ClockThứ Bảy, 04/04/2015 08:34

Giai thoại Văn Lợi với văn nghệ sĩ

TTH - “Giai thoại Văn Lợi với văn nghệ sĩ” là cuốn sách tập hợp những mẫu chuyện có thật với người thật việc thật xảy ra trong đời sống hàng ngày, quan hệ giao tiếp và ứng xử của nhà thơ Văn Lợi với văn nghệ sĩ, do Thảo Mỹ Am sưu tầm và giới thiệu, nhà xuất bản Thuận Hóa vừa mới ấn hành. Cuốn sách chứa đựng 45 mẫu chuyện được chia làm hai phần (phần I: Câu đối và nói lái gồm 35 mẫu chuyện; Phần II: Thơ gồm 10 mẫu chuyện). Đọc liền mạch cuốn sách lôi cuốn và hấp dẫn này, bạn đọc sẽ phát hiện và hiểu thêm một khía cạnh nữa của tính cách và con người Văn Lợi với tài đối đáp linh hoạt, ứng xử dí dỏm, nhẹ nhàng mà thâm thúy như sở trường viết ngụ ngôn khá nổi tiếng của nhà thơ. Xin được dẫn ra đây hai mẫu chuyện để minh chứng cho điều đó.
* Phát biểu bằng câu đối!
Sau khi sát nhập tỉnh Bình Trị Thiên, tạp chí Sông Hương trực thuộc Hội Văn học Nghệ thuật cũng ra đời. Ra được vài số thì xảy ra sự cố. Tỉnh cho là nội dung bìa 4 của Tạp chí có vấn đề không rõ ràng. Hội tổ chức họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Tại cuộc họp, nhiều anh em nghệ sĩ đề nghị Văn Lợi, với vai trò là phụ trách công tác xuất bản của Ty Văn hóa – Thông tin Bình Trị Thiên phát biểu. Văn Lợi xin bày tỏ bằng một câu đối, ghép chữ, ấy là lấy chữ đầu và chữ cuối của vế 1 và của vế 2 để tặng Tạp chí Sông Hương mà thôi… rồi Văn Lợi đọc:
Tạp chớ la đà làm mất chí
Sông đừng chảy lệch để phai hương
Nhiều anh em văn nghệ sĩ hôm ấy lấy làm tâm đắc
* Một cuộc họa thơ hi hữu
Trong một cuộc họp của Ban chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội chủ trì. Bàn phòng họp chạy dài với hai hàng ghế hai bên, Văn Lợi ngồi đối diện với nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, cạnh Mỹ Dạ là đức ông chồng - nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, do thế mà Văn Lợi muốn trêu Mỹ Dạ. Sau khi hí hoáy viết một hồi, Văn Lợi tủm tỉm cười đẩy sang cho Mỹ Dạ mảnh giấy nhỏ, Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ nhận tờ giấy đọc:
Tặng bạn
Lâm vào cảnh sắc ngày xưa
Thị vàng rơi xuống ngẩn ngơ lòng người
Mỹ nhân có thật trên đời
Dạ nào chẳng muốn trao lời tâm tư?
Thấy Mỹ Dạ vừa đọc vừa mỉm cười, đợi Mỹ Dạ đọc xong nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường lấy đọc rồi hí hoáy viết và chuyển sang cho Văn Lợi. Văn Lợi đọc xong liền chuyển sang Mỹ Dạ bài thơ của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường họa lại bài thơ Văn Lợi:
Lâm li kẻ mặt trau mày
Thị thành son phấn làm bay hương đồng
Mỹ miều má phấn môi hồng
Dạ còn trong sáng như dòng sông quê?
Văn Lợi chừng như nhận thấy Hoàng Phủ Ngọc Tường chưa thật hiểu Mỹ Dạ, nên Văn Lợi viết và chuyển tiếp cho Hoàng Phủ bài thơ tặng Hoàng Phủ:
Hoàng hôn về lối xóm
Phủ bóng người gái quê
Ngọc ngà nơi thôn dã
Tường tận càng đam mê!
Đợi nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường lặng lẽ đọc xong mảnh giấy Văn Lợi chuyển sang, Mỹ Dạ lấy đọc rồi nữ thi sĩ chuyển cho Văn Lợi bài thơ tự họa của mình về Hoàng Phủ:
Hoàng thành xưa hãy còn đây
Phủ rêu năm tháng xanh dày thời gian
Ngọc kia lũ đã cuốn tràn
Tường giăng kín mít, bóng hoàng hôn buông…!
Văn Lợi đọc xong, lặng lẽ chuyển sang Hoàng Phủ. Thật thâm thúy, hào hoa, những vần thơ chơi chữ “ngẫu hứng” nhưng rất ý nhị của ba văn nhân, thi sĩ đắm mình vào hồn thơ mà quên mất bổn phận là phải lắng nghe Chủ tịch Hội – nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nghiêm trang truyền đạt.
Gấp lại cuốn “Giai thoại Văn Lợi với văn nghệ sĩ”, mở ra trong tôi một cảm xúc thật lạ về một thời anh em văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên cùng sống chung một nhà. Tuy cuộc sống vật chất lúc bấy giờ vô cùng kham khó, nhưng họ sống với nhau có tình có nghĩa, vô tư, hồn hậu, và trong sáng đến khó tin.
Cảm ơn nhà thơ Văn Lợi và Thảo Mỹ Am đã cho ra đời đứa con tinh thần tuy nhỏ nhắn và mảnh mai, nhưng ẩn chứa bao điều thao thức. Tôi tin, nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi khi đọc cuốn sách này sẽ gặp lại bóng dáng mình trong đó, chân thật mà sống động đến nao lòng.
Lê Viết Xuân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Return to top