ClockThứ Sáu, 02/10/2020 06:30

Giảm “độ vênh” giữa bằng cấp và năng lực cho giáo viên tiếng Anh

TTH - Giáo viên đạt chuẩn trình độ ngoại ngữ theo quy định là điều đương nhiên. Tuy nhiên, làm thế nào để giảm “độ vênh” giữa bằng cấp và năng lực thực tế để tạo hứng thú cho học sinh lại là chuyện khác.

Bồi dưỡng năng lực giáo viên Tiếng Anh70% giáo viên tiếng Anh phổ thông đạt chuẩn năng lực

Học sinh Trường THCS Phạm Văn Đồng trong tiết học ngoại ngữ

Nỗi lo đạt chuẩn

Cách đây 10 năm, Thừa Thiên Huế rất khó khăn về đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ, do mặt bằng chất lượng không đồng đều. Thậm chí, có giáo viên không hiểu hết nội dung sách giáo khoa, phát âm còn sai. Thế nên, có thời điểm có đến 84,4% giáo viên Thừa Thiên Huế không đạt chuẩn trong kỳ khảo sát năng lực ngôn ngữ do Sở GD&ĐT phối hợp với Hội đồng Anh Hà Nội (British Council) tổ chức.

Ý thức được tầm quan trọng khi năng lực giáo viên quyết định đến chất lượng đào tạo, Sở GD&ĐT thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng chuẩn hóa; trong đó, chú trọng kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến. Giáo viên được chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp, tài liệu, giáo án và chú trọng hoạt động đánh giá sau bồi dưỡng. Sự hỗ trợ của Hội đồng Anh trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cũng là một yếu tố giúp chất lượng dạy và học tiếng Anh của Thừa Thiên Huế nâng lên.

Ở các trường trên địa bàn TP. Huế, đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa tốt hơn. Trường THPT Hai Bà Trưng có 14 giáo viên dạy ngoại ngữ thì có đến 11 giáo viên đạt chuẩn C1 (trong nước) và 2 giáo viên đạt chuẩn B2 (quốc tế), 2 giáo viên được Trung tâm Ủy quyền EUC công nhận là giám khảo nói đạt chuẩn quốc tế.

Cô giáo Trần Thị Kim Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng, cho biết: Chúng tôi luôn xem trọng và khuyến khích việc tự học, bồi dưỡng của giáo viên để nâng cao trình độ chuyên môn; khuyến khích giáo viên viết đề tài tham luận hội thảo trong và ngoài nước; tăng cường đọc sách báo để nâng cao năng lực sử dụng ngôn ngữ. Quan trọng hơn là nhà trường tạo điều kiện cho giáo viên giao lưu với giáo viên nước ngoài để nâng cao kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm trong giảng dạy.

Năm học 2019 - 2020, có 90,8% giáo viên đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ theo cấp bậc học; trong đó, cấp tiểu học đạt 94,7%, THCS 96,79% và THPT 78,8%. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ giáo viên vẫn chưa sát thực tế là vấn đề đáng suy nghĩ. Đánh giá của Sở GD&ĐT cho thấy, nhìn chung giáo viên tiếng Anh vẫn còn rất yếu về kỹ năng nghe và nói, có “độ vênh” rất lớn giữa năng lực bằng cấp và năng lực thực tế, tính bền vững chưa cao.

Phải là nhu cầu tự thân

Vẫn biết nhiều giáo viên nỗ lực để đạt chuẩn, song họ vẫn chưa thực sự hướng vào việc giảng dạy mà đặt nặng thành tích thi cử. Ý thức đổi mới phương pháp giảng dạy của một số giáo viên chưa cao khi có tư tưởng an phận, ngại khó trong đổi mới phương pháp dạy học và  ứng dụng công nghệ thông tin… Giáo viên vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn trong việc học tập, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên do địa hình cách trở.

Cô giáo Phan Thị Bích Lộc, Tổ trưởng bộ môn tiếng Anh Trường tiểu học Trần Quốc Toản (TP. Huế) chia sẻ, đạt chuẩn chỉ là điều kiện cần, giáo viên phải thực sự tạo ra môi trường học tập năng động, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Ngoại ngữ là môn đòi hỏi khả năng thiết kế các hoạt động và cách thức tổ chức tiết dạy của người thầy để giảm đi sự khô cứng, e ngại trong tiết học.

Để có môi trường tốt, việc đầu tư cơ sở vật chất rất quan trọng. Học sinh phải được luyện tập nghe - nói trong những phòng riêng biệt, đầy đủ máy móc. Ngành giáo dục cần kêu gọi xã hội hóa việc học ngoại ngữ, thúc đẩy vai trò của các đơn vị đào tạo ngoại ngữ bên ngoài nhà trường. Đối với giáo viên ngoại ngữ, phải biết tạo ra tình huống, khả năng để hướng dẫn học sinh học tập. Bên cạnh việc thiết kế, phân bố thời gian hợp trong mỗi tiết học, người thầy còn phải biết cách giúp đỡ, giảm độ khó cho học sinh, truyền tải kiến thức mới gắn với hướng dẫn, củng cố kiến thức toàn bài.

Thông tư 26 về quy chế bồi dưỡng thường xuyên đã quy định, hàng năm giáo viên phải tự đăng ký nội dung bồi dưỡng, trên cơ sở đó nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục sẽ tổng hợp và triển khai bồi dưỡng. “Quan trọng là phải quan tâm tới tâm tư nguyện vọng của học sinh, các thầy cô đổi mới, nâng cao trình độ là vì học sinh chứ không phải vì thành tích”, cô Oanh cho biết thêm.

Dù vẫn còn có những “độ vênh” và con số 9% giáo viên ngoại ngữ chưa đạt chuẩn vẫn là mục tiêu cần giải quyết. Để việc bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ đạt yêu cầu, phải để các thầy cô thấy được bồi dưỡng là nhu cầu tự thân, là niềm vui chứ không phải áp lực hay thúc ép.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Học sử để sống với người đã chết”

“Học sử làm gì? Học địa làm gì? Học địa để sống với non sông đất nước. Học sử để sống với người đã chết”. Đó là câu hỏi và trả lời của cụ Huỳnh Thúc Kháng, đăng trên báo Tiếng Dân do chính cụ làm chủ bút, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

“Học sử để sống với người đã chết”
Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ trưởng, phó trưởng phòng cấp huyện

Chiều 9/1, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài KHCN cấp tỉnh "Nghiên cứu giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ trưởng, phó trưởng phòng UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh" do Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh chủ trì thực hiện.

Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ trưởng, phó trưởng phòng cấp huyện

TIN MỚI

Return to top