ClockThứ Ba, 06/11/2012 06:58

Giải quyết ô nhiễm nguồn nước ở Thủy Phương

TTH - Sau nhiều năm sống chung với ô nhiễm môi trường nước từ bãi chôn lấp rác thải Thủy Phương người dân sắp được “thở phào nhẹ nhõm” bởi mới đây, công trình hồ xử lý nước rỉ rác được khởi công xây dựng với kinh phí hơn 14 tỷ đồng. 

Nhu cầu cấp thiết

 

Hầu như tại các cuộc tiếp dân, tiếp xúc cử tri của các cấp được tổ chức tại phường Thuỷ Phương (Hương Thủy) những năm trở lại đây, người dân phản ứng gay gắt về tình trạng môi trường nước bị nhiễm bẩn trầm trọng và mùi hôi thối của rác bắt nguồn từ phía 2 cơ sở: Bãi chôn lấp chất thải rắn của Công ty TNHH NN MTV Môi trường và Công trình đô thị Huế (MTĐT) và Nhà máy xử lý rác Thuỷ Phương của Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (gọi tắt Nhà máy xử lý rác TSN). Nhất là về mùa hè, nước từ hệ thống xử lý rác thải tập trung của tỉnh được thải ra khe Ngang, đổ về khe cầu Đôi, ra hồ Châu Sơn với chiều dài khoảng 2 cây số thường có màu đen đục. Không những gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân một số khu vực như tổ 7, 9, 10, 11 thuộc phường Thủy Phương, nguồn nước nhiễm bẩn còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, chăn nuôi của rất nhiều hộ dân sống dọc theo các khe kể trên.

 

Công ty MTĐT Huế triển khai thi công công trình xử lý nước rỉ rác mới

 

Theo người dân Thuỷ Phương, nguyên nhân khiến nguồn nước bị ô nhiễm là do hệ thống xử lý nước rỉ rác từ 2 cơ sở trên, đặc biệt là từ bãi chôn lấp chất thải rắn chưa được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, nhưng trong suốt một thời gian dài vận hành vẫn được thải ra môi trường với khối lượng đáng kể. Điều đáng quan tâm, dù nhu cầu chôn lấp rác thải ngày càng lớn, nhưng hệ thống xử lý nước rỉ rác vẫn chưa được đầu tư tương xứng, nên tình trạng ô nhiễm môi trường đã xảy ra.

 

Sau gần 10 năm phục vụ chôn lấp xử lý rác thải cho T.P Huế, Hương Thủy và một số vùng phụ cận, năm 2009 bãi chôn lấp rác số 1 Thủy Phương rộng 2,5 ha do Công ty MTĐT Huế quản lý đã đóng cửa. Trước đó, tháng 9/2008, công ty đã đưa vào sử dụng bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh số 2 trên diện tích 2,9 ha. Khu chôn lấp này được xử lý chống thấm, hệ thống thu gom nước rỉ rác 582m dẫn vào hồ sinh học; hệ thống thoát và ngăn nước mưa dài 899m; hệ thống đường nội bộ dài 728m. Với khối lượng chôn lấp bình quân 200 tấn/ngày, dự kiến bãi rác chôn lấp số 2 sẽ sử dụng trong thời gian 8 đến 10 năm.

 

Hiện tại, hồ xử lý nước rỉ rác cũ chưa thể xử lý đảm bảo tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường

 

Cùng với nước rỉ rác từ bãi rác số 1 (đã đóng cửa) và bãi rác số 2, bình quân mỗi ngày, lượng nước rỉ rác từ bãi chôn lấp rác thải Thủy Phương thải ra khoảng 25- 30m3. Bằng công nghệ sinh học, nước thải đang được xử lý vi sinh qua hồ sinh học với diện tích 2.500m2, sâu 2,5m. Vấn đề nan giải mà đơn vị chưa thể khắc phục được đó là xử lý sạch màu đen nước rỉ rác. 

 

Vì môi trường bền vững

 

Trước tình hình đó, phía Công ty MTĐT Huế đã tìm kiếm nguồn kinh phí, công nghệ xử lý để khắc phục tồn tại trên. Năm 2011, đơn vị đã được Tổ chức SIAAP (Nghiệp đoàn xử lý nước thải thủ đô Paris- Pháp) đồng ý tài trợ mở rộng hồ xử lý sinh học, kết hợp đầu tư làm thảm thực vật để tăng khả năng xử lý nước thải đạt hiệu quả cao hơn.

 

Cuối tháng 10 vừa qua, Công ty MTĐT Huế bắt tay triển khai thi công công trình cải tạo hồ xử lý nước rỉ rác mới trên tổng diện tích 1,5 ha. Theo thiết kế của dự án, nước rỉ rác từ bãi chôn lấp rác số 1 và số 2 Thủy Phương tự chảy qua và được điều tiết lưu lượng bằng cửa pha vào hồ làm thoáng. Tại đây, sẽ diễn ra quá trình phân hủy sinh học nhờ vi khuẩn hiếu khí. Quá trình này được hỗ trợ bởi 4 máy sục khí đặc nổi. Sau khi qua hồ làm thoáng, nước rác được đưa vào hồ lắng để các chất rắn lơ lửng lắng xuống đáy hồ đồng thời các chất hữu cơ tiếp tục được phân hủy. Sau khi qua hồ lắng, nước rỉ rác được đưa vào bể lọc thực vật bằng 2 máy bơm chìm. Tại đây nước được làm sạch dựa trên nguyên tắc xử lý sinh học hiếu khí bằng thực vật là cây sậy trước khi thải ra môi trường. Đặc biệt, để tăng hiệu quả xử lý nước thải đảm bảo trước khi ra môi trường, dự án còn thiết kế xây dựng khu xử lý phân bùn với phương pháp bãi lọc ngầm trồng cây sậy dựa trên tác dụng đồng thời của rễ, cây và các vi sinh vật tập trung trong đất để phân hủy các hợp chất hữu cơ, vi trùng và chất lỏng có thể xả ra sau khi đã xử lý trong các hồ ổn định.

 

Ông Phan Bồng, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Hương Thủy cho rằng, công trình xử lý nước rỉ rác với phương pháp cải tiến này được xây dựng sẽ đáp ứng nhu cầu bức bách, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, giải quyết bức xúc của người dân địa phương. Theo lãnh đạo Công ty MTĐT Huế, mặc dù trong vài năm tới, khu xử lý chất thải rắn tại Phú Sơn (Hương Thủy) sẽ đưa vào sử dụng và bãi rác Thủy Phương sẽ đóng cửa, nhưng để đảm bảo môi trường bền vững về lâu dài, đơn vị đã kêu gọi nguồn hỗ trợ của Tổ chức SIAAP và vốn đối ứng từ ngân sách của TP Huế hơn 14 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước rỉ rác quy mô hơn, đáp ứng nhu cầu xử lý nước rỉ rác ngày càng tăng. Công trình này dự kiến sẽ đưa vào sử dụng cuối năm 2013.

 

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Thường trực UBND T.P Huế cho rằng đây là công trình trọng điểm của tỉnh, thể hiện tình hữu nghị, mối quan hệ Việt - Pháp, giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và Pháp trong việc hỗ trợ về vốn và kỹ thuật xử lý nước thải; đồng thời dự án được đầu tư và đưa vào sử dụng sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề bức xúc về môi trường, tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội ổn định.

 

Bài, ảnh: Hoài Thương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

Cùng với cả nước, trong tháng 4 này, Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân và tăng tốc thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Với sự trợ giúp từ phần mềm CAPI (một mô-đun phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn thực địa chuyên dụng) trên thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng điều tra viên “tăng tốc” trong quá trình thực hiện điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở
163 đề tài tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh năm 2024

Sáng 14/4, tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tổ chức lễ khai mạc triển lãm và chấm thi Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh lần thứ XVII, năm 2024. Tham dự có ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành cùng giáo viên, học sinh các đơn vị dự thi.

163 đề tài tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh năm 2024
Nâng hạng chỉ số DTI

Những năm qua, Thừa Thiên Huế luôn nằm trong tốp đầu về chỉ số chuyển đổi số. Song năm 2023, qua rà soát, trong Bộ chỉ số chuyển đổi số có nhiều nhóm tiêu chí không đạt bền vững, do vậy cần những giải pháp căn cơ để chuyển đổi số trở thành chìa khóa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nâng hạng chỉ số DTI
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp huyện Phú Lộc đang từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm nên người dân yên tâm.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

TIN MỚI

Return to top