ClockChủ Nhật, 20/01/2019 14:37

Giải pháp căn cơ

TTH - Đồng thời với việc bố trí nơi mua bán cần phải tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ thói quen đi chợ, mua hàng vỉa hè, lòng đường.

“Đô thị tới, đô thị tới!...”- Tiếng hô truyền tai, mấy chị bán bông trái, rau củ, cá mú trên lề cầu, vỉa hè hò nhau chạy. Xui xẻo cho chị nào luống cuống không chạy kịp thì hàng hóa bị đô thị tịch thu cho lên xe chở về trụ sở chờ xử lý. Chị nào chị ấy mặt mày méo xẹo, năn nỉ như khóc để mong được tha, hoặc may ra được cho lại món gì hay món đó. Một số người ngang qua chứng kiến, cho rằng người buôn bán không biết luật lệ nên mới vi phạm; rằng lực lượng quy tắc đô thị quá... “vô hậu”, “không thương người nghèo”... Thậm chí còn tung lên mạng để “xỉa xói” này nọ tưng bừng loạn xị.

Nhưng có thật là lực lượng quy tắc đô thị “vô hậu”? Có thật là người buôn bán không biết, không hiểu luật lệ? Chỗ làm việc gần một ngôi chợ nên tôi biết, mỗi tháng, có tới... mấy chục dạo đô thị phải xuất hiện chấn chỉnh nạn chiếm dụng lòng lề đường để buôn bán. Thoạt đầu là nhắc nhở, nhưng sau đó thì mạnh tay hơn, tịch thu bàn ghế, bảng hiệu, thau mủng, hàng hóa... để xử lý. Cứ mỗi lần như vậy là như ong vỡ tổ, là í ới gọi nhau tất tả “di tản”, là van nài kêu khóc xin xỏ, thậm chí có trường hợp gây gổ, thách thức lực lượng chức năng. Vậy nhưng sau đó, gần như lập tức khi lực lượng chức năng rút đi, đâu lại hoàn đấy. Vậy thì không thể nói là người mua bán không biết luật lệ, không nắm thông tin. Còn những người làm công tác đô thị, họ được chính quyền giao trách nhiệm như vậy, công việc như vậy, nếu không làm nghĩa là không chấp hành nhiệm vụ được phân công; làm không xong, nhẹ thì bị phê bình, nặng thì bị kỷ luật. Bởi thế nên nhiều khi thấy họ phải chốt quân mà giữ, và việc phải nặng tay cũng là chẳng đặng đừng. Nặng như thế, quyết liệt như thế mà quay lưng là chợ vẫn lại họp trên cầu, trên đường, huống gì là nhẹ? Cho nên cũng đừng trách...

Lấn chiếm lòng đường vỉa hè là phạm luật, là ảnh hưởng quyền lợi của khách bộ hành và gây mất an toàn giao thông, làm xấu xí bộ mặt đô thị, đồng thời là một cách cạnh tranh không lành mạnh, không công bằng với bà con tiểu thương đấu lô buôn bán trong các chợ. Suy cho cùng ấy là một “tệ nạn” cần phải đấu tranh, dẹp bỏ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do: Ý thức tự giác quá kém; chế tài xử phạt không đủ răn đe đối với người vi phạm; do đời sống của người buôn bán vỉa hè thực sự quá khó khăn, túng quá sinh liều; do trong đời sống quá nhiều người thích tiện, chỉ muốn tạm dừng xe, dừng chân là mua được hàng, lười vào chợ, dẫn đến có cung ắt có cầu... Nạn lấn chiếm lòng đường vỉa hè bởi thế cứ tồn tại dai dẳng. Lực lượng chức năng buộc phải làm việc, đẩy đuổi, xử lý liên tục, nhưng rồi mọi thứ vẫn cứ như “con kiến leo cành đa...”. Chưa kể việc làm này thực tế gây ra cảm giác chẳng hay ho gì, dễ bị suy diễn, xuyên tạc...

Để xử lý câu chuyện một cách có căn cơ, chúng tôi thiển nghĩ, có mấy việc cần phải tiến hành một cách đồng bộ. Thứ nhất là cần khảo sát tìm hiểu và giải quyết chỗ buôn bán để đảm bảo cuộc mưu sinh cho các đối tượng. Chỗ mua bán đó có thể là một góc chợ, hoặc là một khu đất trống phù hợp nào đó. Giá thuê được ưu đãi, hoặc là giảm, hoặc là miễn tùy theo hoàn cảnh. Khi đã được tạo điều kiện về chỗ mua bán rồi, sẽ không còn lý do “vì này, vì nọ” nữa để mà lấy cớ vi phạm.

Đồng thời với việc bố trí nơi mua bán cần phải tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ thói quen đi chợ, mua hàng vỉa hè, lòng đường. Cần thiết phải bổ sung điều này vào quy định bắt buộc đối với cán bộ, công viên chức, người lao động tại cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang. Những đối tượng này cần phải nêu gương trước tiên bởi một thực tế đây luôn là lượng khách hàng đáng kể cho các gánh hàng vi phạm. Một khi không có cầu thì cung tất cũng sẽ tự teo rồi tự tiêu.

Điều tiếp nữa là tăng mức chế tài xử phạt. Phạt nghiêm, xử nặng và thật ráo riết đối với cả người bán lẫn người mua. Kinh nghiệm đời sống cho thấy, nếu pháp luật nghiêm khắc, vi phạm sẽ giảm ngay và giảm sâu. Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền, siết chặt thêm, nặng thêm đối với một hành vi trơ lì và gây ức chế, phản cảm trong xã hội thiển nghĩ cũng là điều nên làm.

Đó là những giải pháp mà theo chúng tôi là mấu chốt, là căn cơ để xử lý tận gốc vấn đề.

THƯỢNG BÍCH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tìm giải pháp để sân khấu Việt 'cất cánh'

Nếu như năm 2022, sân khấu Việt có sự tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ cả về lượng và chất, sang năm 2023, sân khấu Việt lại có phần ảm đạm. Đâu là lý do của tình trạng này và làm thế nào để sân khấu Việt "cất cánh" trong những năm tiếp theo là một “bài toán khó” mà những người yêu sân khấu đang nỗ lực tìm lời giải.

Tìm giải pháp để sân khấu Việt cất cánh
Đề xuất giải pháp hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội

Tại hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội diễn ra ngày 16/3, Bộ Xây dựng đã kiến nghị nhiều giải pháp để đảm bảo mục tiêu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024.

Đề xuất giải pháp hoàn thành 130 000 căn nhà ở xã hội

TIN MỚI

Return to top