ClockThứ Ba, 23/02/2016 17:40

Giải pháp cứu “vựa lúa” quốc gia

Các chuyên gia và nhà quản lý cho rằng, cần tầm nhìn dài hạn để phòng hạn hán, chống xâm nhập mặn ở ĐBSCL để cứu “vựa lúa” quốc gia.

Hạn hán, xâm nhập mặn đã và đang “hoành hành”, gây những tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống của hàng triệu hộ dân trong khu vực trọng điểm sản xuất nông nghiệp ĐBSCL.

Chính vì thế, những giải pháp ngắn hạn và “tầm nhìn tương lai” đang được đặt ra và từng bước thực hiện để đảm bảo cho sản xuất ở khu vực trọng điểm này thích nghi với điều kiện bất lợi của thiên nhiên và những tác động tiêu cực của con người gây ra.

Trước những tác hại nghiêm trọng của tình hình xâm nhập mặn đang ngày càng gay gắt, tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo đóng các đập ngăn mặn sớm hơn cùng kỳ 1 tháng để tập trung ngăn mặn, trữ ngọt. Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa với 18 ngàn ha ở các địa phương trong tỉnh đã bị ảnh hưởng. Trong đó, khoảng 13 ngàn ha bị thiệt hại 75%. Khô hạn và xâm nhập mặn ngày càng sâu cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến vùng nuôi tôm của tỉnh.


Người dân vùng Tứ giác Long Xuyên trồng hoa màu nhưng nguồn nước trong thời điểm này hạn chế

Bên cạnh đó, khô hạn gay gắt, nước bốc hơi nhanh nên mức nước ngọt hiện nay dưới chân rừng tràm ở tỉnh Cà Mau đã thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,3 mét. Từ đó, dẫn đến nguy cơ nhiễm mặn và cháy rừng tràm ở mức độ cao; gây lo ngại trong việc bảo vệ rừng tràm rộng lớn, đặc biệt ở khu vực Vườn quốc gia U Minh Hạ.

Trước tình hình này, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, giải pháp trước mắt trong phòng chống hạn, mặn của địa phương là tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống hạn mặn cho người dân; đồng thời, ngành chức năng cũng tích cực cập nhật diễn biến thời tiết; tập huấn, hướng dẫn chuyển giao công nghệ kỹ thuật trong sản xuất mô hình lúa tôm phù hợp với điều kiện thực tế; hướng dẫn lịch thời vụ và bố trí cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với điều kiện nguồn nước của từng vùng.

Về lâu dài, lãnh đạo tỉnh Cà Mau kiến nghị hỗ trợ đầu tư nạo vét các tuyến kênh chứa nước trong mùa mưa ở khu vực rừng U Minh Hạ; đầu tư hệ thống hồ chứa nước ngọt phục vụ nước sinh hoạt cho dân và kết hợp phục vụ phòng cháy rừng; nâng cấp các đập xung quanh rừng tràm; đồng thời kiến nghị xem xét hỗ trợ địa phương dự án đầu tư dẫn nước ngọt từ vùng Nam sông Hậu về Cà Mau để hạn chế tối đa tình trạng khoan nước ngầm ở vùng đất bị nhiễm mặn.

Hiện tình trạng hạn, mặn đã và đang tác động trực tiếp đến đến sản xuất và sinh hoạt của hàng triệu hộ dân vùng ĐBSCL. Ông Nguyễn Phong Quang - Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết đây là vấn đề hết sức quan trọng, ảnh hưởng đến an ninh lương thực cả nước và chính trị rất lớn. Do vậy việc phòng chống hạn, mặn cho vùng này hiện là vấn đề sống còn, cần phải có những giải pháp quyết liệt và kịp thời.

Theo thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu, Chính phủ đã đồng ý bố trí 1.000 tỷ đồng cho các dự án phòng chống, ứng phó thiên tai. Dự kiến trong tháng 3 tới, Bộ sẽ trình Chính phủ thông qua gói kinh phí 2.300 tỷ đồng phục vụ cho các dự án về phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu. Trong đó, khu vực ĐBSCL có 46 công trình, dự án được đầu tư từ nguồn vốn này.

Trước nhu cầu nguồn vốn lớn để làm cống ngăn mặn trên nhiều cửa sông lớn và đặc biệt là “hạ tầng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế thích ứng với điều kiện mới”, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng đây là những công trình cấp bách.

Thứ trưởng đề nghị Chính phủ sớm phân bổ, thông báo nguồn vốn 2300 tỷ và giao cho địa phương để chủ động thực hiện.

Dự báo xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam bộ có khả năng tiếp tục sâu hơn và cao hơn cùng kỳ mùa khô năm 2015 và trung bình nhiều năm. Từ cuối tháng 2 này mặn có khả năng duy trì ở mức cao, nghiêm trọng. Trên sông Tiền, sông Hậu độ mặn trên 4g/l có thể xâm nhập sâu khoảng 50 - 70 km tính từ cửa sông, có thời kỳ trên 70 km.

Chính vì thế, việc nhanh chóng hoàn thiện hệ thống thủy lợi sẽ góp phần rất lớn trong phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Bên cạnh đó, về lâu dài, các bộ ngành trung ương và địa phương cần có giải pháp tầm nhìn tương lai để ứng phó và thích ứng bền vững với tình trạng hạn và xâm nhập mặn sẽ ngày càng khốc liệt, gay gắt hơn.

Thanh Tùng (Theo VOV)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủ tướng: Phải thắng trong ‘trận Điện Biên Phủ’ chống biến đổi khí hậu tại ĐBSCL

Ngày 27/3 tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến ký kết hợp tác tư vấn chiến lược và triển khai dự án “Phát triển du lịch ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu” giữa UBND TP. Cần Thơ, Tập đoàn Novaland, Tập đoàn tư vấn BCG (The Boston Consulting Group) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank).

Thủ tướng Phải thắng trong ‘trận Điện Biên Phủ’ chống biến đổi khí hậu tại ĐBSCL
Triển khai Nghị quyết phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan lập Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Triển khai Nghị quyết phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu
Return to top