ClockThứ Hai, 22/03/2021 09:11

Giải quyết kiến nghị về việc cấp “thẻ đỏ” tại xã Phú Mậu: Đã thực hiện căn cứ trên sự thống nhất của ông Huế

TTH - Theo thông tin gửi đến Báo Thừa Thiên Huế, ông Trần Ngọc Huế (trú phường Thuận Lộc, TP. Huế) phản ánh: Đất do ông bà nội của ông để lại thuộc quyền thừa kế của nhiều người. Thế nhưng, chính quyền địa phương lại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) cho một hộ gia đình.

Phí quản lý chung cư: Cần thống nhất cách thu

Theo nội dung đơn thư: Ông bà nội của ông Huế có 5 người con và có tài sản là nhà gắn liền thửa đất số 324, tờ bản đồ số 3 (theo trích lục năm 1937 diện tích 1.215m2; diện tích thực tế là 1.121m2), tọa lạc tại xã Phú Mậu (Phú Vang).

Ông bà nội ông Huế lần lượt qua đời, không để lại di chúc. Do đó, tài sản nêu trên lẽ ra là di sản thừa kế theo pháp luật. Cha của ông Huế đã mất (cha của ông Huế là liệt sĩ), thì ông Huế được quyền thừa kế từ phần tài sản cha mình thừa kế của ông bà nội.

Thế nhưng, năm 2004, UBND xã Phú Mậu đã lập hồ sơ để vợ chồng ông Trần Kính (chú ruột ông Huế, là người trực tiếp sử dụng, quản lý tài sản của cha mẹ để lại) được cấp giấy CNQSD đối với thửa đất nêu trên, mà những người thừa kế khác không hay biết. Sau khi đứng tên “sổ đỏ”, năm 2008, ông Kính lập văn bản cho con trai 500m2 đất, được UBND xã Phú Mậu chứng thực. Và đến năm 2014, vợ chồng con trai ông Kính là ông Trần Sô, được cấp có thẩm quyền cấp giấy CNQSD đối với diện tích 500m2, tách từ thửa đất nguồn gốc của ông bà nội ông Huế, đã nêu trên. Điều này xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của những người thừa kế khác.

Theo bà Trần Thị Minh Tâm, Bí thư Đảng ủy, ông Nguyễn Văn Trai, Chủ tịch UBND xã Phú Mậu và cán bộ địa chính xã: Thửa đất mà ông Huế nêu trên có nguồn gốc do ông bà nội ông Huế để lại, có trích lục. Thửa đất này, theo hồ sơ đăng ký 299 lập năm 1984 có số thửa 324, tờ bản đồ số 3 diện tích 1.215m2 do ông Trần Kính kê khai, đăng ký. Năm 2008, theo bản đồ địa chính lập, thửa đất trên do ông Kính sử dụng có số thửa 115 tờ bản đồ số 10 A, diện tích 1.210m2.

Theo cán bộ địa chính xã: Đăng ký kê khai 299, là một trong những cơ sở để cấp giấy CNQSD đất. Trong quá trình cấp giấy, có phát sinh những tranh chấp hoặc những vấn đề liên quan, thì sẽ giải quyết tiếp theo. Năm 2004, ông Trần Kính lập thủ tục và được cấp giấy. Theo quy định của pháp luật, lẽ ra tại thời điểm đó, những người thừa kế trong gia đình ông Kính phải làm văn bản nhường quyền hưởng di sản, tạo sự thống nhất cho ông Kính thực hiện việc cấp “thẻ đỏ”. Tuy nhiên, đến năm 2008, sau khi đã cấp giấy xong, thủ tục này mới được thực hiện, trong đó có “giấy nhường quyền hưởng di sản” do ông Huế ký (UBND xã Phú Mậu cung cấp giấy nhường quyền kèm theo). Nội dung giấy nhường quyền cho người nhận di sản là ông Trần Kính, ghi rõ “phục vụ cho mục đích thờ tự”.

Năm 2014, ông Kính tách 500 m2 trong diện tích thửa đất nêu trên cho con trai là Trần Sô, “thẻ đỏ” đứng tên vợ chồng ông Sô. Diện tích còn lại, “thẻ đỏ” đứng tên vợ chồng ông Kính, ghi mục đích sử dụng riêng.

Trước sự việc này, năm 2015, ông Huế có đơn kiến nghị gửi UBND huyện Phú Vang, yêu cầu thanh tra, làm rõ, giải quyết sự việc. Theo chỉ đạo của huyện, các cơ quan liên quan và UBND xã Phú Mậu đã mời gia đình ông Huế, ông Kính đến làm việc, trước tiên là hòa giải. Qua buổi làm việc, hai bên đồng ý về họp tại gia đình, tự giải quyết. Tuy nhiên, hai bên không đi đến thống nhất, do đó ông Huế tiếp tục có đơn gửi huyện. Sau khi huyện chuyển đơn về xã, ngày 7/7/2015, UBND xã tổ chức buổi hòa giải. Tại buổi hòa giải này, phần diện tích đất đã “cắt” cho ông Sô, ông Huế thống nhất, không có ý kiến. Riêng diện tích còn lại (trên đó có nhà ông Kính đang sử dụng), ông Huế có ý kiến trong thẻ đỏ phải ghi rõ mục đích sử dụng chung. Hai bên đã thống nhất (có biên bản).

Tuy nhiên, sau khi thống nhất, ông Kính lại chưa thực hiện việc cấp đổi “thẻ đỏ” từ mục đích sử dụng riêng thành mục đích sử dụng chung. Do vậy ông Huế tiếp tục có đơn kiến nghị gửi UBND huyện Phú Vang. Dưới sự chỉ đạo của UBND huyện, Thanh tra huyện đã thành lập tổ kiểm tra, xác minh theo nội dung đơn thư. Quá trình làm việc Thanh tra huyện mời ông Huế, ông Kính, theo đó hai bên đã thống nhất tiếp tục thực hiện theo tinh thần biên bản hòa giải  ngày 7/7/2015.

Ông Kính phải thực hiện việc cấp đổi giấy CNQSD đất từ mục đích sử dụng riêng sang mục đích sử dụng chung. Và ngay sau đó, việc cấp đổi giấy nêu trên đã được thực hiện. Cùng với cấp đổi lại “thẻ đỏ” của ông Kính như nêu trên, cấp có thẩm quyền cũng điều chỉnh lại diện tích đất trong “thẻ đỏ” của ông Sô, từ 500m2 còn 443m2, theo tinh thần tại buổi hòa giải và kết luận của Thanh tra huyện, đảm bảo việc sử dụng đất không ảnh hưởng đến nhà thờ sau này.

Như vậy, mặc dù việc tranh chấp, kiến nghị kéo dài, nhưng kết quả giải quyết kiến nghị về diện tích đất, tài sản do ông bà nội ông Huế để lại, chính quyền địa phương các cấp huyện Phú Vang đã thực hiện căn cứ trên ý kiến và sự thống nhất của ông Huế.

Trong “thư trình hỏi” gửi Báo Thừa Thiên Huế, ông Huế còn có một số thắc mắc về đất của họ phái bị thu hồi, cấp cho hộ gia đình. Vấn đề này, UBND xã Phú Mậu cho biết đang tìm hiểu lại sự việc. Báo Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục trả lời ông Huế và bạn đọc.

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới

Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế-xã hội; liên quan trực tiếp các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương. Ðây là nguồn lực, là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới

TIN MỚI

Return to top