ClockThứ Ba, 17/11/2015 17:27

Giải pháp cho xử lý rác thải nông thôn

TTH - Tuy tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom xử lý toàn tỉnh đạt khoảng 65-70%, nhưng tỷ lệ rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn được thu gom xử lý đúng quy định hiện chỉ đạt khoảng 45%.

Cần những giải pháp đồng bộ để việc thu gom xử lý rác thải nông thôn được duy trì có hiệu qu

Rác hiện hữu khắp nơi

Theo thống kê sơ bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường, tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom xử lý trên toàn tỉnh đạt khoảng 65-70%. Riêng khu vực trung tâm huyện lỵ, thị trấn, thị tứ, có nơi tỷ lệ này đạt đến 90%. Song vì có sự chênh lệch khá lớn về đầu tư hạ tầng, phương tiện, giao thông đi lại, đội ngũ thu gom…, nên tỷ lệ rác thải được thu gom xử lý ở khu vực nông thôn chỉ đạt 45%. Cũng theo báo cáo của Chi cục Phát triển Nông thôn, hiện số xã được thu gom rác thải sinh hoạt đạt khoảng 65%. Tỷ lệ này tuy vượt trước thời gian 1 năm so với chỉ tiêu Chương trình Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường đề ra, nhưng vẫn còn thấp so với mục tiêu phấn đấu năm 2015, có 75% đến 85% số xã nông thôn trên địa bàn tỉnh được thu gom rác thải sinh hoạt.

Rác thải hiện diện nhiều nơi ở vùng nông thôn

Rác thải sinh hoạt thực sự đang là điểm nóng ở nhiều vùng nông thôn. Không chỉ dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, mà xen lẫn trong khu dân cư, những bãi đất trống, lượng rác và bãi rác lộ thiên xuất hiện ngày càng nhiều. Tại các xuồng chứa rác, bãi rác tạm, do lâu ngày mới được đưa đi xử lý, hoặc trong khâu “nhận rác” không tiến hành thu gom triệt để, nên sau một thời gian, lượng rác tồn đọng với mức độ tăng dần, dẫn đến tình trạng gây ô nhiễm cục bộ, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường sống của người dân.

Về một số xã vùng khu 2, khu 3 của huyện Phú Lộc, vùng ngũ điền huyện Phong Điền, hay một số xã ven phá như Hương Phong (thị xã Hương Trà)… nhan nhản bãi rác lộ thiên bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bu quanh. Trò chuyện với một vài người dân sinh sống gần những điểm ô nhiễm do rác thải, họ đều lắc đầu ngao ngán. Chị Võ Thị Yến, ở xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) than thở: “Sống gần bãi rác lộ thiên nên chúng tôi luôn chịu sự tra tấn của mùi rác, ruồi muỗi lúc nào cũng bay đầy nhà. Nhất là mùa hè hay những hôm chuyển trời, bưng chén cơm nuốt không trôi. Lo hơn là khi có các loại dịch bệnh bùng phát, từ người lớn đến trẻ nhỏ đều phải đề phòng”. Nhiều người dân còn cho biết, không riêng rác thải của người dân tại địa phương thải ra mà họ còn gánh chịu thêm lượng rác “vãng lai” từ những nơi khác mang đến đổ.Vì thế, rác ngày càng chồng chất và chính quyền địa phương càng khó xử lý. Mặc dù nhiều địa phương đã thành lập tổ thu gom để giải quyết thực trạng rác thải sinh hoạt “lấn sân”, song năng lực thu gom xử lý vẫn còn hạn chế và thiếu tính bền vững.

Huy động mọi nguồn lực

Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay mà các địa phương gặp phải đó là kinh phí thực hiện thu gom rác thải ở các thôn xã và kinh phí để xử lý ở các bãi chôn lấp rác. Để tăng hiệu quả thu gom xử lý, trước mắt nên tập trung làm tốt xử lý rác thải tại chỗ. Và để thực hiện được, cần có nguồn đầu tư về hạ tầng, gồm phương tiện, xe gom, xuồng trung chuyển… cho vùng nông thôn. Tỉnh cũng nên có hướng điều tiết, phân bổ kinh phí hợp lý để xây dựng và vận hành xử lý đảm bảo bãi chôn lấp rác ở các huyện như đã và đang làm hiệu quả đối với địa bàn T.P Huế.

Giải pháp kỹ thuật cũng cần ưu tiên áp dụng. Thời gian qua, một số mô hình kỹ thuật để xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình như đốt, đào hố chôn lấp, xây lò đốt rác mi ni cho các xã vùng đất cát, vùng đồi núi, vùng đầm phá ven biển nằm cách xa các bãi rác tập trung, hay đầu tư nhà máy chế biến phân hữu cơ vi sinh quy mô thôn, xã... đã hình thành và bước đầu giải quyết tạm thời lượng rác phát sinh và tồn lưu ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, do phương pháp kỹ thuật cũng như việc thực hiện chưa đồng nhất, ý thức của người dân còn hạn chế nên chưa thể giải quyết triệt để ô nhiễm do rác thải.

Phí vệ sinh môi trường đóng vai trò quan trọng không kém, góp phần vào việc tăng nguồn thu để duy trì ổn định bộ máy thu gom, xử lý rác thải và đây cũng là hình thức làm thay đổi hành vi, nhận thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Theo phản ánh của nhiều địa phương, mức thu phí rác thải sinh hoạt được áp dụng tại khu vực nông thôn vẫn chưa thỏa đáng để cân đối, bố trí vận hành hệ thống thu gom, xử lý rác thải. Do đó, việc điều chỉnh phí thu gom rác thải hợp lý, nằm trong khả năng đóng góp của người dân cần được cân nhắc thực hiện.

Dự báo đến năm 2020, tổng lượng rác thải sinh hoạt toàn tỉnh sẽ tăng lên khoảng 2.500 tấn/ngày. Điều này cho thấy nguy cơ quá tải về rác thải ngày một trầm trọng, nếu từ bây giờ không có giải pháp quyết liệt, thích hợp từ khâu thu gom đến xử lý. Trước mắt, Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (MTĐT) cần nâng cao năng lực hơn nữa để vươn rộng dịch vụ đến nhiều vùng miền, nhất là vùng sâu, vùng xa, góp phần giải quyết triệt để bài toán rác thải cho khu vực nông thôn.

Trong khi nguồn lực của tỉnh có hạn, để giải quyết tốt hoạt động thu gom xử lý rác thải cần huy động các nguồn đầu tư, sức dân, xã hội hóa nghĩa vụ môi trường, hạn chế việc trông chờ hoàn toàn vào ngân sách nhà nước. Mặt khác, trước khi quy hoạch xây dựng bãi rác tập trung cần tham vấn ý kiến người dân sở tại để lựa chọn địa điểm và quy mô phù hợp. Mô hình quản lý bãi rác cũng phải chuyên nghiệp, nếu không sẽ gây ô nhiễm cục bộ như một số nơi đang vướng phải. Bãi rác của huyện A Lưới, thị xã Hương Trà hay bãi chôn lấp rác tự phát ở vùng Khu 3 Phú Lộc là ví dụ điển hình cho thấy hạ tầng, kỹ thuật, biện pháp xử lý một khi không được quan tâm đầu tư đồng bộ, đảm bảo vệ sinh và khâu vận hành không theo đúng quy định thì hệ quả để lại rất khó khắc phục và có khi việc khắc phục còn tốn kém gấp nhiều lần so với đầu tư ban đầu. Ngoài ra, để giảm tải rác thải nông thôn, công tác tuyên truyền cũng hết sức quan trọng và cần được đẩy mạnh.

Bài, ảnh: Hoài Thương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giá xăng tăng, giá dầu giảm

Từ 15h hôm nay (28/3), mỗi lít xăng tăng 410 - 530 đồng, trong khi các mặt hàng dầu (trừ mazut) giảm 320 - 390 đồng tùy loại.

Giá xăng tăng, giá dầu giảm
Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013, trong đó người dân đặc biệt quan tâm đến việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai; làm lành mạnh hóa thị trường; hạn chế đầu cơ, tham nhũng về đất đai.

Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai
Thành Trung - thôn nông thôn mới kiểu mẫu

Bằng việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, với cách làm chủ động, sáng tạo, lấy người dân làm chủ thể, thôn Thành Trung (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền) đã trở thành thôn NTM kiểu mẫu đầu tiên của huyện Quảng Điền.

Thành Trung - thôn nông thôn mới kiểu mẫu
Ứng phó hạn, mặn

Diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng dự báo gay gắt kéo dài khiến nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp và xâm nhập mặn.

Ứng phó hạn, mặn
Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4: Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là bước tiến quan trọng. Tỉnh đã nhanh chóng bắt tay vào việc triển khai, thực hiện quy hoạch. Một thành phố trực thuộc Trung ương đang được hình thành, và Huế hứa hẹn sẽ trở thành nơi đáng sống, an toàn và thịnh vượng.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4 Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top