ClockThứ Ba, 22/03/2016 14:49

Giảm hơn 270.000ha đất trồng lúa vào năm 2020

Hiện nay, nguồn cung gạo trong nước đang dư thừa, thị trường xuất khẩu gạo bị thu hẹp, Chính phủ dành khoảng 400.000ha được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng...

Đề xuất này của Chính phủ đã được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành, nêu trong “Báo cáo thẩm tra phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất năm năm kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia”.

Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Nguyễn Văn Giàu - chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho biết: Chính phủ đề nghị đến năm 2020, diện tích đất trồng lúa là hơn 3,76 triệu ha, giảm hơn 270.000ha diện tích đất lúa năm 2015 và giảm hơn 52.000ha so với nghị quyết của Quốc hội.

Trong số đất lúa được giữ lại, Chính phủ cũng đề nghị dành khoảng 400.000ha được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa.

Ủy ban Kinh tế đã đồng ý đề nghị này với những lý do: Hiện nay, nguồn cung gạo trong nước đang dư thừa, thị trường xuất khẩu gạo bị thu hẹp do một số quốc gia là bạn hàng truyền thống nhập khẩu gạo của Việt Nam dần tự chủ được sản xuất lương thực.

Diện tích đất trồng lúa mà Chính phủ đề nghị chuyển mục đích sử dụng chủ yếu là phục vụ nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp, đô thị, xây dựng nông thôn mới và chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Về việc điều chỉnh giảm hơn 52.000ha đất trồng lúa so với nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế nhận thấy đây là diện tích đất thường xuyên bị hạn hán, nhiễm mặn, ngập lụt và đất bị thoái hóa, sản xuất lúa kém hiệu quả so với các cây trồng khác.

Tương tự, với 400.000ha đất lúa chuyển sang trồng các loại cây hằng năm khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa cũng phần lớn thường xuyên bị hạn hán, xâm nhập mặn do chịu tác động của biến đổi khí hậu, không thể tiếp tục trồng lúa hoặc trồng lúa hiệu quả thấp.

Ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, với diện tích đất trồng lúa còn lại khi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất, diện tích gieo trồng lúa dự kiến đạt trên 7 triệu ha, sản lượng đạt khoảng 42 triệu tấn/năm. Với sản lượng này sẽ bảo đảm an ninh lương thực hiện tại, ngay cả khi dân số tăng và giữ ổn định ở mức 120 triệu dân trong tương lai.

Trước đó, trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Minh Quang cũng cho biết: Đến năm 2020 sẽ có gần 11.000ha được dành để làm 96 sân golf. Đây là diện tích đất nằm trong kế hoạch dành hơn 46.800ha đất để làm cơ sở thể dục, thể thao.

Đánh giá về diện tích đất để dành làm sân golf này, ông Nguyễn Minh Quang nói: “Việc quy hoạch phát triển sân golf chủ yếu tại các khu vực đất có chất lượng kém, đất cát, đất chưa sử dụng”.

Đồng thời, toàn bộ diện tích đất dự kiến dùng làm sân golf này sẽ không lấn vào đất trồng lúa, đất màu, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.

Đối với đất quốc phòng, an ninh, Chính phủ đề nghị đến năm 2020 sẽ điều chỉnh giảm thêm 47.000ha đất quốc phòng (còn lại hơn 340.000ha) và 10.700ha đất an ninh (còn lại hơn 71.000ha), sau khi đã rà soát, xác định lại nhu cầu sử dụng.

Theo Tuổi trẻ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấn Độ sẽ hạ giá sàn cho gạo basmati xuất khẩu

Với việc Pakistan áp đặt giá sàn hay còn gọi là giá xuất khẩu tối thiểu (MEP) của gạo basmati ở mức 1.050 USD/tấn, Ấn Độ đang xem xét giảm MEP đối với gạo basmati. Động thái này nhằm giúp các nhà xuất khẩu gạo thơm Ấn Độ không bị thiệt thòi trên thị trường toàn cầu trong việc xuất khẩu loại gạo cao cấp này sang các quốc gia láng giềng, tin từ Reuters ngày 26/9 cho biết.

Ấn Độ sẽ hạ giá sàn cho gạo basmati xuất khẩu
Ứng phó diễn biến khó lường từ thị trường gạo

Tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường đã tác động mạnh đến nguồn cung sản lượng gạo, gây lo ngại về các vấn đề an ninh lương thực thế giới cũng như ảnh hưởng đến xu hướng phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia khi tình trạng lạm phát chưa được cải thiện.

Ứng phó diễn biến khó lường từ thị trường gạo

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top