ClockThứ Sáu, 06/08/2021 17:21

Giảm áp lực cho giáo viên

TTH - Việc bỏ quy định chứng chỉ trình độ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên là một nút tháo gỡ quan trọng giúp giáo viên chuyên tâm đứng lớp.

Bộ trưởng GD&ĐT: Không yêu cầu tỉ lệ học sinh lên lớp để “áp” thi đua cho giáo viênGiảm áp lực từ những cuộc thiHọc sinh mừng, giáo viên lo với đề minh họa môn tiếng Anh

Giáo viên các bậc học dần dần được cởi trói các quy định không phù hợp (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

 

Gỡ bỏ áp lực

Một cô giáo có thâm niên trong nghề “gõ đầu trẻ” gần 20 năm than phiền, đã có lúc cô muốn nghỉ việc khi cảm thấy áp lực và “quay cuồng” với sổ sách, báo cáo, dự giờ và bồi dưỡng… Chưa hết, lo lắng nhất của giáo viên ở các cấp học là phải đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ từ bậc 1 đến bậc 3; trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin theo quy định, chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin ở các hạng chức danh nghề nghiệp. Đối với cấp học phổ thông, giáo viên dạy ngoại ngữ được yêu cầu phải có trình độ ngoại ngữ thứ hai tương ứng như trình độ ngoại ngữ của các giáo viên khác.

Là giáo viên một trường trung học cơ sở trên địa bàn, cô giáo Lê Kim Lan cho hay, cô và nhiều đồng nghiệp từng “đứng ngồi không yên” để có được chứng chỉ tin học và ngoại ngữ. Chứng chỉ tin học thì đơn giản hơn vì ít nhiều giáo viên cũng tiếp xúc và thao tác trên máy tính. Nhưng với chứng chỉ ngoại ngữ thì không khác gì “đánh đố” thầy cô. Bởi có giáo viên ra trường hàng chục năm nên vốn tiếng Anh “rơi rụng”. Không ít giáo viên cảm thấy mệt mỏi và không muốn hoàn chỉnh các loại bằng cấp vì cho rằng quy định này chỉ là hình thức. Thực tế, những tấm bằng này có nộp vào cho đủ điều kiện về mặt hồ sơ, còn trong quá trình giảng dạy giáo viên ít khi sử dụng đến. Sự vất vả tốn kém từ những chứng chỉ này đã khiến giáo viên thêm áp lực, khó khăn khi theo đuổi nghề nghiệp.

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, quy định này không còn phù hợp, bộc lộ những bất cập, hạn chế và đã được “cởi trói” từ ngày 20/3/2021. Cụ thể, các yêu cầu về ngoại ngữ không còn quy định “cứng” là phải đảm bảo bậc 1 hay bậc 2, bậc 3 như trước đây mà chuyển thành “có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao”. Yêu cầu về trình độ tin học không còn là đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT mà là “có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ” của giáo viên theo hạng chức danh nghề nghiệp.

“Thời đại 4.0, kỹ năng ngoại ngữ, tin học là cần thiết; nhưng nên theo yêu cầu công việc, vị trí việc làm cụ thể chứ không phải là từ chứng chỉ một cách hình thức. Riêng việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đã tạo điều kiện rất lớn, giảm áp lực để giáo viên có thời gian tập trung hiệu quả nhất cho công tác chuyên môn”, cô Lê Thị Hồng Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An chia sẻ.

Không áp dụng cứng nhắc

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, quy định mới này không có nghĩa là những yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học không còn quan trọng với giáo viên. Chỉ bỏ những yêu cầu mang tính hình thức nhưng vẫn cần khuyến khích giáo viên học tập, tự nâng cao, bồi dưỡng năng lực cần thiết về ngoại ngữ, tin học bởi đây là những năng lực quan trọng giúp thầy cô giáo nâng cao chuyên môn của mình, hỗ trợ quá trình dạy học hiệu quả, chất lượng.

Theo nhiều hiệu trưởng, những quy định cụ thể về trình độ ngoại ngữ, tin học sẽ phụ thuộc vào từng vị trí việc làm, không áp dụng một cách cứng nhắc đối với tất cả các giáo viên, bởi mỗi giáo viên ở một vị trí sẽ có nhiệm vụ riêng, tính chất công việc khác nhau. Mỗi vị trí sẽ tương ứng với những tiêu chí, yêu cầu riêng. Có thể ở vị trí này, thầy cô cần đáp ứng yêu cầu về trình độ tin học cao, nhưng ở vị trí khác lại chỉ cần đáp ứng trình độ tin học ở mức cơ bản. Mỗi thầy, cô giáo với chức trách, nhiệm vụ, công việc cụ thể được giao sẽ cần đáp ứng chuẩn năng lực về chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu vị trí công việc.

Vấn đề đặt ra là, làm sao để khuyến khích, hỗ trợ, tạo động lực cho giáo viên nâng cao năng lực sư phạm, trình độ ngoại ngữ, tin học. Đây phải là nhu cầu tự thân, để bổ trợ cho công việc của giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Điều quan trọng là sau khi có quy định mới, điều chỉnh lại thì cần phải giám sát việc thực hiện, theo dõi, đánh giá quá trình chỉ đạo thực hiện như thế nào, kết quả đạt được ra sao. Làm được như vậy mới đảm bảo cho mục tiêu và ý nghĩa của sự thay đổi này.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái

Với mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, khoảng 40-50% địa phương trong cả nước có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới, nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn.

Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái
Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy
Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau

Chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên (1 trong 20 người đầu tiên trên thế giới được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu - người sáng lập Diễn đàn Giáo dục sáng tạo Việt Nam) mới đây đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế xung quanh những vấn đề về giáo dục hiện nay. Bà chia sẻ về áp lực của giáo viên, học sinh cùng trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong bối cảnh chương trình giáo dục liên tục thay đổi.

Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau

TIN MỚI

Return to top