua vé vẫn bán như giá cũ”. Tương tự, chị Phan Thị Hương, một hành khách mua vé từ Huế đi TP Hồ Chí Minh phản ánh: “Mặc dù, thời gian qua xăng dầu giảm giá liên tục, nhưng giá vé vẫn không giảm chút nào. Tôi mua vé đi TP Hồ Chí Minh giá vẫn 700 ngàn đồng/vé”.

Hành khách bức xúc khi giá xăng dầu giảm nhưng giá vé chưa giảm

 

Tìm hiểu DN vận tải Minh Phương, Phương Ty, Phi Long… tại Bến xe phía Nam, giá vé được các nhà xe bán theo giá cũ. Tương tự, các DN taxi cũng “làm ngơ” với việc giảm giá cước. Đến nay, các DN taxi vẫn giữ nguyên giá cước đối với các dòng xe nhỏ 4 chỗ là 6.900 đồng/km đầu tiên, từ km thứ 2 - km thứ 30 là 11.000 đồng/km, từ km thứ 31 trở đi là 9.000 đồng/km.

Các DN vận tải giải thích việc chưa giảm giá cước là, khi giá xăng tăng cao, cước taxi không tăng, nên đến bây giờ, khi giá xăng giảm, cước taxi vẫn chưa thể giảm ngay. Một số DN khác thì lấy lý do việc cài lại đồng hồ rất “phức tạp” và “tốn kém”, nên các DN này vẫn đang cân nhắc và chưa tính tới phương án giảm giá.

Theo tính toán, giá xăng dầu giảm tác động không nhỏ đến giá cước của các đơn vị kinh doanh vận tải, vì chi phí nhiên liệu trong giá thành vận tải đối với xăng chiếm từ 25 - 35%, chủ yếu là taxi; dầu chiếm khoảng 35 - 40%, chủ yếu là xe vận tải hành khách và hàng hóa. Vì thế, giá xăng dầu giảm, giá cước vận tải cũng phải giảm ở mức tương ứng.

Theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải, từ chiều 22/2, các DN phải tính toán giảm cước taxi và vận tải khách tuyến cố định. Trong tháng 2 phải công khai việc giảm cước vận tải ở tất cả các địa phương. Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Nguyễn Hồng Trường đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải cần khắc phục ngay những bất cập khi xây dựng thông tư mới thay thế Thông tư liên tịch 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT về hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ để làm sao quy trình kê khai giá phải đơn giản, không gây phiền hà, tốn kém cho DN. Một trong những nội dung phải sửa đổi là quy định mốc biến động nhiên liệu để điều chỉnh giá cước theo kiến nghị của DN vận tải.

Ông Phạm Xuân Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Huế cho biết, hiện ở Bến xe phía Bắc và phía Nam có hơn 50 DN vận tải, với gần 800 đầu xe hoạt động. Thời gian qua, xăng dầu giảm giá nhưng các DN vận tải còn chần chừ chưa giảm giá vé. Xăng dầu chiếm khoảng 25 - 35% trong chi phí vận tải, bởi thế, khi giá xăng dầu giảm, việc giảm giá cước vận tải là yêu cầu tất yếu và chính đáng. Nếu DN bán vé cao thì khách hàng không chấp nhận, nên DN phải tính toán kỹ để điều chỉnh khi giá xăng giảm”.

Mạnh tay xử lý các DN chây ỳ

Khi giá xăng, dầu tăng thì các DN vận tải thường tăng giá cước vận tải theo với lý do để bù lỗ, đảm bảo sản xuất kinh doanh… nhưng khi xăng, dầu giảm giá thì việc điều chỉnh lại giá cước luôn chần chừ và nhỏ giọt.

Việc giá xăng dầu giảm trong mấy đợt liên tiếp gần đây là cơ hội để giảm giá cước vận tải hàng hóa, xe khách đường dài; từ đó giá cả hàng hóa, sản phẩm cũng sẽ giảm theo. Tức người tiêu dùng không chỉ hưởng lợi trực tiếp từ việc giảm chi phí đi lại, mà còn gián tiếp hưởng lợi từ việc hàng hóa giảm giá. Vì thế, người dân không thể chấp nhận các DN vận tải chây ỳ, không chịu giảm giá cước.

“Giá vận tải hiện bao gồm nhiều chi phí, trong đó có chi phí xăng dầu, bến bãi, thuế phí. Mỗi lần tăng giảm giá cước, DN phải gửi báo cáo, kê khai, … đến các cơ quan chức năng và chờ các cơ quan này tính toán, cho phép. Quy trình rườm rà gây mất rất nhiều thời gian, chi phí của DN, chứ không phải ngày một ngày hai”- nhân viên một DN vận tải cho biết.

Ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng Quản lý vận tải và phương tiện (Sở Giao thông Vận tải) cho rằng, hiện hai Bộ Tài chính và Giao thông Vận tải yêu cầu các DN vận tải kê khai lại giá, tính toán chi phí đầu vào để giảm giá cước tương ứng. Mặc dù, chưa có văn bản chỉ đạo của cấp trên, song Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo Phòng Quản lý vận tải và phương tiện có văn bản nhắc nhở, yêu cầu các DN vận tải trên địa bàn tỉnh phải tính toán, đưa ra phương án giảm giá cước trong thời gian sớm nhất. Theo ông Hồng, nếu chỉ mong chờ DN tự động giảm giá rất khó. Do đó cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, cơ quan quản lý vận tải và quản lý giá cần phối hợp kiểm tra chặt chẽ, xử lý với các trường hợp chây ì không giảm giá cước.

Bài, ảnh: Thanh Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xăng tăng, dầu giảm

Sau phiên điều hành của Liên bộ Tài chính – Công thương, giá xăng dầu ở kỳ này có sự tăng giảm trái ngược nhau.

Xăng tăng, dầu giảm
Chạy đua triển khai hóa đơn xăng dầu:
Không sợ khó, chỉ sợ không công bằng - Bài 2: Tạo thói quen mua hàng lấy hóa đơn

Khó khăn là điều không tránh khỏi khi thực hiện một chính sách mới, song các doanh nghiệp xăng dầu đang nhận được sự đồng hành rất lớn từ chính quyền cũng như các đơn vị cung ứng giải pháp trong thực hiện chuyển đổi từ xuất hóa đơn một lần trong ngày sang xuất hóa đơn có mã của cơ quan thuế theo từng lần bán.

Không sợ khó, chỉ sợ không công bằng - Bài 2 Tạo thói quen mua hàng lấy hóa đơn

TIN MỚI

Return to top