ClockThứ Bảy, 09/06/2012 07:17

Giải quyết xung đột giao thông ở hai đầu cầu Bạch Hổ

TTH - Mặc dù chưa đi vào hoạt động chính thức, nhưng thực tế sau những ngày thông xe kỹ thuật, có thể nhận thấy một số nguy cơ gây mất an toàn giao thông ở hai khu vực đầu cầu đường bộ Bạch Hổ cần có phương án khắc phục.

Xung đột đầu cầu phía Bắc

Thông thường đối với các giao lộ có mật độ giao thông qua lại đông, người ta thường lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông như là một biện pháp để hạn chế ùn tắc và điều tiết phương tiện. Tuy vậy, với trường hợp nút giao thông giao giữa 3 tuyến: cầu Bạch Hổ - đường Lê Duẩn – đường Kim Long lại không đơn giản như vậy. Bởi ngã tư này nằm sát ngay đầu cầu, nếu lắp đặt đèn tín hiệu giao thông dừng xe ở đây thì mỗi lúc đèn đỏ, xe cộ sẽ đứng cả trên cầu điều này về mặt nguyên tắc là không đúng luật giao thông đường bộ, quy định các phương tiện giao thông không được phép dừng đỗ trên cầu. Vậy nhưng, nếu không dùng hệ thống đèn tín hiệu thì việc điều tiết giao thông ở đây sẽ hết sức phức tạp.
 

Nút giao thông ở phía Bắc đầu cầu đường bộ Bạch Hổ (sẽ vạt đi một phần vỉa hè Lê Duẩn để mở rộng giao lộ). Ảnh: QP

 
Hiện trạng nút giao thông này như ta đã thấy có rất nhiều yếu tố xung đột rất khó giải quyết. Cụ thể, tuyến từ cầu Bạch Hổ xuống, mặt cầu rộng, đường phẳng, phương tiện đổ dốc với tốc độ cao. Ở tuyến đường Lê Duẩn, tốc độ lưu thông của phương tiện thường cũng khá nhanh, hơn thế nữa tuyến đường này có khúc cua khá ngặt, tầm nhìn của phương tiện bị che khuất. Tuyến cuối cùng là đường Kim Long. Đây là tuyến đường du lịch nên mật độ phương tiện lưu thông ngày càng nhiều, nhất là xe du lịch 45 chỗ ngồi trở lên. Tuyến này cũng bị che khuất tầm nhìn do trạm gác chắn tàu hiện tại quá cận mặt đường. Ngoài cả 4 hướng đều có lưu lượng giao thông lớn thì trở ngại lớn nhất phải kể đến gác chắc tàu. Thực tế, mỗi lúc gác chắn đóng lại, phương tiện giao thông đứng chờ tàu ùn ứ ở khu vực này, tình trạng này vốn đã bức xúc, nay thêm vào hướng lưu thông cầu Bạch Hổ thì chắc hẳn vấn đề tiên lượng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
 
Vậy giải pháp ở đây là gì? Chúng ta sẽ khắc phục tình trạng này ra sao? Theo như quan sát của chúng tôi, trên sa bàn mô hình cầu đường bộ Bạch Hổ, khu vực giao lộ này không thấy lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu, thay vào đó là bùng binh ở giữa. Việc lắp đặt bùng binh có lẽ là một giải pháp hợp lý, tuy nhiên, giao lộ này lại khá hẹp, đường Lê Duẩn có khúc cua hình chữ L ngặt nên nếu muốn thực hiện giải pháp này có lẽ nên tính đến việc mở rộng giao lộ mà khả thi nhất đó là thu hẹp một phần vỉa hè, công viên ở khúc cua đường Lê Duẩn để tăng tầm nhìn cho phương tiện. Ngoài ra, cũng cần thiết xem xét phải lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu cảnh báo giảm tốc độ, đưa ra giới hạn tốc độ cụ thể của phương tiện đi qua khu vực này, chẳng hạn phương tiện qua đây chỉ cho phép chạy tốc độ dưới 30 km/1 giờ.
Tình trạng “thắt cổ chai” ở đầu cầu phía Nam
 
Ở phía bờ bên kia, tuy xung đột giao thông không đến mức bức xúc như đầu cầu phía Bắc, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn và ách tắc giao thông. Ở giao lộ cầu Bạch Hổ - đường Bùi Thị Xuân và đường Tôn Thất Tùng, tất cả đều có lưu lượng người và phương tiện qua lại lớn.
 
Đặc biệt, sau khi cầu Bạch Hổ được xây dựng xong, tuyến Bùi Thị Xuân từ cầu Ga đến chân cầu Bạch Hổ được mở rộng khang trang. Trước đó, đường từ cầu Lòn lên khu vực Thủy Biều cũng đã được nâng cấp. Khi toàn tuyến đã được mở rộng, trong khi cầu Lòn hẹp dẫn đến tình trạng “thắt cổ chai”. Đây có thể tạo ra nguy cơ gây nên tình trạng ách tắc giao thông qua khu vực này, nhất là khi khu vực Thủy Biều đang trên đà đô thị hóa và phát triển khá nhanh. Việc mở rộng cầu Lòn không hề đơn giản, bởi còn phụ thuộc rất lớn vào cầu đường sắt hiện tại. Tuy nhiên, không phải là không có giải pháp để mở rộng, ít nhất cũng là cải thiện về mặt chiều rộng của cầu để giúp cho phương tiện lưu thông qua lại được thuận tiện hơn.
 
Giải pháp để mở rộng cầu Lòn cần phải được tính toán và thiết kế của những chuyên gia cầu đường, nhưng theo thiển nghĩ của chúng tôi nếu như mở rộng về cả hai phía, gia cố phía cầu đường sắt bên trên cũng như hạ một phần cốt mặt đường đoạn qua cầu chui thì có thể việc mở rộng cầu sẽ rất khả thi. Điều lo ngại đó là khu vực cầu Lòn thấp thường hay bị ngập, nhưng nếu chúng ta có giải pháp hạ cốt nền khu vực hầm chui nhưng nâng lên dần và không để nước lũ tràn vào như giải pháp tầng hầm các công trình thì cũng sẽ khắc phục được tình trạng ngập sâu ở khu vực này. Ý tưởng này thiết nghĩ cần được các nhà quản lý lưu tâm, để việc giao thông qua toàn tuyến đường này trở nên đồng bộ, bảo đảm vẻ mỹ quan.
 
Hiện nay, các ban ngành hữu quan của tỉnh đang nghiên cứu để đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng này, thiết nghĩ đây là một việc làm hết sức cần thiết. Bởi tới đây khi chính thức đi vào hoạt động, cầu đường bộ Bạch Hổ chắc chắn sẽ là một đầu mối giao thông quan trọng của Huế. Vậy nên vấn đề an toàn giao thông phải được đặt lên hàng đầu.

 Quang Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Return to top