ClockChủ Nhật, 11/05/2014 05:31

Giải pháp cho nền nông nghiệp hiện đại

TTH - Trong khi rác thải và các phụ phế phẩm trong nông nghiệp ở nhiều vùng nông thôn đang quá tải, ảnh hưởng đến cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường thì tại Hương Chữ (thị xã Hương Trà) lại trở thành nguồn nguyên liệu chế biến thành phân bón vi sinh giúp cải thiện môi trường và giảm chi phí sản xuất cho nông dân.

“Sản xuất phân vi sinh từ rác thải hữu cơ” là dự án mà Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội triển khai tại phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà năm 2013. Với số vốn hỗ trợ là 300 triệu đồng, 65 hộ gia đình trên địa bàn phường xây dựng mô hình sản xuất phân bón vi sinh từ các phế, phụ phẩm nông nghiệp. Dự án đã mang lại nhiều kết quả khả quan trong việc tạo ra phân vi sinh thay thế cho loại phân bón vô cơ mà bà con vẫn dùng trong sản xuất.

Cán bộ hướng dẫn kỹ thuật cho người dân

Trước đây khi thu hoạch vụ mùa xong, người dân trong vùng thường đốt rơm rạ và các phụ phế phẩm nông nghiệp ngoài đồng gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người. Từ khi dự án về tập huấn cách thức biến rác thải thành phân bón, thói quen ấy dần thay đổi. Họ bắt đầu tận dụng lượng phế phẩm nông nghiệp ủ thành phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây trồng, vừa tăng độ phì nhiêu cho đất, vừa tiết kiệm một khoản chi phí lớn cho gia đình. Nhờ vậy, sản lượng rau màu ngày càng tăng, thu nhập của bà con nhờ vậy cũng tăng từ 10 triệu đồng/sào lên 15 triệu đồng/sào. Đặc biệt, cây mướp đắng cho trái sai hơn và thời gian thu hoạch cũng dài hơn.

Việc sử dụng thành phẩm phân bón hữu cơ vi sinh để bón cho cây trồng sẽ làm tăng năng suất cây trồng từ 20% đến 50%, hạn chế được sâu bệnh, cải tạo, tăng độ tơi xốp và màu mỡ cho đất. Về mặt kinh tế, nếu sử dụng phân hoá học và thuốc trừ sâu thì chi phí cho mỗi vụ là 250 ngàn đồng/sào, còn bón phân hữu cơ vi sinh từ rác thải chỉ tốn 25 ngàn đồng chi phí hoá chất ngâm ủ. Nếu hạch toán đầy đủ các chi phí nguyên vật liệu, công lao động, dụng cụ… bình quân một tấn phân hữu cơ vi sinh thành phẩm, người nông dân tiết kiệm được hơn 1,1 triệu đồng.

Anh Hà Văn Hương, Bí thư Đoàn phường Hương Chữ nhớ lại: “Những ngày đầu thực hiện mô hình sản xuất phân hữu cơ, mỗi đoàn viên phải đến từng gia đình vận động mọi người cùng tham gia. Lúc đầu không ít người hoài nghi, thậm chí không tin tưởng. Tận mắt thấy phân bón thành phẩm chất lượng tốt nên nhiều hộ cũng học hỏi làm theo. Dự án đã kết thúc nhưng người dân vẫn tiếp tục thu gom rác và phụ, phế phẩm nông nghiệp để sản xuất phân. Theo thống kê, còn trên 40 hộ trong dự án vẫn duy trì sản xuất phân, chưa kể nhiều hộ khác ngoài dự án cũng học theo và tiến hành sản xuất. Đường làng ngõ xóm giờ sạch đẹp hơn nhiều”.

Ông Hà Cảnh Hòa, phường Hương Chữ là một trong số 64 hộ thực hiện dự án cho biết: Gia đình có 1 sào đất trồng rau canh tác quanh năm, luân canh các loại xà lách, rau húng, rau thơm mỗi năm 3 - 4 vụ; ngoài ra, còn có 5 sào đất luân canh lạc - mè nên nhu cầu sử dụng phân bón rất cao. Chỉ tính riêng diện tích trồng rau, mỗi năm gia đình phải chi phí gần 2,5 triệu đồng tiền phân bón. Còn hiện nay, với nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, như: phân chuồng, rơm rạ, chỉ cần đầu tư thêm 1 gói chế phẩm vi sinh, 5kg vôi bột, 2kg supe lân và 1kg ure ủ cho 1 tấn nguyên liệu hữu cơ là có đủ lượng phân bón cho một vụ rau. Mặc dù không còn được sự hỗ trợ kinh phí từ dự án như trước đây, nhưng với những kiến thức được tập huấn, nhiều hộ dân vẫn duy trì sản xuất phân vi sinh theo phương pháp, này góp phần bảo vệ môi trường tại địa phương.

Anh Lê Quang Tiến, cán bộ dự án thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội cho hay: Mục tiêu dự án hướng đến là bảo vệ môi trường và tạo ra nguồn phân bón vi sinh thay thế dần cho phân bón hóa học giúp người dân tăng thu nhập và tiết kiệm chi phí sản xuất. Vì thế, sau khi dự án kết thúc nhiều người dân tại phường Hương Chữ vẫn tiếp tục thực hiện và nhân rộng mô hình. Nhiều hộ ở các địa phương khác cũng đến tìm hiểu và thực hành tại nhà. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho dự án.

Bên cạnh lợi ích kinh tế đem lại, việc sử dụng các chế phẩm sinh học để sản xuất phân bón từ rơm rạ và rác thải sẽ tận dụng sản phẩm dư thừa sau thu hoạch; tiết kiệm chi phí và tạo thói quen cho người dân không đốt rơm rạ sau thu hoạch góp phần bảo vệ môi trường, tăng độ phì cho đất và nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng…

Bài, ảnh: Hoàng Loan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội Nông dân (HND) các cấp đã giải ngân, tổ chức nhiều dự án (DA) sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân
Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng phát triển của nền nông nghiệp nói chung và ngành nông nghiệp tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, với chi phí đầu vào đắt đỏ và đầu ra vẫn còn chưa phổ dụng thì cần có chính sách kích cầu cho doanh nghiệp, cá nhân tham gia.

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao

TIN MỚI

Return to top