ClockThứ Sáu, 04/03/2016 06:46

Giá xăng giảm, doanh nghiệp vận tải chưa động tĩnh

TTH - Mặc dù, giá xăng dầu liên tục giảm, cụ thể vào 15 giờ chiều 18/2, giá xăng giảm thấp kỷ lục với 13.750 đồng/lít RON 92, nhưng đến nay, chỉ có các đơn vị taxi giảm giá cước, còn các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa động tĩnh gì.

Giá xăng dầu giảm mạnh, cước vận tải chưa giảmGiá xăng giảm xuống mức thấp kỷ lục, lo cước vận tải không giảmHôm nay, giá xăng giảm 900 đồng/lít?

Hành khách hài lòng khi taxi đã giảm giá cước

 

Cước taxi giảm nhẹ  

Hiện, Thừa Thiên Huế có hơn 120 đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải với trên 2.000 phương tiện xe ô tô. Khi xăng dầu giảm giá mạnh, Sở Giao thông Vận tải có công văn yêu cầu các đơn vị rà soát lại chi phí đầu vào để xây dựng phương án giảm giá cước, song đến nay mới chỉ có các đơn vị taxi điều chỉnh giá cước, doanh nghiệp kinh doanh vận tải vẫn chưa động tĩnh gì.

Ông Hồ Hữu Cương, Phó Giám đốc điều hành Taxi Mai Linh Huế cho biết, Taxi Mai Linh  hiện đang có gần 200 xe ô tô tham gia hoạt động kinh doanh, ngay sau khi giá xăng trong nước giảm đơn vị rà soát, cân đối lại chi phí đầu vào và quyết định giảm cước ngày 26/2. Theo đó, xe huyndai i10 giá 11.000 đồng/km, từ km thứ 30 trở đi giá 9.000 đồng/km; hoặc xe Vios giá 13.500 đồng/km, từ km thứ 30 trở đi giá 10.000 đồng/km, giảm từ 300 đến 500 đồng/km. Sở dĩ, giá cước chỉ giảm nhẹ trong khi giá xăng đã giảm mạnh là do chi phí cho xăng chỉ chiếm khoảng 30% chi phí hoạt động trên mỗi đầu xe. Tuy giá xăng giảm sâu (xuống bằng mức giá của năm 2009) song các chi phí phát sinh khác như mức lương cơ bản cho lái xe, phí bảo trì đường bộ và phí cầu đường tăng gấp nhiều lần thời điểm đó.

Ông Nguyễn Tiến Đường, Giám đốc Công ty cổ phần Taxi TC Huế cho biết, sau đợt xăng dầu giảm giá mạnh, ngày 2/3 taxi TC Huế giảm giá cước từ 3 - 5%, tương đương 300 đến 500 đồng/km (tùy vào cơ cấu giá thành của từng dòng xe và giá trị đầu tư).

 Doanh nghiệp vận tải chưa động tĩnh

Ông Trần Sĩ Cuộc, Chủ nhiệm HTX ô tô Huế cho biết, xăng dầu luôn có những biến động và biến động rất nhanh, nhưng việc triển khai các thủ tục hành chính, kê khai để điều chỉnh giá phù hợp với sự biến động đó xem ra không dễ. Trong khi đó, để điều chỉnh giá cước vận tải phải được các cơ quan chức năng thẩm định, có thời gian in lại vé... Giảm giá vé là việc làm mà đơn vị chúng tôi luôn quan tâm, nhưng do thủ tục rườm rà nên thực hiện chậm.

Một số doanh nghiệp khác lại cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, mỗi lần giá xăng có biến động là ngành vận tải phải chịu trận. Việc các doanh nghiệp giảm hoặc không giảm giá cước là do phải tính phần bù chi phí hợp lý, thậm chí có doanh nghiệp chưa đủ để bù đắp dù xăng đã giảm sâu. Những lần trước xăng dầu tăng giá nhưng giá cước vận tải vẫn giữ nguyên để giữ chân khách hàng.

Đại diện Hợp tác xã Dịch vụ Vận tải Tiến Đạt cho biết, mặc dù  dầu giảm giá nhưng giá cước vận tải chưa giảm, vì hiện nay các đầu xe phải mua vé qua trạm thu phí rất cao; mỗi ngày 2 lượt đi và về tiền vé mất 150 ngàn đồng. Tuy nhiên, bù lại chi phí mua vé qua trạm thu phí các xe được sử dụng cơ sở hạ tầng giao thông được thông suốt, giảm chi phí nhiên liệu, hạn chế hao mòn…. 

Đơn cử, như một xe vận chuyển Clinker từ Nhà máy Xi măng Đồng Lâm về Cảng Chân Mây. Trước đây, Quốc lộ 1A còn chật hẹp, ổ voi, ổ gà, tốc độ chạy xe mất 2 giờ đồng hồ, tốn nhiều nhiên liệu… Từ khi Quốc lộ 1A được mở rộng, thời gian chạy xe giảm xuống còn 1,5 giờ. Nhờ vậy, xe chạy được tăng chuyến, mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp vận tải. Tương tự, anh Nguyễn Văn Quang, tài xế xe khách Huế - Đà Nẵng cho biết: Trước đây, một xe khách từ Huế đi Đà Nẵng mất 3 giờ đồng hồ, giờ đường đẹp chỉ mất hơn 2 giờ là đến nơi; làm lợi khoảng 1 lít dầu, lốp xe lâu mòn hơn… Để có lợi như vậy, chúng tôi phải mua vé qua trạm thu phí 75 ngàn đồng/lượt.

Ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng Quản lý vận tải và phương tiện (Sở Giao thông Vận tải) cho biết, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh chỉ các các đơn vị taxi giảm giá cước, các doanh nghiệp vận tải chưa có động tĩnh gì. Sở Giao thông Vận tải tiếp tục gửi các văn bản yêu cầu các doanh nghiệp vận tải rà soát lại chi phí và phải có hướng giảm giá trong thời gian tới.

Để đảm bảo quyền lợi cho người dân cũng như lợi ích của các doanh nghiệp khác, các đơn vị kinh doanh vận tải cần phải tuân thủ quy luật thị trường, điều chỉnh giá cước kịp thời khi biên độ giá xăng tăng hoặc giảm. Các cơ quan chức năng có liên quan cũng cần tiếp tục đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn các bước, thời gian hoàn thiện hồ sơ để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chủ động điều chỉnh giá theo quy luật thị trường.

Bài, ảnh: Thanh Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top