ClockThứ Tư, 14/12/2016 06:06

Giải bài toán tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

TTH - Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), môi trường là một trong năm tiêu chí khó thực hiện nhất, với nhiều nguyên nhân từ cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính, lẫn ý thức người dân… Đó cũng là lý do đến nay chỉ có khoảng 50% số xã trên toàn tỉnh đạt tiêu chí này.

Yêu cầu ngày càng cao

Về tiến độ thực hiện chương trình xây dựng NTM, đa phần các địa phương đều kêu khó về tiêu chí môi trường. Xã Dương Hòa, TX. Hương Thủy dù đã được công nhận đạt chuẩn NTM, nhưng lãnh đạo địa phương vẫn đang lo việc duy trì bền vững tiêu chí môi trường, bởi việc thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt chưa được đảm bảo, trong khi đó, lượng rác thải ngày càng gia tăng. Xã Hương Toàn, TX. Hương Trà cũng đang gặp khó với tiêu chí môi trường vì chưa thể giải quyết được ô nhiễm từ làng nghề nấu rượu Dương Sơn và làng bún Vân Cù… Đó chỉ là 2 trong số gần 50 xã trên toàn tỉnh đến nay vẫn chưa đạt tiêu chí môi trường vì nhiều lý do khác nhau.

Tiêu chí nước sạch khó đạt đối với nhiều địa phương, nhất là các xã vùng cao

Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020, tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm (tiêu chí thứ 17) có nhiều nội dung được bổ sung rõ ràng và chặt chẽ hơn. Theo ông Phạm Quyền, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh, một số nội dung trong tiêu chí “mở” hơn. Trước đây, nước thải khu vực nông thôn phải được thu gom, xử lý theo quy định, nhưng nay chỉ giới hạn đối với khu dân cư tập trung. Hoặc, thay vì nghĩa trang phải được xây dựng theo quy hoạch thì nay quy định rõ hơn là được giao địa phương thực hiện phù hợp quy định và theo quy hoạch, điều kiện thực tế…

Chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, chăn nuôi, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch… trước đây vốn đã chặt chẽ thì nay càng chặt chẽ hơn. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong gia đình cũng như ở các cơ sở sản xuất kinh doanh là rất cần thiết, song rất khó quản lý, vì việc sản xuất không tập trung, khó theo dõi suốt quá trình sản xuất. Trước đây, nếu chăn nuôi, hộ dân chỉ cần làm biogas là đạt, nhưng nay điều này chưa đủ, mỗi hộ chăn nuôi phải xử lý nước thải riêng. Chỉ tiêu nước sạch lại càng khó đạt hơn khi tỷ lệ được nâng lên trên 50% và 80% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, nhất là đối với các xã vùng cao ở 5 xã của huyện Nam Đông và hầu hết các xã ở A Lưới.

Vừa thách thức, vừa là động lực

Ông Phạm Quyền cho rằng, môi trường là 1 trong 4 tiêu chí cơ bản trong bộ tiêu chí về xây dựng NTM (thu nhập, việc làm, hộ nghèo, môi trường). Môi trường khu vực nông thôn hiện khá phức tạp. Do sự phát triển nhanh của các cụm công nghiệp, làng nghề, trong khi hạ tầng không đáp ứng kịp, nên nhiều nơi đã nảy sinh ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, việc xử lý các hộ sản xuất gây ô nhiễm vẫn còn bất cập, chưa có chế tài, quy định cụ thể đối với đối tượng này.

Tuyên truyền, huy động người dân ra quân thu gom vệ sinh để môi trường xanh - sạch - đẹp

Vấn đề thu gom, xử lý rác thải ở nhiều nơi vẫn chưa ổn. Việc thu gom rác từ các hộ gia đình đã và đang làm, nhưng ý thức người dân chưa được đồng đều, chưa được thực hiện liên tục. Một số địa phương tuy phát động ra quân làm sạch vệ sinh môi trường, song vẫn còn mang tính hình thức và chưa đến nơi đến chốn.

Trước những bất cập tồn tại, cũng như nội lực có hạn, các địa phương cần xây dựng cơ chế xã hội hoá nguồn lực, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, trong đó có lĩnh vực môi trường như thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt, chăn nuôi, các mô hình sản xuất, chế biến sạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhất là cần chú trọng đầu tư công nghệ xử lý rác thải để giải quyết vấn nạn rác thải ở khu vực nông thôn đang còn nhiều bất cập hiện nay. Tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm khá mới mẻ, do đó, từ đơn vị cấp tỉnh đến cơ sở cần tập trung hướng dẫn, đồng thời tăng cường tuyên truyền đi kèm quản lý hiệu quả.

Việc sửa đổi, bổ sung Bộ tiêu chí NTM ở cấp xã, trong đó có tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm vừa là thách thức, nhưng đây cũng là động lực, là cơ hội để bộ mặt nông thôn khởi sắc. Qua đó sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; đảm bảo môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp hơn... Nói như ông Phạm Quyền, vấn đề là các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; cần tận dụng mọi cơ hội, thế mạnh và ưu tiên đầu tư theo hình thức đối tác công- tư (PPP) để thực hiện thành công chỉ tiêu nước sạch, xử lý chất thải.

HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Đây là cảm nhận không chỉ riêng chúng tôi vừa trở lại xã Phong Sơn - địa phương cuối cùng của huyện Phong Điền vừa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới
Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn
Góp phần xây dựng cổng trường an toàn

Hình ảnh nhiều phụ nữ, đoàn viên thanh niên, cựu chiến binh tổ chức kẻ vẽ nơi đậu xe cho phụ huynh trước các cổng trường được nhiều người tấm tắc khen. Dù chỉ là những việc làm nhỏ, nhưng góp phần làm cho cổng trường thực sự là nơi an toàn đối với học sinh.

Góp phần xây dựng cổng trường an toàn

TIN MỚI

Return to top