ClockThứ Hai, 31/12/2018 14:47

Giấc quê mơ vàng

TTH - Sa quay nhìn mẹ dưới bếp, nhớ quãng mùa đông năm nao đặt chiếc bàn học ở đó với bạn cho ấm.

Đáy giếngVết chàmBông sen đá

Ông Sanh rít khói thuốc lào, nhả khói, chậm rãi nói với Sa:

- Cha tính năm nay sẽ xây thêm chuồng không nhỡ con nái đẻ mẹ con nó chen chúc. Nuôi có quy hoạch theo phương pháp mới thì thu nhập hàng năm cũng đỡ, dần dà phát triển thêm… À, con qua mời ông Hợi đến uống nước ngon, ngấm rồi.

Sa quay nhìn mẹ dưới bếp, nhớ quãng mùa đông năm nao đặt chiếc bàn học ở đó với bạn cho ấm. Nhiều lúc khuya, mẹ nấu mấy củ khoai hay rang nắm lạc gác giàn bếp. Mẹ đang lo nồi rượu, nấu không trông lãi lời, chủ yếu lấy hèm cho lợn. Có hèm độn vào lợn cứ chùm chụp ăn. Mẹ Sa bắc thêm nồi cám trộn với rau muống thái nhỏ. Mấy con lợn ngửi thấy mùi cám chín là réo.

Sa theo lời cha đi mời hàng xóm qua uống nước, tiện thể rủ xóm trưởng Phiên lên đồng. Nhà Phiên có cái giếng rất trong, nước ngọt lừ. Để om chè, dùng nước đó là ngon nhất. Tết nhất người làng tới gánh nước từ hai nhăm, mỗi nhà phải trữ vài thùng.

Nhoáng đã thấy bóng ông Hợi đánh tiếng ngoài cổng. Ông lù khù như người thượng cổ mà mạnh bạo.

- Nghe nói anh mới tậu con nái, tui tới xem thử hình thù nó ra làm sao mà đắt đỏ thế. Những mấy tạ lúa.

- Cũng khác lợn mình thật. Ông ra xem…

Con lợn nái ông Sanh mua về nhỉnh và dài hơn lợn thường. Mặt nó nhăn nheo những nếp sâu.

- Chà... tướng tá phết nhỉ. Nó ăn uống thế nào anh? Chắc tốn kém lắm.

- Mới mua về ta cứ cho ăn theo đúng hướng dẫn của hợp tác xã là cám bột cao cấp, sau này sẽ tập nó quen dần với thức ăn rau cỏ tận dụng. Ăn sướng thì tốt thôi, nhưng như ông nói, tốn kém lắm. Giống này phải sạch sẽ, nền chuồng khô ráo. Trên họ bày cho đúc mấy tấm bê tông gác trên gạch, như thế lợn không bị thấp khớp. Ông thấy, nếu ta trải chiếu nằm giữa nền nhà ngủ, sáng dậy người oải hẳn, từ đó suy ra họ đúng.

Ông Hợi dùng tay đuổi con nái đi lại.

- Anh nói tui mới tiếc con nái năm sơ. Anh biết không, nó tách con vài hôm thì đau hai chân trước. Thêm vài ngày nữa không đứng nổi, phải quỳ ăn. Ăn cũng bỏ dần. Khoảng hai tuần như thế nó gầy mấy yến; thuốc gì cũng không bớt, tui lo quá chạy sang xã Hậu mời thú y về. Ông đó đã mấy mươi năm trong nghề chứ giỡn đâu, mà xem xong bảo “Thôi bán đi chú Hợi ơi. Tôi gặp trên dưới mười trường hợp như thế này rồi, con nào cũng bó tay!”

- Cái bệnh lạ quá nhỉ?

- Nghĩ tội con nái đẻ sáu lứa rồi nhưng cũng bán tháo vớt vát ít đồng...

- Tôi chưa hề biết đến bệnh đó. Ở lợn tôi chỉ mới gặp tụ huyết trùng là nặng thôi.

- Tụ huyết trùng dễ chữa, thuốc giờ chán loại tốt. Ùi, ùi... Con này mấy vú thế?

- Mười bốn, đạt tiêu chuẩn nái bậc cao đấy.

- Chà, dãy vú chắc quá, hồng hào nữa. Đúng còn trinh. Anh Sanh liều thật. Hôm nghe Hợp tác xã phổ biến tui cũng muốn vác một con về lắm nhưng cứ sợ. Bỏ ra mấy tháng lương chẳng may thành cục thịt, bà nó rầy la.

Ông Sanh cười hô hố.

- Ông dám cầm sổ hưu vay nợ ngân hàng góp tiền dựng lại đền làng, đó mới là hiệp sĩ. Chắc năm sau tôi cũng xin nhập hội các ông thôi.

*

Lũ trẻ chăn trâu bò và mấy đứa bứt cỏ đã có mặt trên đồng.

Nhìn chúng, Sa nhớ những ngày giá rét năm xưa, phải dậy sớm đi nhổ rau về cho lợn. Hai chị em núp giữa những luống khoai, dịch từng bước chân chứ không dám đứng dậy. Có hôm nhổ chưa được bao nhiêu cỏ, may thay bà Hợi cắt rau khoai về cho một rổ đầy. Mừng rơn. Hôm sau cha hạ mấy cây chuối non sắp trổ buồng xuống thái cho lợn.

Lập thu được ba hôm thì gió lạnh rồi mưa nhỏ phất phơ, sự sống trỗi dậy khắp cánh đồng.

Sáng nay Phiên dậy khá sớm, choàng thêm tấm áo, thắp lửa vào cái đèn chụp ra xem xét chuồng lợn chuồng gà. Hôm qua Phiên đã chặt lá chuối khô nẹp vào chuồng gà chống gió. Chuồng lợn cao, mưa tầm tầm như mấy ngày qua nước không lên thềm được. Phiên soi đèn. Lá bay vào chuồng rất nhiều, cả nhánh cây. Rồi Phiên ra sân thực hiện bài thể dục quen thuộc từ trong quân đội. Ngày rời quân ngũ Phiên không xác định bước tiếp theo. Chỉ nghĩ về sẽ giúp mẹ đẩy gánh phân ra đồng, gánh gánh lúa về. Chẳng hay “bị” bầu làm xóm trưởng. Nay lại… gặp Sa.

Phiên và Sa là hai người thăm đồng sớm nhất sau trận áp thấp. Dạo quanh đồng, ấn tượng khác lạ xâm chiếm Phiên. Ở quân đội, năm đầu nhớ quê cứ mong có phép vác ba lô về cho ra vẻ chàng trai trưởng thành. Đêm cuối năm đứng ngó trời mới thấy nhớ thấy thương. Loáng thoáng Phiên ước ao một cuộc sống gia đình êm thuận đón giao thừa cùng xóm thôn.

Phiên quý ruộng đồng quê hương từ thủa cầm dây chạy băng băng lấy đà cho diều tung cánh. Quý những trưa bơi trộm thuyền của ông chài xóm dưới. Tuổi thơ đầy nắng gió sống lại trong ngày mới. Cánh đồng cũng trẻ lại. Đất ruộng đồng quanh năm ngậm giọt mồ hôi của người nông dân rỏ xuống, đất thành linh hồn của tạo vật. Cũng lạ. Những vùng thấm máu từ thân thể người chiến sĩ, đất hút rất nhanh. Có lẽ đất hiểu dòng máu ấy quý nhường nào, đau thương nhường nào nên mới mau chóng giấu vào lòng vỗ về người ngã xuống... Chiến tranh, khắp các thôn làng đều có người lặng lẽ nằm lại với đất không tên tuổi. Phiên từng cùng tiểu đội tìm mộ liệt sĩ. Nhiều đồng chí hóa thân vào đất. Đất ấy linh thiêng. Đất ấy nhẹ như mây giữa lòng tay mà nặng tựa nghìn cân móc vào trí nhớ.

Trên cánh đồng, những thớ đất vặn mình phơi nắng. Đám ruộng nào cũng đã cày bừa, ngoại trừ số ruộng bỏ hoang. Ở biền vào mùa nước nổi, gặt xong độ tháng là lúa chét mọc tua tủa. Có lắm người đi mót, phần thêm thắt, phần cho gia súc ăn. Ai nuôi vịt sẽ lùa vào những đám ruộng đó, chúng cứ nhảy lên níu bông lúa mà truốt. Phiên nhìn những bông lúa đã trổ bói vẻ mãn nguyện.

- Em ạ, đợt này trổ bông nào là ăn chắc bông đó. Ấy, em cởi dép ra, ta sẽ lội vào khoảng trước mặt.

Nước ruộng làm Sa mát lạnh cả người. Phiên bước sau nhìn bàn chân thon thả và đôi gót trắng tinh mềm mỏng trong ngần như thạch bích của Sa.

- Kìa, ta rẽ qua bên này.

- Em muốn đi giữa nước thế này một chặp nữa.

- Cũng được. Nhưng em nhìn xuống với, không để anh đi trước cho, đoạn ruộng này không có kẹ, họ chỉ đóng cọc giăng dây, vấp ngã như chơi. Đây này - Phiên dùng bàn chân vén cỏ, một cái cọc tre đen sì lòi ra, - giẫm phải là toác chân liền.

Một con rắn trườn qua. Sa giật mình “ối” lên, hổn hển thở.

- Khiếp!

- Chỉ là rắn nước thôi, đừng sợ.

Đoạn nữa thì lộ ra một đám ruộng bỏ hoang.

- Ai lại bỏ ruộng thế này nhỉ?

Phiên trả lời Sa mà tâm trí để đâu đâu:

- Của ông bà Vân đấy. Bữa hôm cấy không kịp, trời lại nắng, đất khô mất.

Sa định trách: “Cái thằng T. chỉ biết ăn chơi chẳng giúp cha mẹ lấy một ngày” nhưng lại thôi, cũng chẳng hiểu tại sao. Còn Phiên không muốn chê trách một thanh niên trước mặt Sa. Hai người nhìn đám đất một chốc rồi bước.

Phiên nhìn bao quát cánh đồng. Rồi Phiên bảo Sa đi trước, Sa không muốn, thế là hai người ngang hàng. Một lúc, Sa tụt lại nhìn lén nửa khuôn mặt Phiên dưới ánh nắng sớm.

Mặt trời lên cao. Những bờ kẹ trên cánh đồng còn đẫm sương dưới bóng lúa. Khoảng thời gian này không ai lên đồng chăm sóc lúa nữa. Họ chờ thêm chút nắng là có vụ lúa bội thu.

Cả hai cùng về.

Phiên bước vào đường làng khít tán lá của cây bai bái, trái của nó lúc chín chim chúc mào rất thích. Xóm Cầu ngoài lùm Bù Lú còn nhiều lùm khác lau sậy. Không ai chặt phá. Lùm nào cũng nhiều hoa trập trội. Phiên nhớ một đêm, ra tới ngõ thì sững lại bởi mùi hương đậm ngắt của hoa trập trội. Phiên mơ về một đêm đặc biệt sẽ giấu hoa trập trội dưới gối tân hôn...

*

Sa về đến nhà thì… Rạp cưới đã nhộn người. Phục vụ nhạc mở băng cát sét: Trên đồng lúa vàng một bầy sơn ca; trên đồng lúa vàng chỉ mình đôi ta... Trai gái đến tuổi cập kê đua đòi từ các xã lân cận ùn ùn kéo đến. Gian bếp tạm phía sau nhà củi lửa nổ lách tách, tiếng chày quết chả thình thịch. Một cái nồi gần bằng thùng phuy sôi dữ dội. Tiếng con lợn réo rắt. Sa giật mình. Con lợn nái đáng thương. Con lợn nái là vốn liếng của gia đình Sa và nay nó đang khệnh khạng bụng bầu. Nó không thể hiến sinh cho đám cưới được.

Sa vùng dậy. Không thể. Ông Hợi, may quá, ông đang từ ngoài cổng đi vào, ông sẽ đến bên chiếc giường còn mới tinh đóng cho đôi vợ chồng son sắp sửa và lay Sa dậy… Nhưng, ông lại điềm nhiên ngồi uống nước ngon với cha Sa, bàn chuyện dịch mấy cái sắc phong ở đền làng.

Con lợn nái kêu thét như muốn xé màng nhĩ Sa. Nó đang bị trói… Sa cố vặn mình. Trong Sa hiện rõ hình dáng con lợn nái ăn no nằm kềnh ra nền xi măng mát mẻ. Hè vừa rồi về quê, cứ vài ba ngày một lần Sa lại xách nước xối sạch chuồng và tắm cho nó. Lại nhớ hồi chưa vào Nam làm ăn, Sa rất thích con lợn lưng gãy, oằn xuống lúc ăn no khiến bụng chạm nền. Còn con lưng dài, Sa ghét không vì dáng dấp nhác nhớn mà bởi tính tham lam, bữa ăn nào nó cũng táp con oằn lưng vào mồm vào má…

Choàng tỉnh, Sa mở mắt. Phiên cười. Sa không để ý, lật đật xỏ dép chạy ra chuồng. Con lợn nái ngước nhìn Sa, ụt ịt trong miệng. Ở nhà trên, ông Hợi và cha đang ngồi uống nước ngon, cứ như giữa hai người đã thành thông gia, thân thiết lắm. Mà Sa đã hứa gì với Phiên đâu… Sa chập chờn giữa mộng và thực. Sa chưa phân biệt được rõ giữa một đám cưới vừa chớm xảy ra trong giấc mơ trưa và “ông” xóm trưởng Phiên còn đứng ở cửa bếp nhìn mình, ánh mắt là lạ. Sa nhẹ lời gọi mẹ ơi, rồi vào thẳng buồng, lục đáy tráp lấy con heo đất no cằng. Sa đã nhét vào bụng nó bao nhiêu tờ bạc sau mấy năm làm công nhân trong Nam, tính tết này sẽ “đỡ đẻ” cho nó.

Ra sau góc bếp, Sa cầm cây rựa, trở song gõ nhẹ lên đầu con heo đất. Nó nhìn Sa, như xin ban phước. Giữa lúc tiếng con lợn nái kêu đói phá chuồng sôộng soạng. Rồi tiếng ông Hợi:

- Lúc nào con nái đẻ anh Sanh bảo cái Sa đến báo tui liền nghe.

- Nhất định rồi. Ông yên tâm, tui không bán cho ai vội. Mà để cho luôn thằng Phiên một cặp vừa đực vừa nái để chúng nó làm vốn ra riêng.

Sa buông con dao đứng dậy. Bóng Phiên theo cha khuất dần ngoài ngõ. Lòng Sa rạo rực. Hạt nắng rớt xuống mặt con heo đất ngồ ngộ. Sa ôm nó lên giường nhẹ nhàng nằm xuống. Giấc mơ, sẽ lại về…

NHỤY NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giấc quê có nắng hanh vàng

Đêm quê thanh vắng lạ kỳ. Cánh cửa sổ vừa mở toang, luồng gió xa xăm lùa vào. Gió nhắc tôi nhớ về bụi tre cạnh góc nhà ngang, mỗi đêm trở mùa nhánh tre cào mái nhà nghe như một sinh thể đang đánh thức những niềm sâu kín nơi miền hoang sơ.

Giấc quê có nắng hanh vàng

TIN MỚI

Return to top