ClockThứ Bảy, 09/01/2016 20:43

Giải pháp kiểm soát khu vực bảo vệ di tích

TTH.VN - Bằng cách ứng dụng công nghệ GIS để tích hợp dữ liệu, cung cấp và chia sẻ thông tin, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện thành công công cụ phục vụ trực tiếp cho việc quản lý khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích.
 

Với GIS, hiện trạng khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích sẽ được kiểm soát kịp thời. (Ảnh chụp tại khu vực lăng Dục Đức)

Với Thừa Thiên Huế, dân cư sống trong vùng di tích là câu chuyện không hề mới, nhưng lại chưa bao giờ là cũ bởi đây là vấn đề nhạy cảm. Việc có một số lượng rất lớn cư dân sống trong vùng di tích tác động mạnh mẽ đến môi trường của các khu di tích Huế, có nguy cơ lớn ảnh hưởng quy hoạch tổng thể nguyên thuỷ của các di tích, làm thu hẹp không gian của di tích. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin địa lý (GIS) để xây dựng phần mềm quản lý các hộ dân sống trong khu vực bảo vệ di tích là nhu cầu rất thực tế. Đây là giải pháp hiệu quả và kịp thời nhất để giúp cơ quan quản lý nắm bắt kịp thời những trường hợp gia tăng hộ dân, cơi nới nhà cửa, ô nhiễm môi trường và những hành động vi phạm Luật Di sản… Từ đó, có kế hoạch và giải pháp nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực mà các hộ dân gây ra.

Ngày nay, hệ thống thông tin địa lý trở thành hệ thống quản lý thông tin không gian có khả năng lưu trữ, thống nhất, phân tích, mô hình hóa và mô tả nhiều loại dữ liệu, đặc biệt là khả năng phân tích và liên kết dữ liệu thuộc tính với dữ liệu không gian. GIS là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa công nghệ bản đồ số, những thông tin mang tính không gian và hệ thống cơ sở dữ liệu. Ứng dụng công nghệ GIS vào quản lý các hộ dân sống trong khu vực 1 khoanh vùng bảo vệ các di tích thuộc quần thể di tích Cố đô Huế nhằm đánh giá tác động của các hộ dân gây ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên di tích. Để từ đó có kế hoạch và giải pháp nhằm giảm thiểu những tác động mà các hộ dân gây ra. Bộ cơ sở dữ liệu được xây dựng trên phần mềm ArcGIS, một phần mềm được sử dụng khá phổ biến ở Việt Nam trong biên tập bản đồ chuyên đề và quản lý thông tin hiện nay. Điểm đặc biệt của hệ cơ sở dữ liệu này ở chỗ, ngoài các cơ sở dữ liệu bản đồ số và cơ sở dữ liệu thuộc tính trong hệ thống thông tin địa lý về quản lý hộ dân sống trong khu vực 1, hệ thống còn cho phép cập nhập, bổ sung và mở rộng cơ sở dữ liệu cho những điểm di tích khác trên địa bàn tỉnh.

Để có cơ sở dữ liệu cho GIS, nhóm nghiên cứu thu thập và xây dựng các lớp bản đồ; thu thập thông tin liên quan đến các khu vực 1 khoanh vùng bảo vệ các di tích, như: địa điểm, số lô thửa, diện tích lô thửa, hiện trạng nhà ở, thời gian cư trú của các hộ dân, số hộ, số nhân khẩu, sự tăng giảm dân số, xây dựng nhà ở trái phép và các yếu tố làm ô nhiễm môi trường di tích; xây dựng hệ thống tra cứu thông tin trên GIS; xây dựng hệ thống thông tin địa lý phục vụ cơ quan quản lý…

Bà Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, đồng tác giả của đề tài, cho biết: Trước đây, muốn biết các vấn đề liên quan đến hộ dân sống trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích, cơ quan quản lý phải đi thực tế điều tra, mất thời gian rất nhiều. Trên cơ sở của GIS, các nhà quản lý có thể nắm bắt tình hình các hộ dân sống trong khu vực một cách hiệu quả và kịp thời nhất. Từ đó, có giải pháp điều tiết hộ dân kịp thời, không để ảnh hưởng đến cảnh quan di tích, đồng thời động viên người dân có ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường xung quanh, không gây hại đến công trình kiến trúc.

Với GIS, hiện trạng trong khu vực 1 khoanh vùng bảo vệ di tích sẽ được kiểm soát kịp thời

 

Giới thiệu về hiệu quả nhiều mặt của ứng dụng này, bà An Hòa nói thêm: Việc tạo ra một hệ thông tin thống nhất sẽ có tác dụng rất lớn trong công tác quản lý, quy hoạch và bảo tồn di tích, cung cấp cho các nhà quản lý, quy hoạch một công cụ mới để nghiên cứu, phân tích, giới thiệu một cách có hệ thống phục vụ cho mục đích bảo tồn nguồn tài nguyên di tích hiện có, trợ giúp quyết định và hoạch định chính sách của các cấp lãnh đạo. Ứng dụng này có thể kiểm soát được mức độ tăng, giảm các hộ dân, mật độ xây dựng và kiểm soát được việc xây dựng trái phép, nếu có. Những tác động từ việc các hộ dân sống trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích có ảnh hưởng trực tiếp đến các công trình, môi trường, cảnh quan… cũng được nắm bắt kịp thời. Đây sẽ là thuận lợi để cơ quan quản lý có kế hoạch giãn dân phù hợp hoặc giải tỏa các hộ dân theo thứ tự ưu tiên một cách khách quan.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top