ClockThứ Tư, 18/07/2018 20:25
THÍCH ỨNG DỰA VÀO HỆ SINH THÁI:

Giải pháp chống chịu bão, lụt

TTH - Hội thảo “Tăng cường khả năng chống chịu lũ lụt vùng đô thị và ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế” do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xã hội (CSRD) tổ chức sáng 18/7 chỉ rõ, quản lý bền vững tài nguyên và khôi phục hệ sinh thái là giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu hiệu quả.

Triển khai nhiều phương án bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân

Hỗ trợ trồng rừng ngập mặn ở xã Lộc Vĩnh

Thích ứng dựa vào hệ sinh thái

Dự án tăng cường khả năng chống chịu lũ lụt ở vùng đô thị và vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế (dự án) nằm trong chương trình “Quản lý tài nguyên nước toàn cầu” với vốn đầu tư gần 4,5 tỷ đồng, do CSRD; Viện Khoa học môi trường và Trái đất (Trường đại học Postdam – Đức) phối hợp thực hiện. Dự án thực hiện dựa trên phương pháp tăng cường khả năng chống chịu, tích hợp sáng kiến thích ứng dựa vào hệ sinh thái (EbA). Đây là phương pháp tiếp cận từ dưới lên, chú trọng tăng cường vai trò của phụ nữ trong quản lý rủi ro thiên tai (DRM) và thích ứng biến đổi khí hậu (CCA).

Bà Phạm Thị Diệu My, Giám đốc CSRD chỉ rõ, Thừa Thiên Huế là địa phương chịu tác động nặng nề của bão, lũ. Chỉ riêng trận lũ vào tháng 11/2017 trên địa bàn đã làm ảnh hưởng đến 160.000 hộ dân, thiệt hại kinh tế 830 tỷ đồng, khiến 9 người thiệt mạng. Trong khi phần lớn dân số Thừa Thiên Huế có sinh kế không ổn định, thiếu các khoản tiết kiệm, dự trữ về tài chính để xử lý khi có vấn đề hay có sự gián đoạn cuộc sống. Các yếu tố khách quan bao gồm bình đẳng giới, quản lý lũ lụt, sự biến mất nhanh chóng các khu vực tự nhiên, hệ sinh thái hỗ trợ sinh kế cho người dân. Số người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ngày càng tăng nhưng người dân lại thiếu hụt những kiến thức về phục hồi sau lũ.

Tiểu phẩm phụ nữ thích ứng với lũ lụt của Hội Phụ nữ xã Quảng Lợi tại hội thảo

Dự án đã tiến hành thực hiện đồng bộ 2 giải pháp EbA. Tại khu vực nội thành của TP. Huế, dự án đánh giá các giá trị thích nghi dựa vào hệ sinh thái thông qua việc phục hồi dòng chảy tự nhiên và khu vực thoát nước. Đầu tư thí điểm cải tạo, duy trì hệ thống thoát nước, trữ nước tự nhiên ở TP. Huế; tăng khả năng chống chịu với ngập lụt đô thị bằng cách tăng cường vai trò của phụ nữ trong quản lý lũ lụt... Với khu vực ven đầm phá, dự án triển khai các hoạt động trồng rừng ngập mặn; tận dụng hệ sinh thái sẵn có cải thiện khả năng chống chịu lũ lụt, giảm tình trạng xói lở...

Bên cạnh đó, dự án tiến hành khảo sát điều tra các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng chống chịu lũ lụt tập trung vào sự khác biệt giữa nam và nữ và tập huấn về thích ứng và khắc phục lũ lụt.

Tăng khả năng thích ứng 

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đều khẳng định, phụ nữ nằm trong nhóm dễ bị tổn thương và chịu nhiều thiệt thòi từ tâm lý, tình cảm đến tiếng nói trong xã hội. Vì vậy, trước khi lập các kế hoạch quản lý rủi ro cần dựa trên khả năng chống chịu và tác động lâu dài liên quan đến giới, lấy phụ nữ làm trung tâm. Việc mở rộng đối tượng tham gia các buổi tập huấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng sẽ góp phần làm giảm áp lực cho phụ nữ trong chống chịu cũng như phục hồi sau thiên tai. Ngoài gia đình, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia lập các kế hoạch, giúp họ tiếp cận dễ dàng hơn với nhiều nguồn tri thức, nâng cao nhận thức trong quản lý rủi ro.

TS. Philip Bukeck, Trường đại học Postdam-Đức, Trưởng dự án nêu ý kiến: Các biện pháp công trình như xây dựng hệ thống đê điều, hồ chứa là biện pháp trọng tâm chính giảm thiểu lũ lụt. Tuy nhiên, các biện pháp này có thể gây ra một số tác động tiêu cực đến môi trường, gây ảnh hưởng đến các cộng đồng nghèo dễ bị tổn thương. Cách tiếp cận song song việc quản lý bền vững tài nguyên và khôi phục hệ sinh thái cung cấp các dịch vụ nhằm thích ứng với tác động của thiên tai mới là giải pháp khả thi.

Trong đó, xây dựng các vùng rừng ngập mặn là cách tiếp cận thay thế có hiệu quả, vừa làm tăng khả năng chống chịu với thiên tai và đẩy nhanh quá trình phục hồi sau thiên tai. Nhờ bảo tồn và phát huy các giá trị của hệ sinh thái giúp con người ứng phó tốt hơn với các rủi ro. Tuy nhiên, hiện chưa có quy hoạch trồng rừng ngập mặn nào được xây dựng, diện tích trồng không tập trung dễ gây trùng lặp khi triển khai. Nguồn cung cây giống trên địa bàn chưa chủ động và công tác bảo vệ rừng ngập mặn còn nhiều khó khăn.

Thực tế trên, ông Lê Quang Tiến, cán bộ dự án đề xuất, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan cần lập một quy hoạch và xác định vị trí trồng rừng ngập mặn tập trung. Việc quản lý rừng ngập mặn cần có sự tham gia của chính quyền và người dân làm tiền đề xây dựng hệ sinh thái địa phương, bãi đẻ cho các loài thủy sinh… góp phần cải thiện sinh kế lâu dài.

Ông Nguyễn Lương Minh, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn nêu thực tế, hệ thống thủy đạo dọc kinh thành Huế đa phần đều bị xuống cấp, bồi lấp làm hạn chế khả năng tích trữ và tiêu thoát nước khu vực nội thị. Để thực hiện hiệu quả giải pháp tiếp cận EbA cần tiến hành nạo vét toàn bộ tuyến Ngự Hà, đi kèm với chỉnh trang khơi thông các trục thoát nước, chấm dứt việc san lấp và lấn chiếm lòng hồ. Các phường cần thành lập tổ công tác tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong bảo vệ hệ thống thủy đạo.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Châu Á-Thái Bình Dương thiệt hại kinh tế 65 tỷ USD do các thảm họa tự nhiên

Aon, công ty dịch vụ chuyên nghiệp hàng đầu thế giới, vừa công bố Báo cáo Khí hậu và Thảm họa năm 2024, trong đó xác định các xu hướng thiên tai và khí hậu trên toàn cầu và ở châu Á-Thái Bình Dương, giúp các doanh nghiệp đưa ra quyết định tốt hơn nhằm quản lý sự biến động và tăng cường khả năng phục hồi.

Châu Á-Thái Bình Dương thiệt hại kinh tế 65 tỷ USD do các thảm họa tự nhiên
Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới

Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế-xã hội; liên quan trực tiếp các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương. Ðây là nguồn lực, là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới
Return to top