ClockThứ Sáu, 09/12/2022 13:17

Giải pháp thoát nước cho các khu đô thị

TTH.VN - Việc nâng cao độ các tuyến đường trong Khu Đô thị mới (KĐTM) An Vân Dương trong giai đoạn trước mắt sẽ ảnh hưởng đến quá trình thoát lũ tại một số khu vực dân cư hiện hữu. Về lâu dài, UBND tỉnh sẽ từng bước hoàn thiện đầu tư các tuyến đường và hệ thống thoát nước trong khu vực theo quy hoạch để đảm bảo kết nối đồng bộ hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật và thoát nước cho KĐTM này.

“Giấc mơ” thoát lũ cho vùng trũngDự án Hệ thống tiêu thoát lũ Phổ Lợi - Mộc Hàn - Phú Khê: Đẩy nhanh tiến độNâng nền đường, dân lo ngập

Đường Tố Hữu đã triển khai hoàn thiện nâng cao độ nền đường lên 0,5m

Đáp ứng tình huống khẩn cấp

Thời gian vừa qua, việc nâng cao độ nền đường một số tuyến như Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu, Thủy Dương- Thuận An trong KĐTM An Vân Dương đã “vô hình trung” gây ngập úng cho khu dân cư hiện hữu ở các phường Xuân Phú, An Đông (TP. Huế).

Người dân khu vực này cho rằng, các tuyến đường được nâng cao độ lên 0,5m trở thành những tuyến đê “chắn nước” làm tình trạng ngập lụt ở các khu vực này ngày một nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, trận lũ vào tháng 10/2022 nhiều nơi còn ngập cao hơn “đỉnh lũ” năm 2020.

Ngày 9/12, Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh đã cung cấp nội dung thông tin cho báo chí quanh những vấn đề này.

Theo đơn vị này, các tuyến đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp, Thủy Dương - Thuận An với vai trò là các tuyến đường huyết mạch kết nối khu dân cư với trung tâm hành chính của tỉnh và khu trung tâm TP. Huế hiện hữu, nên việc đảm bảo lưu thông trong mùa lũ, đáp ứng các tình huống khẩn cấp, cứu hộ cứu nạn là hết sức cần thiết.

Vừa qua, UBND tỉnh đã ưu tiên nguồn lực đầu tư nâng cao độ các tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu theo đồ án quy hoạch phân khu A điều chỉnh tại quyết định số 432/QĐ-UBND ngày 21/2/2019. Hạng mục này do Ban QLDA Chương trình phát triển đô thị loại II (đô thị xanh) - tiểu dự án Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư.

Theo số liệu kiểm tra thực tế cao độ ngập lụt của đợt lũ trong tháng 10/2020 tại KĐTM An Vân Dương từ +2.81 đến +3.17, do đó với cao độ trung bình của các tuyến đường nêu trên là +2.64m về cơ bản giải quyết được lưu thông cho các phương tiện vận tải phục vụ cứu trợ, hỗ trợ lụt bão.

Ngập lụt tại KĐTM An Vân Dương trong tháng 10/2022 vừa qua

Tuy nhiên, việc nâng cao độ 2 tuyến đường này trong giai đoạn trước mắt sẽ ảnh hưởng đến quá trình thoát lũ tại một số khu vực dân cư hiện hữu do các hệ thống kênh mương thoát nước ra các hệ thống sông Như Ý, Nhất Đông, hói Phát Lát.. chưa được đầu tư hoàn chỉnh.

Để giải quyết thực trạng này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu để có giải pháp xử lý trước mắt cũng như về lâu dài trong tình hình hệ thống hạ tầng chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch.

Ông Võ Văn Việt, Ban QLDA Chương trình phát triển đô thị loại II khẳng định, trước mắt, để giảm thiểu tình trạng ngập úng khi nâng cốt cao độ 2 tuyến đường Tố Hữu và Võ Nguyên Giáp, đơn vị này đã thiết kế bổ sung các cống ngang đường. Theo đó, bổ sung 1 cống hộp 4x4m tại vị trí cống 3 cửa trên đường Võ Nguyên Giáp trùng với vị trí mương quy hoạch nối từ hói Phát Lát đến kênh sinh thái; bổ sung 1 cống hộp 2x4x4m trên đường Tố Hữu trùng với vị trí mương quy hoạch nối từ hói Lăng Xá Cồn đến sông Như Ý.

Cần giải pháp lâu dài

Theo Ban QLDA, đối với dự án nâng cao độ tuyến đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp trước mắt sẽ bổ sung các cửa thu nước cho các vị trí có cao độ địa hình thấp, thu vào hệ thống thoát nước của tuyến đường để xả ra các vị trí theo quy hoạch. Dự án đã đầu tư bổ sung các cống hộp băng đường theo quy hoạch đảm bảo thoát nước cho khu vực thượng lưu.

Hiện tại, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế đang trình Phòng TN&MT thành phố thẩm định nguồn gốc đất khu vực tiếp giáp sông Như Ý của hạng mục đường 100m nối 2 khu đô thị A và B khu An Vân Dương (cầu qua sông Như Ý) thuộc dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II. Dự kiến hoàn thành công tác GPMB vào cuối tháng 12/2022, để hoàn thiện đầu tư hệ thống thoát nước dọc và cửa xả tuyến đường Võ Nguyên Giáp (phạm vi hạ lưu thoát nước của khu vực 4 Xuân Phú và vùng lân cận).

Về lâu dài, cần ưu tiên đầu tư các cống băng đường tại các vị trí mương hói nối liền, thay thế các cống có khẩu độ nhỏ chưa phù hợp 

Các đơn vị liên quan thực hiện nạo vét khơi thông các mương hói hiện có, các điểm bị tắc nghẽn, nạo vét hệ thống đường ống thoát nước mưa, các vị trí cửa thu, cửa xả trên địa bàn khu vực và tập trung hoàn thành đền bù GPMB đang bị vướng mắc tại các dự án để sớm triển khai thi công hoàn thành các cống hộp cuối tuyến thông ra sông Lợi Nông như cống hộp kênh CX7 đường Tôn Quang Phiệt, cống hộp đường Hải Triều cuối kênh hói Vạn Vạn,... để giải quyết thoát nước cho các khu vực thượng lưu.

Đối với các dự án khác đang triển khai trên địa bàn An Vân Dương, Ban QLDA sẽ phối hợp với các chủ đầu tư và địa phương để tiến hành rà soát các vị trí ngập cục bộ do ảnh hưởng bởi dự án để có phương án thu gom, tiêu thoát úng cho phù hợp.

Ông Nguyễn Trần Nhật Tuấn, Phó Giám đốc Ban QLDA cho biết, về giải pháp lâu dài cần ưu tiên đầu tư các cầu, cống băng đường tại các vị trí mương hói nối liền hiện nay đồng thời thay thế các cống có khẩu độ nhỏ chưa phù hợp với diện tích mặt cắt ướt của các tuyến kênh, mương quy hoạch trong KĐTM. Tổ chức đầu tư theo giai đoạn đối với các tuyến kênh mương theo quy hoạch được duyệt.

Trong trường hợp nguồn lực hạn chế, thì giai đoạn đầu ưu tiên đầu tư mương đất theo mặt cắt quy hoạch và các cầu, cống băng đường, đảm bảo kết nối liên thông với các nhánh sông hiện có. Từng bước hoàn thiện đầu tư các tuyến đường và hệ thống thoát nước trong khu vực theo quy hoạch để đảm bảo kết nối đồng bộ hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật và thoát nước cho KĐTM An Vân Dương.

Giải pháp thoát lũ cho phía Đông thành phố

Xét về tổng thể, việc thoát nước khu vực An Vân Dương nói riêng và khu vực phía Đông TP. Huế nói chung để đảm bảo tính hiệu quả cần phải có sự nghiên cứu đồng bộ, tổng thể trên phạm vi lớn. Do vậy, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng chủ trì nghiên cứu giải pháp thoát lũ cho khu vực phía Đông TP. Huế. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu sẽ đề ra các giải pháp điều chỉnh về cao độ, hướng thoát lũ cho đô thị nhằm thích ứng với tình hình biến đổi khi hậu, đảm bảo phát triển đô thị bền vững.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đề xuất giải pháp hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội

Tại hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội diễn ra ngày 16/3, Bộ Xây dựng đã kiến nghị nhiều giải pháp để đảm bảo mục tiêu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024.

Đề xuất giải pháp hoàn thành 130 000 căn nhà ở xã hội
An toàn giao thông trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn:
Trước khi hoàn thiện hạ tầng, tài xế cần nâng cao ý thức

Liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn thời gian gần đây cho thấy, bên cạnh yếu tố hạ tầng thì ý thức của người tham gia giao thông nói chung và của “cánh tài xế” là một trong những vấn đề cần quan tâm.

Trước khi hoàn thiện hạ tầng, tài xế cần nâng cao ý thức
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Nhận giải pháp triệt để cho bài toán chi phí tại Hội thảo du học các nước của INEC

Chi phí là một trong những yếu tố quyết định bạn có thể du học được hay không. Làm sao để du học thành công mà vẫn tối ưu chi phí? Mời bạn đến gặp chuyên gia và nhận giải pháp triệt để cho bài toán đầu tư tài chính du học hiệu quả tại Hội thảo du học các nước sẽ diễn ra sáng 17/03/2024 tại Đà Nẵng nhé.

Nhận giải pháp triệt để cho bài toán chi phí tại Hội thảo du học các nước của INEC

TIN MỚI

Return to top