ClockThứ Sáu, 10/12/2010 09:18

Giai điệu và lời ca đẹp như một bài thơ

TTH - Huế không chỉ đẹp bởi cảnh sắc thiên nhiên sơn thủy hữu tình hòa quyện với kiến trúc kinh thành, đền đài, lăng tẩm rêu phong cổ kính, mà còn đẹp bởi dáng dấp của nữ sinh với những tà áo trắng vờn bay trên cầu Trường Tiền, đẹp cả những câu ca, điệu lý bồng bềnh trôi dọc dòng Hương, đẹp cả phố phường tươi thắm những sắc hoa, đẹp cả những cánh đồng nồng nàn hương lúa mới... Cảm xúc trước tất cả những vẻ đẹp thân thương và gần gũi đó, nhạc sĩ Thái Quý đã viết nên ca khúc “Huế mãi trong tôi” mà giai điệu và lời ca đẹp như một bài thơ vậy.
Chân dung nhạc sĩ Thái Quý

Bài hát “Huế mãi trong tôi” nguyên khi sáng tác (1987) được nhạc sĩ Thái Quý đặt tên là “Bài ca gửi Huế”. Nhưng sau đó, khi bài hát được yêu thích và công bố rộng rãi, không biết ai đã đổi tên thành “Huế mãi trong tôi”. Từ đó, cái tên “Huế mãi trong tôi” đã phổ biến trên khắp các phương tiện truyền thông đại chúng và trên các sân khấu hội diễn chuyên nghiệp cũng như văn nghệ quần chúng trên toàn quốc. Nhưng dù là “Bài ca gửi Huế” hay “Huế mãi trong tôi” thì bài hát này cũng thể hiện rất rõ tính cách và tình cảm của nhạc sĩ Thái Quý. Bởi ông là một người rất đa cảm và có trái tim luôn tràn ngập tình yêu với thiên nhiên và con người, đặc biệt là với thiên nhiên và con người xứ Huế.

Nghe bài hát “Huế mãi trong tôi”, có thể cảm nhận rất rõ điều đó. Nhưng sự thành công của một tác phẩm âm nhạc không phải chỉ ở tình cảm mà là sự kết hợp của rất nhiều yếu tố: Từ trình độ học thuật âm nhạc, kỹ thuật vận dụng và xử lý hòa thanh, khúc thức đến khai thác và phát triển chất liệu dân ca, viết ca từ v.v... Đó là chưa nói đến trình độ phối khí, hòa âm của dàn nhạc đệm, trình độ biểu diễn của ca sĩ thể hiện, và cuối cùng là gu âm nhạc, trình độ thẩm mĩ và thưởng thức của người nghe. “Huế mãi trong tôi” dường như đã hội tụ đầy đủ các yếu tố đó. Nó được viết nên bởi một trình độ học thuật rất bài bản, chỉn chu đến từng câu nhạc, từng nốt kết lửng, kết câu, kết đoạn; tác giả sử dụng chất liệu âm nhạc mới nhưng đã khai thác những cung bậc dân tộc một cách rất tinh tế, đặc biệt là chất dân ca miền Trung, tạo cho giai điệu một vẻ đẹp vừa mới, hiện đại nhưng vẫn phảng phất âm hưởng dân tộc với sự lắng đọng, da diết, tạo nên một chiều sâu rung cảm đặc biệt cho ca khúc.
Mặc dù được viết rất chỉnh với phong cách cổ điển và xây dựng một cao trào rất đẹp vào phần cuối, nhưng xét toàn cục về hình thức âm nhạc, “Huế mãi trong tôi” không tuân thủ theo một hình thức âm nhạc nhất định, mà được tác giả viết theo thể tự do với sự đối xứng của các cặp câu nhạc. Đây cũng là một thủ pháp sáng tác được nhiều nhạc sĩ khai thác để phá cách, tạo nên nét mới cho ca khúc. Phải chăng vì vậy, giai điệu của ca khúc trở nên bồng bềnh dàn trải như chính dòng chảy mượt mà của Hương Giang trong xanh, như một câu thơ nổi tiếng của Thu Bồn: “Con sông dùng dằng con sông không chảy, sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”.            

Bản gốc "Tình yêu gửi Huế"
Nhạc sĩ Thái Quý quê ở Nghệ An, lấy vợ Quảng Bình nhưng sinh sống rất lâu năm ở Huế. Ông nguyên là ca sĩ của Đoàn Văn công Quân khu III. Những năm kháng chiến ác liệt, ông chuyển vào Đoàn Văn công Quân khu IV. Sau giải phóng, nhạc sĩ Thái Quý giải ngũ, chuyển về giảng dạy âm nhạc tại Trường đại học Nghệ thuật Huế (nay là Học viện âm nhạc Huế), rồi làm chuyên viên văn nghệ của Nhà Văn hoá Lao động Bình Trị Thiên. Chia tỉnh, ông ra quê vợ làm cán bộ chỉ đạo nghệ thuật cho đoàn ca múa Quảng Bình. Khi nghỉ hưu, ông quay trở lại sống ở Huế và mất tại Huế khi vừa bước sang tuổi 71 (1933-2003). Sinh thời, nhạc sĩ Thái Quý đã viết rất nhiều tác phẩm cả khí nhạc và thanh nhạc. Thời chiến tranh, ông có nhiều ca khúc rất ấn tượng như “Nữ du kích Trị Thiên đánh xe tăng”, “Hà Tĩnh trên đường chiến thắng”, “Quảng Bình đánh rất hay”, “Cánh võng Trường Sơn”, “Khúc hát trên tiền tiêu Tổ quốc” v.v... Thời bình ông nổi tiếng với nhiều ca khúc trữ tình như “Tình ca nơi phố nhỏ” (phổ thơ Xuân Hoàng), “Qua đèo Ngang” (phổ thơ Bà Huyện Thanh Quan), “Chân trời mới”, “Khúc ca bình minh” v.v... Nhưng đặc biệt và ấn tượng sâu sắc nhất vẫn là ca khúc “Huế mãi trong tôi”.
 
Ca khúc “Huế mãi trong tôi” đã đạt giải thưởng lớn của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhưng điều đáng kể hơn là ca khúc này sau gần 30 năm ra đời vẫn luôn được vang lên trong các chương trình ca nhạc lớn, các hội thi, hội diễn nghệ thuật, cả chuyên nghiệp và văn nghệ quần chúng ở Thừa Thiên Huế cũng như trong khu vực và trên cả nước. Cho dù nhạc sĩ Thái Quý đã đi xa, nhưng sức sống lâu bền của “Huế mãi trong tôi” như vậy cũng đủ để lưu giữ mãi hình ảnh và tình yêu Huế của ông trong lòng những người yêu nhạc và yêu Huế.
 
 
“Huế mãi trong tôi” còn thể hiện một sự đan cài tài tình, hòa quyện giữa âm nhạc và lời ca đầy hình ảnh và chất thơ, chan chứa một tình yêu tha thiết với Huế, tạo nên một giai điệu trong sáng, tươi trẻ, tràn đầy sức sống mà cũng rất trữ tình, đằm thắm, gợi cảm, và đặc biệt đưa đến cho người nghe một cảm giác thân thương, gần gũi để tin yêu, mến mộ. Có lẽ với bất kể một người nào yêu nhạc và yêu Huế, khi nghe bài hát này đều không thể không thổn thức nhớ về Huế với những kỉ niệm đẹp của một thời tuổi trẻ, chan chứa tình yêu và đầy mộng mơ.
 
 
Nguyễn Vĩnh Anh
 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nặng lòng với nghiệp diễn

Với nhiều nghệ sĩ, việc được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật và với nghệ sĩ trẻ danh hiệu ấy trở nên cao quý, thiêng liêng hơn trong hành trình chinh phục, cống hiến, tiếp tục theo đuổi đam mê.

Nặng lòng với nghiệp diễn
23 năm nhớ Trịnh Công Sơn

Kỷ niệm 23 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1/4), nhiều hoạt động âm nhạc được tổ chức để tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa. Ngoài âm nhạc, gia đình cố nhạc sĩ chuyển hướng sang các hoạt động tưởng nhớ thiết thực, ý nghĩa hơn.

23 năm nhớ Trịnh Công Sơn
Đón Tết muộn

Dịp tết Nguyên đán, nhiều chương trình nghệ thuật được tổ chức để mang đến cho mọi người không khí vui tươi của năm mới; trong đó, không thể không nói đến sự cống hiến của các nghệ sĩ. Biểu diễn xuyên Tết phục vụ khán giả, năm nào họ cũng đón Tết muộn.

Đón Tết muộn
Sỹ Thiên và niềm đam mê nhạc cụ truyền thống

Yêu thích và đam mê thổi sáo từ những ngày còn bé, chàng trai trẻ Đào Bá Sỹ Thiên (sinh năm 1999) đã miệt mài gắn bó với loại nhạc cụ truyền thống này của dân tộc hơn 5 năm nay. Tiếng sáo du dương, bay bổng của Thiên đã để lại nhiều dấu ấn ngọt ngào trong cảm xúc người nghe.

Sỹ Thiên và niềm đam mê nhạc cụ truyền thống

TIN MỚI

Return to top