ClockThứ Sáu, 24/10/2014 05:36

Giảm gánh nặng cho vốn đầu tư ngân sách

TTH - Đây là một trong những cách đặt vấn đề xung quanh việc tăng giá vé của Tờ trình Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan tại các điểm di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế – một trong hai nghị quyết chuyên đề - sẽ được đặt lên bàn nghị sự tại Kỳ họp bất thường HĐND khóa VI, nhiệm kỳ 2011-2016 vào sáng nay (24-10).

Du khách tham quan Đại Nội. Ảnh: Võ Nhân

Theo tờ trình số 5378/TTr-UBND của UBND tỉnh, mức điều chỉnh giá vé (người/điểm/lượt) sẽ tăng đối với khách người lớn là người nước ngoài và Việt Nam (từ 105 ngàn đồng và 75 ngàn đồng theo thứ tự lên 210 ngàn đồng) tại các điểm Hoàng Cung (Đại Nội – Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế); từ 80 ngàn đồng và 55 ngàn đồng lên 150 ngàn đồng; từ 40 và 30 ngàn đồng tại các điểm lăng Gia Long, Thiệu Trị, Đồng Khánh, điện Hòn Chén, cung An Định, đàn Nam Giao, Kỳ Đài Huế lên 70 ngàn đồng. Riêng đối tượng khách là trẻ em từ 20 và 10 ngàn đồng (nước ngoài và trong nước) cũng sẽ được tăng lên mức 60 và 40 ngàn đồng đối với các điểm tham quan thứ nhất và thứ hai. Riêng các điểm tham quan thứ ba lâu nay được miễn cho các trẻ em trong và ngoài nước sẽ được đưa vào thu phí tham quan ở mức 20 ngàn đồng. Như vậy, nếu đề án được thông qua, điều đầu tiên có thể nhận thấy là không còn hai mức giá đối với khách trong và ngoài nước. Đây có thể cũng sẽ là lần đầu tiên việc tăng giá vé dành cho người nước ngoài được điều chỉnh sau 18 năm trong khi giá vé cho khách là người khách trong nước đã tăng lần thứ tư trong các năm 2002, 2004, 2006 và 2012.

Hướng đến phát triển bền vững, chủ động hơn trong công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế là mục tiêu dài hạn xung quanh việc điều chỉnh tăng giá vé ở phạm vi điều chỉnh này, bên cạnh đó là sự trượt giá ở biên độ khá lớn (2,7 lần kể từ 2006 đến nay). Mặt khác, đây cũng là việc hướng đến sự bình đẳng khi đặt trong đối sánh tương quan với các khu di sản khác như phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam); khu du lịch Tràng An (Ninh Bình), khu du lịch động Thiên Đường (Quảng Bình), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) thì giá vé vào tham quan các điểm thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế hiện đều có mức giá thấp hơn hẳn; thậm chí là thấp hơn vài lần nếu so với tham quan Hoàng cung Thái Lan (350 ngàn đồng) hay Angkor Wat – Campuchia (485.000 đồng). Lấy một ví dụ cụ thể là điểm tham quan khu di tích Hoàng Cung, có đến 16 công trình tiêu biểu, chẳng hạn như Ngọ Môn, Lầu Ngũ Phụng, Điện Long An, Điện Thái Hoà, Cung Diên Thọ, Hiển Lâm Các, Thái Bình Lâu, Duyệt Thị Đường, Tứ Phương Vô Sự... nhưng giá vé chỉ có 105 và 75 ngàn đồng cho khách nước ngoài và khách Việt. Trong đó, chỉ riêng Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế (Điện Long An) – bảo tàng được thành lập từ năm 1923 – sớm nhất ở Huế được xếp hạng là bảo tàng hạng II, với hàng ngàn hiện vật quý hiếm được nối vào tour thăm Hoàng Cung, nhưng giá vé được phân bổ cho điểm này 15 ngàn đồng là quá ít ỏi so với những gì mà Bảo tàng hiện có.
Một phân tích cụ thể hơn từ Đề án (được kèm theo Tờ trình) là tổng kinh phí 527,9 tỷ đồng đã huy động cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích trong giai đoạn 1996-2010 theo QĐ 105/QĐ-TTg ngày 12-2-1996 của Thủ tướng Chính phủ; trong 4 năm đầu tiên từ 2010 đến 2014 của việc thực hiện QĐ 818/TTg ngày 7-6-2010 về Điều chỉnh Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế từ 2010 đến 2020, tổng kinh phí huy động là 233 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 100 tỷ đồng; ngân sách địa phương 121 tỷ đồng, 12 tỷ đồng còn lại là vốn tài trợ và các vốn khác. Ở một thống kê khác, 738,9 tỷ đồng là nguồn ngân sách địa phương để đầu tư, tôn tạo, tu bổ cho hàng chục công trình mới và tiếp nối. Nguồn đầu tư lớn như vậy, song hiện vẫn còn hơn 400/525 công trình hoặc đang trong tình trạng hư hỏng nặng nề, hoặc đã trở thành phế tích và bị biến dạng theo thời gian. Điều ấy cũng có nghĩa là, so với nhu cầu của việc trùng tu, tôn tạo thì nguồn đã được đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu bảo tồn. Việc nâng giá vé do vậy không chỉ để đánh giá đúng giá trị của di sản Huế mà còn để có thêm nguồn thu, từ đó đầu tư trở lại cho quá trình bảo tồn, tu bổ, giảm áp lực từ nguồn vốn đầu tư ngân sách nhà nước. (Có 11 phạm vi và đối tượng miễn giảm cũng được đề cập cụ thể trong Đề án và Tờ trình).
Giá trị của di sản, xu thế của sự phát triển cũng như những biến động về tỷ suất giá, việc tăng giá vé vào các điểm tham quan thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế rõ ràng là cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề mà dư luận quan tâm là việc nâng giá vé cần được đặt ra đồng thời không chỉ với chất lượng trùng tu các công trình vật thể, bảo tồn và phát huy các giá trị phi vật thể mà còn cả chất lượng của dịch vụ. Thời gian gần đây, chất lượng dịch vụ đã được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế chú trọng cả về hình thức lẫn nội dung, song vẫn chưa được như mong đợi của khách thưởng ngoạn. Mặt khác, việc giám sát, công khai, minh bạch các nguồn đầu tư trong tu bổ, tôn tạo cũng là vấn đề cần được đặt ra như một đối trọng để người dân nói chung và du khách nói riêng yên tâm khi đóng góp phần mình qua việc mua vé vào tham quan. Ngay cả việc đầu tư ở bên ngoài các điểm tham quan của di tích cũng cần phải được quan tâm đúng mức, hạn chế dần tình trạng nhếch nhác đã và đang có...
Lê Nguyễn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhận biết và phòng ngừa dịch cúm gia cầm

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm (DCGC), ngày 23/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức hướng dẫn cách nhận biết và các biện pháp phòng trừ DCGC. Mục tiêu là hạn chế thấp nhất vi rút DCGC lây nhiễm và gây tử vong cho người, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi.

Nhận biết và phòng ngừa dịch cúm gia cầm
Hoãn đấu thầu vàng: Doanh nghiệp không mặn mà hay đang 'nghe ngóng'?

Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu vàng vào 10h sáng nay (ngày 22/4); đồng thời, công bố sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng mai, thứ Ba, 23/4.

Hoãn đấu thầu vàng Doanh nghiệp không mặn mà hay đang nghe ngóng
Return to top