ClockThứ Năm, 09/06/2016 08:22

Giảm nghèo đa chiều, thách thức từ thu nhập

TTH - Chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều thực sự là cơ hội để hai huyện miền núi thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, nếu không có sự thay đổi về nhận thức, phương pháp thì sự thiếu hụt nhiều chỉ số trong chuẩn nghèo đa chiều sẽ trở thành một thách thức không nhỏ trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Chất lượng sống thấp

Qua rà soát đánh giá hộ nghèo theo chuẩn mới, tỷ lệ hộ nghèo tăng. Huyện Nam Đông có 900 hộ nghèo (14,5%). Cả 5 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao như Thượng Long, Thượng Quảng, Thượng Nhật, Hương Hữu và Hương Giang đều không đảm bảo về tiêu chí nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đa số các hộ nghèo ở đây đều là đồng bào dân tộc, vừa mới ra ở riêng và chưa có nhà cửa ổn định. Tập quán làm việc cũng như tiêu dùng không có kế hoạch khiến cuộc sống của họ càng gặp nhiều khó khăn. Trở ngại lớn nhất của Nam Đông hiện nay trong việc giảm nghèo bền vững là tiêu chí thu nhập và nước sinh hoạt. Ngoài các chỉ số thiếu hụt, như chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở, chỉ số không có nhà tiêu hợp vệ sinh chiếm tỉ lệ cao nhất. Nhiều xã có trên 90% số hộ không đạt tiêu chuẩn này. Hầu hết bà con đều làm nhà tiêu gần suối, mà suối lại là nguồn nước sinh hoạt chính của họ. Điều này tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Lãnh đạo tỉnh và các ban ngành khảo sát hộ nghèo tại huyện A Lưới

Ở A Lưới, tỷ lệ hộ nghèo quá cao so với mặt bằng chung. Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, toàn huyện có 4.337 hộ nghèo (17.784 khẩu), chiếm tỷ lệ 45,4%. Chất lượng đời sống của bà con vẫn còn thấp, thiếu nhiều dịch vụ xã hội cần thiết. A Lưới vẫn còn trên 2.400 nhà tạm, tranh tre nứa lá; mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản ở một số lĩnh vực còn rất cao, như bảo hiểm y tế thiếu 86%, hố xí, nhà tiêu hợp vệ sinh thiếu trên 80%, nguồn nước sinh hoạt thiếu 64, %, diện tích nhà ở thiếu trên 60%. Nguyên nhân cơ  bản do người dân thiếu tư liệu sản xuất, không việc làm ổn định, không có tay nghề, gia đình đông con, nhiều đối tượng ăn theo, mới tách hộ…Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: Hiện tại, thu nhập chính của người dân trong huyện là từ cây keo thương mại. Diện tích rừng cao su, cà phê dù không phải nhỏ, nhưng do rớt giá và do những nguyên nhân khác nhau nên những loại cây này hiện không sinh lời bao nhiêu.

Tránh tư duy thành tích

A Lưới đặt chỉ tiêu sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2 - 3% mỗi năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến 2020 đạt 35 - 40%, riêng năm 2016 đạt 30%; tạo việc làm mới cho 250 lao động. A Lưới sẽ chọn các mô hình VACR (vườn - ao - chuồng - rừng) có hiệu quả trên địa bàn huyện, đầu tư cho các hộ có sức lao động, nắm được khoa học kỹ thuật trong sản xuất.

Còn ở Nam Đông, bà Lê Thị Thu Hương, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Địa phương đã xây dựng đề án với mục tiêu huy động các nguồn lực xã hội, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, như: y tế, giáo dục, điều kiện sống, thông tin, đi lại, bảo hiểm, hỗ trợ sinh kế… nhằm cải thiện đời sống, tăng thu nhập. Đồng thời, sẽ tiếp tục hỗ trợ cho 100% hộ nghèo đang ở nhà tạm, nhà hư hỏng nặng có đất ở ổn định được xây mới nhà ở; 100% hộ có nhu cầu được giải quyết vay vốn ưu đãi…

Từ điều kiện và thực trạng công tác giảm nghèo của huyện Nam Đông, A Lưới, các sở, ban, ngành cấp tỉnh đã có đợt khảo sát đề nghị hai huyện cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, làm thay đổi căn bản nhận thức của đồng bào thiểu số trong sinh hoạt và tiêu dùng. Một trong những định hướng lớn, mới của Nhà nước trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 là sẽ giảm dần các chính sách “cho không”, tăng dần sự chủ động tiếp cận các chính sách về giảm nghèo đối với người nghèo, nhất là về vay vốn sản xuất, phát huy tính tự lực, tự cường trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, tránh tâm lý ỷ lại.

Để tốt công tác giảm nghèo ở huyện miền núi, sớm rà soát, đề xuất, sửa đổi các chính sách giảm nghèo không còn phù hợp, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư cho huyện nghèo, xã nghèo, thôn nghèo. Đổi mới hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tạo động lực cho hộ nghèo vươn lên, tham gia các tổ chức sản xuất. Các huyện cần rà soát để cơ cấu lại sản xuất và chuyển dịch ngành nghề phù hợp với điều kiện của từng địa phương nhằm tạo việc làm cho người lao động, tạo thu nhập ổn định và thoát nghèo bền vững.

Giám đốc sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Nguyễn Thanh Kiếm cho biết: Sở sẽ đề nghị cơ sở đào tạo nghề và vận động doanh nghiệp may đang hoạt động trên địa bàn tỉnh mở một số cơ sở may công nghiệp hay may gia công trên địa bàn huyện Nam Đông, A Lưới, tạo thêm việc làm cho lao động. Để giảm nghèo hiệu quả và bền vững, các huyện cần tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát huy lợi thế về kinh tế vườn, chăn nuôi, trồng rừng và các mô hình phát triển kinh tế đã có hiệu quả.

Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững tỉnh nhấn mạnh: Trong chương trình giảm nghèo cần phải xóa bỏ tư duy thành tích và tập trung vào những việc làm thiết thực, mang lại hiệu quả cao. Các cơ quan, ban ngành cần chủ động hơn nữa, có những giải pháp mang tính thực tế để hỗ trợ người dân trong thời gian đến...Về nguồn lực đầu tư, các  huyện cũng phải rà soát các nguồn lực cho giảm nghèo với nguồn lực xây dựng nông thôn mới để đưa vào kế hoạch đầu tư công và ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020, có như vậy mới đảm bảo tính hiệu quả và nguồn lực đầu tư cho những tiêu chí cần nguồn ngân sách lớn.

Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giá lương thực toàn cầu dự báo giảm trong năm 2024

Theo dự báo của hãng tư vấn kinh tế Oxford Economics, giá hàng hóa thực phẩm thế giới sẽ ghi nhận sự sụt giảm trong năm nay, làm giảm áp lực lên giá bán lẻ thực phẩm. Động lực chính đằng sau sự sụt giảm này là “nguồn cung dồi dào” đối với nhiều loại cây trồng quan trọng, đặc biệt là lúa mì và ngô.

Giá lương thực toàn cầu dự báo giảm trong năm 2024
Mỹ đầu tư 20 tỷ USD vào năng lượng sạch ở các cộng đồng thu nhập thấp

Theo tin từ Nhà Trắng, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và lãnh đạo Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) Michael Regan vừa công bố 8 tổ chức sẽ giám sát việc đầu tư 20 tỷ USD để tài trợ cho hàng chục nghìn dự án năng lượng sạch và giao thông vận tải tại các cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn trên khắp nước Mỹ.

Mỹ đầu tư 20 tỷ USD vào năng lượng sạch ở các cộng đồng thu nhập thấp
Những nông dân thu nhập tiền tỷ

Thông qua phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều điển hình nông dân thu nhập tiền tỷ.

Những nông dân thu nhập tiền tỷ
Return to top