ClockChủ Nhật, 17/05/2020 14:26

Giải tỏa niềm “tự ái”

TTH - Có thể không mới với một số người, nhưng chắc hẳn rất nhiều người Huế vẫn còn chưa biết và sẽ rất thú vị với những thông tin sẽ đọc. Và niềm “tự ái” lâu nay trong họ sẽ bỗng chốc trở nhẹ như không…

Lộc Minh đình, ngôi nhà của Ưng Bình Thúc Giạ ThịChâu Hương Viên & ước nguyện hồi sinhƯng Bình Thúc Giạ Thị & thi phẩm “Gánh tương tư”

Huế vàng son

“Núi Ngự không cây cu ngủ đất/Sông Hương vắng khách đĩ kêu trời” - Đôi câu thơ có cái “âm sắc” hơi khó nghe kia thỉnh thoảng lại được người ta đem ra chòng ghẹo “dân nước Huế” trong một cuộc vui nào đó. Gặp khi đã có chút hơi men, không phải là không có người cảm thấy khó chịu, tự ái vì không cam lòng khi đất di sản quê mình lại bị người ta nhìn “méo mó”, “giễu nhại” như thế. Tôi, thú thật cũng từng một đôi lần rơi vào cái cảm giác như vậy.

Cho đến một lần, bất chợt khám phá rằng, câu thơ ấy không phải là do một kẻ vô danh tiểu tốt nào đó cố tình sáng tác rồi truyền khẩu để chọc quê Huế cho vui, mà nó là con cái của một văn nhân tên tuổi đàng hoàng ở xứ Cố đô: Thảo Am Nguyễn Khoa Vy - Người đã cùng với nhà thơ Ưng Bình sáng lập và giữ chân Phó soái thi xã Hương Bình nổi tiếng đất Thần kinh.

Du khách tìm về Huế - miền đất hội tụ các giá trị di sản

Nguyễn Khoa Vy biệt hiệu là Thảo Am (1881 - 1968), xuất thân trong một gia đình danh gia vọng tộc ở Huế, tinh thông Nho học và chữ Pháp. Những năm đầu thế kỷ XX ông làm việc trong ngành hỏa xa, đến năm 1906 làm công chức sở Bưu điện. Cách mạng Tháng Tám 1945, ông tham gia khởi nghĩa ở Huế; sáng tác nhiều thơ ca cổ động đồng bào hưởng ứng phong trào Việt Minh; là cộng tác viên tích cực của phòng văn nghệ Nha Tuyên truyền Trung bộ. Sau ngày mặt trận Huế vỡ, sống trong vùng tạm chiếm, ông từ chối lời mời làm việc ở đài phát thanh của chính quyển bù nhìn. Lấy sáng tác văn chương để gửi gắm nỗi lòng trước nổi trôi vận nước. Thơ văn của ông rất khẩu khí, tinh nghịch và rất sâu cay, “gửi gắm những lẽ đời phải - trái, thịnh - suy” và có sức sống lâu bền trong đời sống. Hai câu thơ “Núi Ngự không cây cu ngủ đất/ Sông Hương vắng khách đĩ kêu trời!” được ông viết thời Huế bị giặc Pháp tái chiếm như một cách phơi bày cho bá tánh thấy cái điêu tàn của đất kinh đô dưới ách xâm lược.

Nhưng có lẽ không nhiều người biết về cái bối cảnh ra đời cũng như sau 2 câu thơ của Thảo Am còn có một số câu khác họa thêm và thành bài thơ hoàn chỉnh. “Hồi ức về cha tôi, Ưng Bình Thúc Giạ Thị” của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã kể về câu chuyện này như sau:

“…Trong thời kỳ 1950-1960 các thi hữu trong Hương Bình thi xã ước hẹn cứ một tháng một kỳ vào ngày chủ nhật đầu tiên, gọi là kỳ “Hội ngâm”. Mỗi tháng có một đề thi chung cho các thi hữu theo đó mà làm. Đề thi đó do Thầy tôi (cụ Ưng Bình) hoặc làng thơ lựa chọn. Chỗ “Hội ngâm” thường là chốn hưu đình của Thầy tôi (Lộc Minh Đình), hoặc mỗi tháng luân phiên tới tư thất của một thi hữu… Có khi Thầy tôi và các thi hữu đặt những câu hò đối đáp trong những buổi hội ngâm để thêm phần hào hứng.

Một hôm, cụ Thảo Am Nguyễn Khoa Vy viết nên 2 câu có tính cách “thời sự” lúc bấy giờ

Núi Ngự không cây chim ngủ đất [1]

Sông Hương vắng khách đĩ kêu trời!

Thầy tôi tiếp thêm 2 câu cho trọn câu hò:

Ai ơi cho hỏi một lời

Vì sao non nước đổi dời ra ri?

Và Thầy tôi lại làm tiếp theo một câu trả lời:

Nọ nước nầy non hãy còn như cũ

Giang sơn hữu chủ ai nhủ em lo.

Rồi đây tái tạo cơ đồ,

Sẽ có cây cho chim đậu, cũng có đò cho em đi.”

Tiếc là cả Thảo Am lẫn Thúc Giạ Thị đều không thọ đủ lâu để được chứng kiến cái ngày non sông sạch bóng ngoại xâm, giang sơn thu về một mối. Châu Hương Viên - tư thất của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, nơi có Lộc Minh Đình in bóng các thi hữu của Hương Bình thi xã cũng lụi tàn hoang phế theo biến động thời cuộc và sương khói thời gian…

Nhưng Huế Cố đô sau ngày thống nhất đã không ngừng chuyển mình, được tôn tạo bồi đắp và trở thành vùng đất hội tụ những giá trị di sản mang tầm vóc toàn cầu được cả thế giới công nhận. Châu Hương Viên sau những nổi trôi hoang phế đã được đón người đứng đầu chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cùng lãnh đạo các sở, ngành hữu quan ghé thăm, thị sát và chắc chắn sẽ được trùng tu phục dựng trong nay mai. Anh linh của 2 cụ Ưng Bình và Thảo Am hẳn đã ngậm cười nơi chín suối khi thấy núi Ngự sông Hương đã không ngừng thay da đổi thịt, và ước mong “tái tạo cơ đồ” cháy bỏng trong tâm khảm các cụ lúc sinh tiền cũng đã hiện hữu rạng ngời nơi dương thế…

Bài, ảnh: DIÊN THỐNG

[1] Hồi ức của Tôn Nữ Hỷ Khương, câu 1 khác từ “chim” so với từ “cu” vẫn nghe truyền khẩu. Chưa  rõ câu nào là dị bản.

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top