ClockThứ Năm, 13/04/2017 05:36

Giải pháp bền vững cho hàng rong

TTH - Đang thời điểm ra quân đảm bảo trật tự đô thị nên hiện nay, hàng rong trên địa bàn TP. Huế nói chung và tại các điểm “nóng” đã giảm mạnh. Tuy nhiên, về lâu dài, cần giải pháp cho loại hình kinh doanh này.

Cầu chợ Bến Ngự trước đây là điểm nóng hàng rong, nay sạch, đẹp    

Vỉa hè đã thông thoáng

Thời điểm hiện nay, tại các điểm “nóng” như khu vực Đại Nội, xung quanh Bệnh viện Trung ương Huế, đường Đặng Văn Ngữ, Mai Thúc Loan, khu vực cầu Bến Ngự, cầu An Cựu..., tình trạng hàng rong đã giảm mạnh, đường sá, vỉa hè thông thoáng, “sạch” hẳn.

Khu vực Bệnh viện Trung ương Huế, trên tuyến đường Ngô Quyền, trước đây hàng rong “dày đặc”, nay chỉ còn lác đác. Một số ít người bán hàng rong trước các cổng trường tiểu học  như Vĩnh Ninh (đường Ngô Quyền), Quang Trung (đường Nguyễn Huệ) cũng e dè “né” xa cổng trường, khác hẳn tình trạng “nhộn nhịp” trước đây. Các tuyến đường Phan Đình Phùng (đoạn bên hông chợ Bến Ngự), Đặng Văn Ngữ (đoạn bên hông chợ An Cựu), đường Đạm Phương, Thân Trọng Một (bên hông chợ Tây Lộc)... trước đây “nóng” tình trạng buôn thúng bán bưng, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường khiến giao thông luôn tắc nghẽn, thì nay được trả lại sự thông thoáng. Ban đêm, vào giờ bến thuyền du lịch Tòa Khâm (đường Lê Lợi) hoạt động tấp nập, không còn cảnh người bán hàng rong chèo kéo du khách. Hàng rong giảm hẳn. Còn một số ít, người bán có ý ngồi gọn vào một góc.

Một phụ nữ lớn tuổi bán thơm, xoài, ổi bày tỏ, lực lượng chức năng làm “căng” nên việc buôn bán khó khăn. Chị chỉ dám bày mấy thứ trái cây. Các loại nước uống vẫn cột sau yên xe, có ai hỏi mới lấy ra bán. Phải “sắp xếp gọn gàng” như vậy để... chạy cho lẹ. Theo quan sát của chúng tôi, trên địa bàn TP. Huế nói chung và tại các điểm “nóng”, “nạn” hàng rong giảm hẳn. Tuy nhiên, vẫn còn một số người cố  “bám” vỉa hè, mặt đường, khi thấy lực lượng chức năng là “rút lui”. Điều này cho thấy, nếu lơi lỏng, tình trạng hàng rong lấn chiếm lòng đường vỉa hè có thể sẽ “đâu lại vào đấy”...

Nhiều người cho rằng, khi không còn những gánh hàng rong, vỉa hè thông thoáng, sạch sẽ. Phố xá ngăn nắp, đẹp hẳn lên. Thích điều đó, nhưng cũng có điều gì tiếc nuối, vì họ không còn được thực hiện thú vui nhẩn nha ăn hàng, những món hàng rong dân dã, hợp với túi tiền. Mong rằng vừa đảm bảo thông thoáng vỉa hè vừa sắp xếp được chỗ cho hàng rong . Nhưng chắc chắn lúc đó phải có những quy định chặt chẽ, còn người bán hàng rong, người ăn hàng phải có ý thức và thực hiện nghiêm túc.

Cần giải pháp bền vững

Theo ông Lê Văn Phiệt, Đội quản lý đô thị: Thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy Huế về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn TP.Huế giai đoạn 2016-2020” kết hợp Kế hoạch ra quân của Công an tỉnh về đảm bảo trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn tỉnh năm 2017, UBND TP. Huế triển khai kế hoạch ra quân đảm bảo trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn  thành phố, chia làm 4 đợt (từ 3/4 đến 15/ 11 năm 2017). Kết quả đạt được như hiện nay là nhờ các lực lượng kết hợp tuyên truyền, vận động, kiểm tra, xử lý vi phạm một cách đồng bộ, thường xuyên, liên tục, kiên quyết chứ không “đánh trống bỏ dùi”. Bí thư, Chủ tịch, Công an của từng phường phải chịu trách nhiệm chính trên địa bàn. Lực lượng quản lý đô thị và Cảnh sát trật tự TP. Huế thường xuyên tăng cường về các phường trọng điểm như các phường Vĩnh Ninh, Phú Hòa, Phú Hội, Thuận Thành, Phú Thuận...; các điểm nóng như khu vực Đại Nội, khu vực Bệnh viện Trung ương Huế, đường Lê Quý Đôn, đường Bà Triệu, đường Hùng Vương...

Tuy nhiên, để giải quyết hàng rong nói riêng, đảm bảo trật tự đô thị, trật tự công cộng nói chung một cách lâu dài, bền vững, cần có những giải pháp bền vững. Do đó, UBND TP chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND các phường khảo sát đề xuất các tuyến đường có vỉa hè rộng, không có nhà dân và các khu vực đất công cộng có thể cho thuê kinh doanh các dịch vụ theo khung giờ và cam kết bảo đảm vệ môi trường, trật tự văn minh đô thị. Đồng thời, sẽ nghiên cứu phương án cho tổ chức, cá nhân có đủ năng lực đấu thầu và đầu tư hạ tầng theo quy hoạch ở các khu vực do UBND TP. Huế chọn, để tổ chức cho thuê kinh doanh, từng bước hình thành các tuyến phố mua sắm, ẩm thực về đêm; tuyến phố ăn sáng vỉa hè đảm bảo điều kiện về trật tự, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị theo quy định, phục vụ nhu cầu của du khách và Nhân dân thành phố. UBND TP. Huế chỉ đạo các cơ quan chức năng khảo sát, đề xuất địa điểm hợp lý để tạo điều kiện cho các trường hợp có hộ khẩu ở thành phố hoạt động kinh doanh, buôn bán vỉa hè, hàng tự sản tự tiêu đã tồn tại lâu năm quanh các chợ, bệnh viện, trường học, nơi công cộng... có nơi mua bán tạm thời, đảm bảo ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ cho những hộ gia đình, cá nhân do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn phải “đeo bám” ở các điểm du lịch...làm sinh kế, nhằm tạo điều kiện cho họ chuyển đổi nghề nghiệp, không vi phạm trật tự đô thị để vừa đảm bảo văn minh đô thị, vừa giải quyết được vấn đề sinh kế của người dân thì mới giải tỏa bế tắc một cách triệt để.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ gìn hình ảnh du lịch Huế: Mạnh tay nhưng cần sự chung tay

Huế được biết đến với một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn nhưng đâu đó vẫn còn tồn tại nhiều “con sâu” làm rầu môi trường du lịch. Những vụ việc "chặt chém", "chèo kéo" khách làm du lịch Huế mất điểm trong mắt du khách, dù đã được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý kịp thời. Sự kiên quyết, mạnh tay từ chính quyền địa phương và ngành du lịch thôi là chưa đủ, muốn giữ gìn hình ảnh du lịch Huế, rất cần sự chung tay từ các cấp, ngành, người dân.

Giữ gìn hình ảnh du lịch Huế Mạnh tay nhưng cần sự chung tay
Đầu tư gần 152 tỷ đồng xây dựng tuyến đường đô thị mới La Sơn

Sáng 6/4, lãnh đạo huyện Phú Lộc thông tin, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, huyện Phú Lộc đang triển khai xây dựng dự án (DA) tuyến đường đô thị mới La Sơn (Lộc Sơn) với kinh phí gần 152 tỷ đồng. DA giao trách nhiệm cho BQL Đầu tư Xây dựng khu vực huyện Phú Lộc làm chủ đầu tư.

Đầu tư gần 152 tỷ đồng xây dựng tuyến đường đô thị mới La Sơn
“Năng lượng” mới

Cuối tuần này sẽ diễn ra hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch đô thị chung Thừa Thiên Huế đến năm 2045, định hướng đến năm 2065. Đây được xem là dấu mốc trong hành trình xây dựng Thừa Thiên Huế khởi đầu một giai đoạn phát triển bền vững với chiến lược đánh thức nguồn “năng lượng” mới.

“Năng lượng” mới

TIN MỚI

Return to top