ClockThứ Ba, 10/01/2023 14:53

Giải bài toán ùn tắc giao thông giờ cao điểm

TTH - Gần đây, tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT) thường xuyên xảy ra trên địa bàn TP. Huế, nhất là vào giờ cao điểm. Đây là vấn đề mà các cơ quan chức năng tỉnh đã và đang tính đến. Vậy đâu là giải pháp giải quyết căn cơ vấn nạn này?

Tuân thủ luật, giảm ùn tắc giao thôngHạ tầng giao thông TP. Huế: “Chiếc áo” đã chật

Lực lượng cảnh sát giao thông ra quân đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

Tắc ở… ý thức

Tại TP. Huế, cùng với sự phát triển nhanh phương tiện tham gia giao thông (GT), tình trạng UTGT cục bộ vào giờ cao điểm ở các nút giao trên địa bàn ngày càng nghiêm trọng. Vào giờ tan tầm, nếu lưu thông trên đường rất dễ dàng cảm nhận được tình trạng UTGT trên các tuyến đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ; các nút giao ở bắc cầu Dã Viên, cầu Nam Giao, cầu An Cựu… Bên cạnh đó, tình trạng đậu đỗ xe không đúng quy định đã làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông (ATGT).

Theo khảo sát, đánh giá của các cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng UTGT là do ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện, cộng với sự gia tăng lượng phương tiện cá nhân đã góp phần dẫn đến sự gia tăng tình trạng UTGT. Phương tiện GT cá nhân tăng nhanh, tỷ lệ đất dành cho GT, tỷ trọng vận tải hành khách công cộng còn thấp; việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác tổ chức, quản lý, điều hành, giám sát GT còn chậm và thiếu đồng bộ là nguyên nhân chính xảy ra tình trạng UTGT trên địa bàn TP. Huế.

Việc UTGT xảy ra, bên cạnh những nguyên nhân do hệ thống cầu, đường chưa tương xứng với tốc độ phát triển đô thị và lượng người tham gia GT; những bất cập về hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, việc phân luồng GT, thì nguyên nhân quan trọng dẫn đến ùn tắc là do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia GT, nhất là những người điều khiển xe ô tô, xe máy.

Thời gian qua, ngành chức năng đã tổ chức phân luồng GT trên một số tuyến đường, lực lượng Cảnh sát GT Công an TP. Huế đã triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để góp phần giảm thiểu UTGT như: bố trí các tổ cảnh sát GT làm nhiệm vụ điều hòa, hướng dẫn GT tại những nơi thường xảy ra UTGT; tăng cường tuyên truyền Luật GT đường bộ và kiến nghị đến các cơ quan chức năng để giải quyết những bất cập về hạ tầng GT. Đồng thời, tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ATGT, nhất là vi phạm các lỗi đi không đúng làn đường, phần đường; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của vạch kẻ đường.

Xây dựng đô thị đa chức năng

Theo Giám đốc Sở GTVT Lê Anh Tuấn, ATGT và UTGT là hai vấn đề khó của nhiều đô thị trên cả nước. TP. Huế cũng không nằm ngoài dòng chảy đó. Ở TP. Huế đã có dấu hiệu tắc đường, đặc biệt vào giờ cao điểm khi trời mưa, ùn tắc trên nhiều tuyến. Do vậy, để giải quyết bài toán UTGT cũng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. “Có giải pháp ngắn hạn, có giải pháp trung hạn, có giải pháp trong dài hạn. Có giải pháp không tốn kinh phí, có giải pháp cần ít kinh phí, nhưng cũng có giải pháp cần nhiều kinh phí”.

Lực lượng chức năng khảo sát chống ùn tắc nút giao bắc cầu Dã Viên

Theo ông Tuấn, trước hết, với chức năng là cơ quan tham mưu UBND tỉnh về lĩnh vực GTVT, Sở GTVT tiếp tục quan tâm về công tác quy hoạch. Về quy hoạch GTVT tỉnh, từ năm 2015 tỉnh đã điều chỉnh quy hoạch GTVT tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, hiện nay vẫn còn hiệu lực và đang nghiên cứu cập nhật, bổ sung tích hợp vào quy hoạch tỉnh.

Về quy hoạch đô thị, theo Giám đốc Sở GTVT, cần có những đô thị tập trung để thuận lợi cho việc tổ chức GT công cộng; cần xây dựng những đô thị đa chức năng, đa dụng. Ví dụ như đô thị đại học, sẽ ưu tiên cho giảng viên, sinh viên ở ký túc xá đi bộ trong quãng đường ngắn đến trường học; đô thị khu công nghiệp, ở đó có nhà cho chuyên gia, công nhân ở và đi bộ sang chỗ làm việc… Tất cả các giải pháp này chung quy lại là hạn chế việc di chuyển ko cần thiết trên đường làm tăng lượng người, lượng phương tiện tham gia GT, tránh UTGT, nhất là giờ cao điểm.

Được biết, hiện nay tỉnh đang ưu tiên các giải pháp trong ngắn hạn, không dùng ngân sách, như xã hội hóa đầu tư xe buýt. Đáng chú ý, hiện nay tỉnh ta có xe buýt Huế - Đà Nẵng; xe Phương Trang đã xã hội hóa hoàn toàn. Theo tính toán, kinh phí 2 loại này cộng lại cũng gần 100 tỷ đồng, Nhà nước không bỏ tiền ra nhưng vẫn có sản phẩm phục vụ người dân đi lại.

“Cùng với đó là giải pháp tốn ít kinh phí. Hiện Sở GTVT đang triển khai đề án tổ chức GT cho khu vực trung tâm và vùng phụ cận, trong đó có phân luồng 1 số loại xe, tổ chức GT lại một số nút GT, điểm giao. Sở GTVT đã nghiên cứu xong, đang lấy ý kiến các sở, ban, ngành, địa phương, người dân và tiếp thu, giải trình, đồng thời đang trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt để có cơ sở triển khai” - ông Lê Anh Tuấn thông tin.

Ngoài những giải pháp trên, cần tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền các cấp, các đơn vị chức năng trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT, giải quyết UTGT. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về GT, nâng cao ý thức cho người tham gia GT, từng bước xây dựng văn hóa giao thông văn minh, mới đẩy lùi được tình trạng UTGT như hiện nay.

Theo số liệu từ Sở GTVT, hiện toàn tỉnh có hơn 44.000 phương tiện ô tô các loại đang hoạt động; trong đó, ô tô con 26.255 chiếc, ô tô khách 1.890 chiếc, ô tô tải 14.366 chiếc, ô tô chuyên dụng 515 chiếc và 883 phương tiện khác. Trong đó, riêng từ đầu năm 2022 đến nay số lượng xe tăng thêm khoảng 5.000 ô tô mới các loại. Dự báo đến hết 31/12/22 tổng lượng xe trong tỉnh khoảng 44.500 ô tô.

Bài, ảnh: THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

DỰ ÁN TUYẾN ĐƯỜNG BỘ VEN BIỂN:
Bàn giao toàn bộ mặt bằng trước tháng 6/2024

Dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An (TP. Huế) đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), tiến độ thi công trên công trường, nhằm hoàn thành công trình vào tháng 3 năm 2025.

Bàn giao toàn bộ mặt bằng trước tháng 6 2024
Đảm bảo an toàn giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Ngày 29/2, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh cho biết, sau hơn 3 ngày rà soát hiện trường tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đoàn công tác gồm đại diện lãnh đạo Khu Quản lý đường bộ II (Bộ Giao thông Vận tải); Cục Cảnh sát Giao thông CSGT (Bộ Công an); Ban ATGT và các phòng ban chức năng tỉnh, cùng Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh… thống nhất các giải pháp bổ sung, điều chỉnh tổ chức giao thông trên tuyến.

Đảm bảo an toàn giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

TIN MỚI

Return to top