ClockChủ Nhật, 17/12/2017 08:52
ỨNG DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRONG TRÙNG TU DI TÍCH:

“Giải pháp để nâng hiệu quả bảo tồn di sản”

TTH - Với một số di tích đã mất hay đang bị đe dọa thì việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào công tác nghiên cứu, tư vấn và thi công bảo tồn, tu bổ, phục hồi là rất cần thiết. Câu chuyện giữa Thừa Thiên Huế Cuối tuần với KS. Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc phụ trách Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung là một góc nhìn về công việc này trong trùng tu di tích Cố đô Huế. KS. Lê Văn Quảng cho biết:

Tiếc cho “nhà di sản”Quy định cụ thể trách nhiệm bảo vệ và quản lý Di sản thế giớiTrao đổi kinh nghiệm bảo tồn di sản văn hóaĐừng “phụ bạc” di sảnHát Xoan Phú Thọ chính thức là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại

KS. Lê Văn Quảng

Di sản ông cha để lại rất quý bởi hàm chứa nhiều giá trị về lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và kỹ thuật xây dựng. Do thời gian, khí hậu, chiến tranh tàn phá đã làm di tích bị hư hại, xuống cấp, thậm chí chỉ còn phế tích nên cần thiết phải bảo tồn, tu bổ, phục hồi các giá trị đó một cách khoa học nhất. Công tác trùng tu vẫn nhất quán bảo tồn, tu bổ phục hồi nguyên gốc, lấy công nghệ truyền thống của cha ông để lại là chính, nhưng không phải vì vậy mà hoàn toàn không áp dụng kỹ thuật mới vào quá trình trùng tu công trình di tích.

Phần lớn các di tích hư hỏng đều được bảo quản cấp thiết bằng các biện pháp chống dột, chống sập, chống mối mọt, chống cây cỏ xâm thực, gia cố và thay thế các bộ phận bị hư hỏng, phục hồi hoàn toàn công trình. Các tiến bộ KHCN được áp dụng trực tiếp vào công tác trùng tu đều chung mục đích xử lý triệt để các nguy cơ trên và bảo đảm ngăn ngừa sự xuống cấp của công trình một cách hiệu quả nhất.

Vấn đề quan trọng là áp dụng phương pháp kỹ thuật mới thế nào để bảo vệ công trình bền vững hơn trước sự tác động của con người, côn trùng, khí hậu và thời gian. Nếu việc bảo tồn di tích chỉ đơn giản là cố gắng trùng tu công trình hoàn toàn như xưa, không có những tác động kỹ thuật cho phép để hạn chế rủi ro thì đó lại là sự vô trách nhiệm.

Thông thường, đối với một công trình kiến trúc di tích, KHCN quan tâm đến vấn đề gì nhiều nhất, thưa ông?

KS. Lê Văn Quảng: Đó là vật liệu tạo nên công trình bị thoái hóa thời gian, sau đó bị thời tiết tác động. Yêu cầu bảo tồn là phải có sự can thiệp của KHCN, hạn chế tác động từ thời tiết để nâng cao khả năng ổn định của công trình, từ đó nâng cao tuổi thọ của di tích. Mặt khác, khi vật liệu của công trình bị thoái hóa theo thời gian thì yêu cầu đặt ra với KHCN là nghiên cứu tìm loại vật liệu thay thế phù hợp và giải pháp bảo quản vật liệu tối ưu nhất. Ở quần thể kiến trúc di tích cố đô Huế, gỗ là vật liệu chủ đạo nên KHCN rất quan tâm nghiên cứu những nguyên nhân gây hư hại gỗ để có giải pháp bảo tồn phù hợp, nhưng không ảnh hưởng đến kiến trúc công trình. Chẳng hạn, sử dụng thuốc chống mối, sơn chống ẩm cho gỗ, hạn chế khả năng tiêu tâm của gỗ lim bằng cách lót chì…

Nâng cao khả năng chịu lực của công trình di tích cũng là một vấn đề rất quan trọng. Xưa, ngoài bom đạn chiến tranh, các cổng thành của kinh đô Huế còn bị mưa lũ phá hoại. Theo phương pháp kỹ thuật trước đây, người xưa xây các lớp gạch của cổng thành trên một lớp cát dày. Giải pháp kỹ thuật này đúng nếu trong điều kiện không có dòng chảy ngầm chênh áp, dòng chảy xói. Tuy nhiên, do có dòng nước chảy ra trên Hộ thành hào, kết hợp với các trận mưa lụt trong lịch sử gây ngập chân cổng thành, tạo dòng nước chảy xói, đẩy trôi lớp cát lót dưới chân thành. Hậu quả là cửa Hữu và cửa Nhà Đồ đã bị sập đổ. Thậm chí như cửa Thể Nhơn, khi trùng tu chúng tôi phát hiện phía dưới móng là một hang sâu do toàn bộ cát phía dưới đã chảy ra ngoài. Do vậy, khi gia cố lại các cổng thành, chúng tôi đã phải gia cố lại nền, khoan cọc nhồi bê tông tạo bức tường chống cát chảy ra ngoài.

Kích đẩy tường thành của lầu Tứ Phương Vô Sự

Phần gia cố này không phải là bộ phận cấu thành di tích mà chính là tác động của KHCN vào tu bổ di tích, nhưng không gây ảnh hưởng đến kiến trúc của di tích.

Thực hiện nhiều công trình trùng tu, bảo tồn di tích Cố đô Huế, có công trình nào do Phân viện KHCNXD miền Trung thực hiện bị dư luận phản ứng?

KS. Lê Văn Quảng: Hầu hết các công trình do Phân viện thực hiện đều được đánh giá cao, như các cổng thành – kinh thành Huế, các cổng thành và khuyết đài – Hoàng thành, Thế Miếu, chùa Thiên Mụ, điện Long An… Riêng ý kiến về di tích mới trùng tu mới quá thì mọi người nói đã lâu. Tuy nhiên, có những công trình vừa phục hồi bị phản ứng mới, đó là do tác động tâm lý khi mọi người đã quen sự cũ kỹ. Thường, những công trình nào gần với tầm quan sát của mắt thường mới bị ý kiến, trong khi kỹ thuật áp dụng với nhiều công trình là giống nhau.

Trong các dự án trùng tu, bảo tồn di tích Huế, công trình nào khiến ông ấn tượng nhất?

KS. Lê Văn Quảng: Đó là Ngọ Môn. Năm 2013, Huế tiến hành trùng tu Ngọ Môn cũng là năm xảy ra siêu bão Hải Yến. Trước ngày cơn bão đổ bộ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tháo toàn bộ nhà bao che công trình để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, do sức gió quá mạnh, anh em thợ không cách chi leo lên cao để tháo dỡ được, nên tôi phải trực tiếp báo cáo tình hình, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh cho để nguyên, bản thân sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu xảy ra sợ cố và chờ đợi trong cảm giác lo lắng. May mắn bão không vào và công trình không xảy ra bất cứ sự cố nào.

Tu bổ di tích lầu Tứ Phương Vô Sự cũng là dự án đáng kể trong quá trình chúng tôi tham gia trùng tu di tích Cố đô Huế. Xưa, tường các phía bị nứt gãy và xô ngang trong khi các khối tường vẫn còn vững chắc. Ứng dụng KHCN với giải pháp kích nâng và đẩy, chúng tôi đã xoay cho tường về vị trí ban đầu, gia cố khả năng chịu lực, nhưng vẫn giữ được các vật liệu nguyên xưa. Tại những điểm bị đứt gãy, chúng tôi làm liền khối tường, gia cố và khóa khe nứt bằng các khóa bê tông cốt thép. Nhờ đó, đến nay mặc dù đã có thêm tải trọng là lầu Tứ Phương Vô Sự được phục hồi, nhưng vẫn chưa thấy hiện tượng hư hỏng phát sinh.

Độ chênh của chân tường Tứ Phương Vô Sự nhìn bằng mắt thường

Đối với các công trình kiến trúc di tích, còn khó khăn nào khiến những người làm công tác nghiên cứu và ứng ụng KHCN trăn trở?

KS. Lê Văn Quảng: Trong công tác trùng tu di tích, nhiều vấn đề đã có thể áp dụng KHCN để khắc phục những hạn chế của lịch sử, nhưng cũng có những cái vẫn ngoài “tầm với”. Cụ thể như tìm vật liệu thay thế phù hợp hay gia cường khả năng chịu bão cấp cao cho công trình.

Trong những vật liệu cần thay thế, chúng tôi chưa thể tìm ra loại vật liệu thay thế ngói lợp vừa đảm bảo tính truyền thống vừa bền vững theo thời gian, có khả năng chống dột (nhất là ngói liệt). Ngoài ra, chúng tôi cũng chưa có giải pháp phù hợp để bảo quản màu trước sự xâm hại quá nhanh của rêu mốc.

Nhiều người vẫn coi rêu mốc là một vẻ đẹp riêng có của di tích. Nhưng thực tế, đó không những không phải là yếu tố cấu thành di tích mà còn gây hại rất lớn đến tuổi thọ của công trình. Thêm nữa, diễn biến khí hậu phức tạp khiến xuất hiện ngày càng nhiều siêu bão, trong khi chúng tôi vẫn chưa tính được nên thiết kế mức chống bão như thế nào cho phù hợp để bảo vệ các công trình di tích tốt hơn.

Đối với Ngọ Môn – công trình biểu tượng của Huế, sau trùng tu, công trình mới chỉ có thể chịu đựng được sức gió cấp 11, 12 nên chúng tôi tính toán áp dụng kỹ thuật mới gia cường để công trình có thể chịu được gió bão cấp 13, 14. Vẫn biết thiên tai là bất khả kháng, nhưng để trùng tu được một công trình di tích, chúng ta đã phải đầu tư rất nhiều công sức và tiền của. KHCN vẫn tiếp tục nghiên cứu để có giải pháp hiệu quả hạn chế được tình trạng này. Vấn đề quan trọng là chúng ta áp dụng kỹ thuật mới như thế nào để đạt yêu cầu mà không thay đổi kết cấu công trình, cũng như không ảnh hưởng đến mỹ quan của di tích.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

ĐỒNG VĂN (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể
Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO

Với 65 danh hiệu được UNESCO ghi danh, trải rộng trên tất cả 63 tỉnh, thành phố, Việt Nam tiếp tục thể hiện đóng góp có trách nhiệm vào việc làm phong phú, bảo vệ và phát huy kho tàng văn hóa nhân loại.

Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO
Tìm giải pháp để sân khấu Việt 'cất cánh'

Nếu như năm 2022, sân khấu Việt có sự tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ cả về lượng và chất, sang năm 2023, sân khấu Việt lại có phần ảm đạm. Đâu là lý do của tình trạng này và làm thế nào để sân khấu Việt "cất cánh" trong những năm tiếp theo là một “bài toán khó” mà những người yêu sân khấu đang nỗ lực tìm lời giải.

Tìm giải pháp để sân khấu Việt cất cánh
Return to top